· 9 tháng 11 lúc 04:00
***
Có một độc giả gửi cho Trung chuỗi hình ảnh này từ Tiktok, mà cụ thể là câu chuyện kể về sự “chủ động”, “mạnh mẽ”, “nam tính”, “không lệ thuộc các định chế quốc tế của Việt Nam.”
Trong nội dung của chuỗi ảnh, phóng viên nước ngoài hỏi Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch rằng tại sao Việt Nam tấn công Kampuchea mà không đưa vấn đề lên Liên Hiệp Quốc để giải quyết. (?!)
Ngoại trưởng “đanh thép” trả lời rằng, trong mấy chục năm qua, đã có bốn trên năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (có ý chỉ Anh, Pháp, Hoa Kỳ, và Trung Quốc) xâm lược Việt Nam, nên chúng tôi không thể tin Liên Hiệp Quốc như các ông. (?!?!?)
Ở dưới phần bình luận là các bạn trẻ thể hiện sự thỏa mãn mẫu giáo như “Liên Hiệp Quốc là Ô Hợp Quốc”, “Cứng họng”, “Cay”, “Không thể cãi”, “Quyền lợi tổ quốc trên hết”…
Mình không tìm được bản gốc của cuộc phỏng vấn này, nhưng có hay không có nội dung thảo luận như vậy thì thông tin được đưa ra ở trên đều SAI lịch sử ngoại giao Việt Nam trầm trọng.
CỤ THỂ:
Chính quyền Việt Nam tại thời điểm đó đã liên hệ đến hai định chế quốc tế khác nhau với kỳ vọng giải quyết được yêu sách lãnh thổ mà phía Pol Pot đưa ra, trước khi quyết định lật đổ chính quyền Pol Pot bằng vũ lực.
Thứ nhất, vào ngày 05 tháng 02 năm 1978, Chính phủ Việt Nam (mà thật ra đại diện chính là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch) đệ trình kế hoạch hoà bình trong đó có các ghi nhận như
(1) chấm dứt mọi xung đột vũ trang đang diễn ra;
(2) hai bên di chuyển quân đội rời khỏi biên giới tạm thời năm kilometter;
(3) khảo sát/phân định lại đường biên giới thông qua cơ quan quốc tế;
(4) và cuối cùng là ký kết một hiệp ước đường biên giới mới với nhau.
Ai nhận bản kế hoạch này? Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim. Waldheim đã đưa đề xuất này đến Pol Pot, nhưng họ kiên quyết từ chối.
Tháng 05 năm 1978, Việt Nam lại một lần nữa đề nghị Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm một đặc phái viên để giám sát và làm trung gian vấn đề biên giới với Cambodia. Một lần nữa, chính quyền Pol Pot cự tuyệt và phía hành chính của Liên Hiệp Quốc cũng không thể làm gì hơn.
Thứ hai, Việt Nam cũng đưa tranh chấp với Kampuchea lên tổ chức Phong trào Không Liên Kết (Non-Aligned Movement – NAM) và đề nghị NAM làm trung gian hoà giải (cũng vào tháng 02 năm 1978).
Chúng ta hiểu đơn giản Phong trào Không Liên Kết là một phong trào trong Chiến tranh lạnh khẳng định vị thế không phụ thuộc ai (dù là Hoa Kỳ hay Liên Xô) của các quốc gia tham gia.
Phong trào này có khoản 120 thành viên, và từng được xem dẫn đầu cho Cách tiếp cận khác của thế giới thứ ba đối với pháp luật quốc tế (Third-World Approach to International Law), hay thậm chí là xét lại hệ thống pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, với kiểu làm ăn và tư duy chính trị “kệ mm” của các quốc gia đang phát triển thì đề nghị của Việt Nam cũng không đi đến đâu (Một lần nữa cho thấy không phải cứ chống pháp luật quốc tế “phương Tây” thì chúng ta sẽ tạo ra được một hệ thống thay thế khác được việc).
Việt Nam rút lại đề nghị này sau một khoản thời gian ngắn không thấy hồi âm.
***
Nhưng quan trọng hơn, sau khi chiếm được Phnom Penh, chính phủ Việt Nam cũng kết hợp với một số quốc gia đồng minh còn lại (như Soviet và Cuba), dùng mọi công cụ lobby có thể để thuyết phục cộng đồng thuộc các định chế quốc tế rút bỏ ghế của Pol Pot khỏi cả UN lẫn NAM, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của tính chính danh về mặt pháp lý quốc tế lẫn diễn ngôn công cộng.
Về giai đoạn sau này, nếu xem xét kỹ các văn kiện đảng thì sẽ thấy hầu hết đều đánh giá việc bị cô lập của Việt Nam bởi cả Trung Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ… là một nước cờ chưa đúng (dù việc hạ bệ Pol Pot là đúng). Đặc biệt phía Việt Nam cũng thừa nhận sai lầm rất lớn của họ khi giới lãnh đạo lúc đó đã nghĩ rằng “chỉ cần hai tuần là thế giới quên ngay câu chuyện của Kampuchea”.
Kết luận được đưa ra, từ đó, nhắm đến việc vận dụng các định chế quốc tế tốt hơn; sử dụng diễn đàn quốc tế thuyết phục hơn; và hạn chế các hành vi đơn phương.
Nói rằng Việt Nam trước và sau xung đột tại Kampuchea không cần các định chế quốc tế, không màng đến LHQ và tự mình làm gì cũng thành công là một tư duy thiếu sự tổng quan, thiếu kiến thức lịch sử lẫn quan hệ quốc tế và thậm chí là sẽ dẫn đến các sai lầm trong tương lai.
***
Nói dông dài, chỉ mong mọi người luôn nghi ngờ thông tin từ các nhóm, trang mạng xã hội như thế này xuất hiện gần đây, đi đâu cũng cáo buộc người khác “không học sử” hay “lật sử” này, nhưng bọn họ cũng có học gì đâu?
Thứ họ có là một dạng thẩm quyền chính trị làng xã, chứ không phải kiến thức lịch sử, mà nói nôm na là: “Tao nói trật lất nhưng vì tao nói để ủng hộ nhà nước nên tao sẽ luôn đúng”.
Những trang trên Tiktok thế này rất nhiều, chủ yếu dùng cảm xúc “vỡ oà” để truyền tải thông tin lịch sử nhưng chúng toàn sai cả.