Câu này được nhắc lại ở đầu mỗi kỳ: Đây là biên chép về hiện thực cuộc sống thời gian bị dịch Covid-19 năm 2021, năm căng thẳng nhất trong cơn dịch thế kỷ.
29.9
Hôm qua Bộ Y tế công bố số người nhiễm Covid ở TP.HCM chỉ có 377 người, tự dưng sụt hẳn vài nghìn so với những hôm trước (ngày 27.9 là 4.134 người, ngày 26.9: 5.121 người, ngày 25.9: 4.046 người…). Con số tụt hẫng ấy gây xôn xao dư luận, kẻ cười người chê, nghi ngờ dáo dác, khiến không ai hiểu được thực trạng dịch ở Sài Gòn là gì, như thế nào. Tối nay 29.9, lại chính Bộ Y đưa ra số lượng tăng vọt, nhảy một phát lên 4.699 người nhiễm. Ông hàng xóm nhà tôi bảo, ông ạ, ông sống trong cái thể chế này từ bé tới giờ ông không hiểu họ à. Thứ gì cũng thế, nhiều hay ít là do ý chí chủ quan của nhà cai trị, chứ không phải trên cơ sở hiện thực khách quan. Lâu nay, bất kỳ con số công bố nào của họ, nhất là những thương vong thời chiến tranh, những “thành tựu, kết quả” thời bao cấp, đều rất khó tin. Họ nặn được hết. Có thông tin rất đáng tin cậy cho biết Bộ Y tế muốn công bố con số bao nhiêu, nhiều hay ít, có lợi hay không có lợi, vào thời điểm nào… đều phải được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia duyệt, mà ban này do ông Phạm Minh Chính đứng đầu.
29.9
Họa sĩ Đỗ Đức (trên phây búc đề là Đông Ngàn) vẽ bức tranh nhan đề “Ngoáy mũi ra tiền”, kèm theo mấy câu (thơ) minh họa: “Có nghề ngoáy… lỗ ra tiền/Cảm ơn cô vít bạn hiền/Nhờ mày, tao rủng rỉnh tiền chia nhau”. Đăng trên phây búc, thiên hạ lai (like) còm (comment) ầm ầm khoái chí. Giới họa sĩ đã ra tay thì ghê lắm, bọn kia hết đường chống đỡ. Tranh của họa sĩ La Thanh Hiền cũng vậy.
30.9
Trung ương kỷ luật một mẻ lớn, chỉ riêng tướng lĩnh đã 11 viên, toàn bộ là cảnh sát biển, nguyên cả bộ tư lệnh. Đang căng mình chống dịch, thấy công bố, ai cũng sốc. Tư lệnh, chính ủy, bộ tư lệnh, rồi chỉ huy cả 4 vùng, bị tất. Thiên hạ bảo đáng đời, cho chết, hư hỏng thì trả giá. Nhưng cũng có người nghi ngờ, đang lúc tranh chấp với Tàu trên biển Đông nóng bỏng, cảnh sát biển là lực lượng quan trọng chỉ sau hải quân để bảo vệ chủ quyền biển đảo, tự dưng những tướng lĩnh cao nhất, giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất bị loại, mà tội phần lớn lại là suy thoái phẩm chất chính trị, hư hỏng đạo đức, lối sống (kiểu như trai gái bồ bịch). Tội ấy đem lôi ra trị lúc này, coi chừng mắc bẫy cò ke thằng đểu, mất biển, mất nước chứ đùa.
Vụ “đàn áp ngoáy mũi” ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương hôm 28.9 làm lộ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Vẫn biết ở xứ mặt trời rực rỡ, mọi chuyện, nhất là chuyện xấu, sẽ qua đi rất nhanh, bị quên đi rất nhanh, thế nên mới có câu thành ngữ nổi tiếng “ném đá ao bèo”, nhưng tránh sao khỏi bia miệng vẫn tạc chỗ này chỗ kia, khi ấy khi khác.
Phát lộ nhiều lắm. Như người ta nói với nhau, trận dịch khốn nạn này giết chết bao nhiêu người, tàn phá lung lay cả xã hội, còn ghê hơn chiến tranh, nhưng nó cũng có “công” làm phát lộ, phơi bày ra nhiều thứ xấu xa kín đáo, trong đó phần lớn của nhà cai trị. Nhiều, khó mà kể hết được, chỉ tranh thủ nhặt ra đôi điều vậy.
Sự đời xưa nay, ăn cây nào rào cây ấy, ăn oản phải thờ phật, làm thuê phải theo lệnh chủ, nhưng coi đoạn video người đàn bà tay không bị lực lượng hùng hậu trang bị tận răng phá cửa vào nhà, bị bẻ quặt tay ra sau lưng dong đi, chỉ để nhằm mỗi việc ngoáy mũi xét nghiệm, thấy thật kinh khủng và rất buồn. Quyền con người bị xâm phạm, pháp luật bị vi phạm trắng trợn đã đi một nhẽ (mấy thứ này để dành cho các luật sư phân tích), còn nhẽ khác rất đáng nói: đám sai nha hung tợn kia, nào phải ai khác, chính là công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, tất tật đều do dân nuôi, thấm 6 điều cụ dạy, đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ… Trên lý thuyết, họ đều rất đẹp, nhưng lâu nay trong thực tế đã bị méo mó nhiều, trong vụ này thì hỏng hẳn.
1.10
Không phải vô cớ mà mấy bữa ni trong dư luận nhan nhản việc trích dẫn truyện Kiều, nào “Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/Người nách thước, kẻ tay dao/Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, nào “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh/Rụng rời khung cửi tan tành gói may”… Hình ảnh những cảnh sát cơ động quần áo nai nịt gọn gàng, giầy chiến binh cao cổ, chú nào cũng đeo chiếc dùi cui, đầy đủ vũ khí xông vào nhà dân trông cực kỳ phản cảm. Ba chú, cộng thêm công an, dân phòng, cán bộ đảng, cán bộ chính quyền, ập vào nhà một cách hung tợn chỉ để bắt đứa đàn bà tay không, không vi phạm pháp luật, không hề có ý chống cự. Cứ thế bẻ quặt tay lôi đi, mặc cho người đàn bà đáng thương yếu ớt phản đối, mặc đứa trẻ con của người tội nghiệp ấy gào mẹ ơi mẹ ơi.
Những người lính kia đâu phải trình độ, nhận thức như đám khố xanh khố vàng ngu dốt, vô học ngày xưa. Họ hiểu cả thế thái nhân tình, nhưng bị nhồi sọ, nhồi nhét thứ ý thức chuyên chính vô sản, chỉ còn biết tuân chỉ, cúc cung tận tụy làm theo lệnh, như thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, như những con robot người máy vô cảm, vô nhận thức, vô hồn. Không một ai trong số hung hăng bẻ quặt đó nhận thức được rằng chính mình đang vi phạm pháp luật chứ không phải người đàn bà tội nghiệp kia.
Bí thư phường, nơi có chung cư xảy ra vụ cưỡng bức ngoáy mũi, rồi cả bà bí thư TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) đều trắng trợn vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật. Ban ngày ban mặt kéo sai nha vào nhà dân như đi bắt tội phạm nguy hiểm. Kẻ dưới làm bậy, kẻ trên bao biện quanh co. Bà bí thư Thuận An cũng trắng trợn chả kém: “Trong thời điểm cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch Covid như hiện nay, tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường trong công tác phòng chống dịch”. Bà ta ngồi xổm lên pháp luật, coi luật pháp không là cái đinh. Bà ta dám thay cả quốc hội, cơ quan có quyền ban hành tình trạng khẩn cấp, điều chỉnh luật. Xin hỏi, ai cho phép họ được làm vậy? Trả lời: Họ không cần ai cho phép bởi họ và những người như họ từ thấp tới cao luôn tự nghĩ mình có quyền đó. Tự nhận lãnh đạo toàn diện thì đương nhiên được làm đủ mọi điều.
Hãy coi kỹ tấm ảnh mà xem, không ai nghĩ rằng tét mũi tìm vi rút để bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà là đang thi hành án, án tử hình quyền con người. Đây dù là chuyện địa phương, xảy ra ở tỉnh lẻ, nhưng là hệ quả của đường lối chính sách chống dịch được quán triệt từ trung ương. Không biết những người như ông Đam, ông Chính, ông Phúc, bà Ngân, thậm chí cả ông Trọng có dám đứng ra chịu trách nhiệm. (còn tiếp)
Nguyễn Thông (ghi)
———-
Comment từ bạn đọc :
Vani Le
Vụ test ở Lái thiêu thì kinh lắm !
Anh rể tôi, gốc Q 4. Nghe người muốn cảm nên lấy xe chạy ra tiệm thuốc tây mua thuốc. Một ổ chọc test phục kích ngay tiêm thuốc. Bảo anh ngửa cổ. Rồi, 2 vạch. Báo tin về cho vợ con. Cách ly anh tại chỗ, xe bít bùng tới đem anh đi. Rồi tuần sau, giao về hủ cốt. Không biết cái gì trong đó.
Ngày thường, anh là anh cả của một đàn em . 80 t, anh đứng ra quyết định chuyện trong nhà trong cửa.
Giờ, dịch tới, anh sinh bệnh trong lặng lẽ, chết trong cô đơn.
Tướng tá có vô tù, rồi nó cũng được ăn được uống.
Ông anh tôi, ngủ có chăn màn không ? Có được bát cháo hành lót lòng không ?
Viết những dòng này, lòng đau như cắt, anh năm ạ.
Anh hết vất vả rồi !