23.09.2017
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi đã được hưởng một nền giáo dục theo định hướng một chiều như bất cứ những học sinh khác được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Khái niệm về “phản biện” là một cái gì đó gần như không có trong từ điển của học sinh. Ngay cả lúc tôi ôn thi để lấy bằng tốt nghiệp lớp 12 hoặc thi đại học, có rất nhiều đề cương và giáo trình đã được bán sẵn nên chỉ cần chăm chỉ học thuộc lòng y như đã hướng dẫn là ổn.
Và lịch sử về chiến tranh Việt Nam cũng không phải là điều ngoại lệ. Tôi đã sống “hồn nhiên” như thế cho đến một ngày tôi quyết định chọn tiếng Pháp như một môn ngoại ngữ thứ hai sau tiếng Anh đã được học ở trên trường. Trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa với một thầy giáo người Pháp mà tôi rất kính trọng tại Hà Nội vào một ngày mùa thu năm 1999, chúng tôi đã được phân công đọc mỗi người một đoạn văn bằng tiếng Pháp trong quyển sách lịch sử do Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp lúc đó cung cấp. Chẳng hiểu sao thầy lại chọn tôi là người đọc cho các bạn nghe đúng bài viết nói về ý nghĩa của ngày 30/04/1975. Đọc cho các bạn nghe theo yêu cầu của buổi học ngoại khóa, nhưng đầu óc tôi đầy sự phân vân vì chưa bao giờ tôi lại nghe nói về những cái điều “lạ hoắc” được gói gọn chỉ trong 1 trang giấy A4 đó cả.
Tôi nhớ có một đoạn đại ý là “Hiệp định Paris được ký năm 1973 đã giúp mở đường cho tiến trình hòa bình và để cho Mỹ rút khỏi cuộc chiến ở Việt Nam. Nhưng chỉ hai năm sau, miền Bắc đã không tuân theo cam kết đình chiến đã ghi trong hiệp định này mà quay ngược trở lại tiến hành xâm lược và thôn tính miền Nam bằng cuộc chiến tranh có tên gọi “chống Mỹ cứu nước”. Nền dân chủ, tự do và thịnh vượng của Sài Gòn, thủ phủ kinh tế và thương mại của Hòn Ngọc Viễn Đông sầm uất nhất Đông Dương đã bị chấm dứt chỉ trong nháy mắt bởi chính chế độ CS độc tài Miền Bắc với sứ mệnh ” Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”…Tôi đã thực sự choáng váng. Tôi thậm chí đã nghi ngờ cả vào khả năng đọc hiểu tiếng Pháp của mình và cứ nghĩ mình đã hiểu sai nội dung của bài viết. Gần như trong suốt buổi ngoại khóa đó, tôi là người duy nhất đã tranh cãi với thầy giáo của mình về những gì vừa đọc. Các bạn khác đã chỉ im lặng lắng nghe : một số do sốc nhưng không nói gì vì sợ “phạm úy” do đề tài quá nhạy cảm, số còn lại không quan tâm vì chỉ coi đó là một bài thực hành tiếng Pháp mà thôi. Tôi nhớ đã hậm hực với thầy giáo của mình và kiên quyết không đồng ý với luận điệu “tuyên truyền kiểu tư bản” của thầy. Ấy vậy mà thầy vẫn bao dung và cười nhẹ nhàng với tôi, một con bé mặt mũi đang đỏ bừng vì hăng máu, và vì cảm thấy “tinh thần dân tộc” trong nó đang bị tổn thương. Ra xe, tôi cũng không thèm nói chuyện và chào tạm biệt thầy dù hôm đó là buổi dạy cuối cùng trước khi thầy rời Việt Nam để kết thúc 3 năm giảng dạy tại Hà Nội.
Năm 1999 cũng là năm mà mạng Internet gắn cùng đường truyền điện thoại cố định bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Ở lớp học tiếng Pháp, có những chương trình được tải trực tiếp từ một số đường link trên Internet. Tôi lại cặm cụi đến trường và rồi một ngày cái tờ giấy A4 nói về ngày 30/04/1975 hôm nào được kẹp trong cuốn vở học tiếng Pháp rơi xuống chân. Tiện tay tôi đã định liệng tờ giấy đó vào sọt rác ở góc phòng học nhưng cái tên của thầy ở bên trái tờ giấy cùng ngày học ngoại khóa đã khiến tôi dừng lại. Liếc mắt nhìn mọi người xung quanh như thể mình đang vừa làm một điều tội lỗi, tôi đã gấp nhỏ và giấu kỹ tờ giấy xuống đáy ba lô. Tôi tìm đến Internet những ngày sau đó, chọn một góc kín đáo trong một quán café Internet. Sự thật dần hiện ra sau những ngày dài miệt mài và cảm xúc cũng vì thế mà trở nên đầy vơi không ngừng. Không người chia sẻ, tôi cứ tự bước một mình đơn độc trong hành trình đi tìm lại lịch sử của dân tộc cho bản thân mình khi vừa bước sang tuổi 18.
Tôi bắt đầu không tin vào sách vở ở trường nhưng vẫn quyết định học đại học bất chấp sự phản đối của cha tôi. Đối với cha, con gái không nên học quá nhiều mà chỉ cần tập trung cho tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” để nâng khăn sửa túi cho chồng và phục vụ gia đình nhà chồng là đủ. Vì cuộc sống ngoài kia còn bao nhiêu điều để khám phá, tôi đã quyết định từ chối không tuân theo lời cha mình chỉ vì không muốn số phận của mình sẽ bị định đoạt như của mẹ.
Cuộc sống của tôi đã thay đổi từ đó. Internet, những chuyến đi thực tế, những người tôi đã gặp trên mọi cung đường đã trở thành những người thầy lớn của đời tôi giúp tôi có được nhận thức, có đủ kiến thức để có thể độc lập và tự quyết định cuộc sống của mình cho đến tận bây giờ.
Trên một phương diện nào đó, đề tài về “Chiến tranh Việt Nam” đã làm thay đổi con người và cuộc đời tôi như thế đấy. Tôi vẫn đang trên con đường đi tìm lại sự thật của dân tộc cho chính mình. Đối với cá nhân tôi, khi lịch sử được viết một chiều bởi những kẻ cai trị thì lịch sử đó không còn là chính sử nữa. Nhiều ý kiến cho rằng chính sử đã bị tiêu diệt, sự thật không những đã bị chôn vùi theo những xác người đã ngã xuống trong đau thương , tuyệt vọng mà còn sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng bởi những con người chọn im lặng để tạm sống yên ổn trong những năm tháng còn lại. Nhưng truyền thông mở của ngày hôm nay lại cho ta thấy những nhận định này không còn tính hiện thực nữa và nó đã vực dậy những con người tưởng như sẽ “sống để bụng, chết chôn theo”.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khả năng truyền tin và kết nối trở nên siêu việt đã làm sống lại chính sử vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng những người con đất Việt. Những người đi khơi lại dòng lịch sử luôn cô đơn trong những bước chân đầu tiên nhưng họ vẫn vững bước vì chính nghĩa luôn rọi sáng con đường nơi ý chí và trái tim yêu thương dân tộc vẫn không ngừng thổn thức.
Nếu “Chiến tranh Việt Nam” ngày hôm nay vẫn chưa có được một phiên bản trọn vẹn khách quan và độc lập như chúng ta mong muốn, thì xin hãy vững tin rằng chính sử của chúng ta vẫn còn sống, và đang tiếp tục được viết hàng ngày bởi những con người không chấp nhận sống cúi đầu mà sẵn sàng đứng dậy, cất lên tiếng nói bất chấp đàn áp, bắt bớ hay tù đày. Khi chính sử vẫn còn, khi tinh thần dân tộc Việt kiên cường bất khuất vẫn còn thì tôi vững tin rằng chắc chắn sẽ có ngày sự thật của lịch sử dân tộc sẽ được viết lên bởi chính những người con yêu tự do, dân chủ và nhân bản của đất Mẹ Việt Nam !