Khi viết đoạn mở đầu này tôi rất tâm đắc với toàn bộ kiến thức, trải nghiệm mình thu thập được cũng như học được từ những người thầy trong cuộc đời mình, đem ra chia sẻ thật cô đọng. Vì là trải nghiệm cá nhân nên không giống với người khác, vì vậy không nên xem đây là 1 chân lý mà chỉ là 1 phần rất nhỏ của những kiến thức tối cần trong cuộc sống, mà cũng chỉ đúng trong môi trường sống của tôi mà thôi. Tôi sống ở Úc và rất đơn giản để thành công và làm một người tử tế ở đây, còn ở VN thì có thể lại không như vậy, cho nên đừng áp dụng lung tung. Nếu bạn có thể tìm cho mình một môi trường tương tự như của tôi, thì tôi cam đoan những gì viết ra dưới đây áp dụng tốt. Tôi nghĩ nên tìm môi trường dễ để làm người tử tế, chứ không ai lại chọn môi trường khó để mất cả đời thử sức vật lộn với đời, bị đời vả cho bầm dập.
Bài học thứ nhất. Thật thà.
Khi tôi vài tuổi, sống ở 1 khu tập thể Hà Nội, tôi đã biết khái niệm nói dối. Lúc đầu tiên khi biết 1 người nói dối với tôi, tôi rất sợ. Nói dối là 1 cái gì khó hiểu, đáng sợ và chơi khăm. Và người đầu tiên nói dối (nửa đùa) với tôi là Mẹ. Với một lý do chính đáng để hợp thức hóa, coi nói dối như 1 trò đùa vô hại, tôi dần không sợ khi bị người khác nói dối nữa. Lần đầu tiên tôi nói dối chắc có lẽ là giấu Bố việc thi vào cấp ba không tốt. Giấu dốt thì cũng là 1 dạng nói dối. Và khi gần hai mươi năm sau, khi bị chửi ngu thì tôi có thể sửa cả sự thật để trả thù, thay vì sửa mình. Sự thật cũng có thể bị hy sinh cho tự ái cá nhân thời tôi còn trẻ trâu.
Sang Úc tôi lặng người chứng kiến 1 người mẹ Úc tát con, kể tội và bêu riếu nó vì đứa bé nói dối. Đánh con nhỏ là bị cấm ở đây, sẽ bị gọi cảnh sát bắt giam và tước quyền nuôi con, nhưng nếu đứa bé nói dối thì lại không ai can thiệp. Vì nói dối ảnh hưởng đến nhân cách, tương lai của đứa trẻ, nên cách tốt nhất là để cho nó bị đánh đau, nó sẽ nhớ.
Ra đời, chỉ cần thật thà thôi là đủ sống, nhớ nhé.
Ngay cả khi ngồi trong xe SUV của Sếp lớn bên Úc, đi chung xe 300km từ Perth đi thăm cái trang trại trồng cây olive tuốt gần Albany, dọc đường ông cầm lái và nói đủ thứ chuyện, nói qua chuyện làm người, Sếp già bảo: trong đời phải Thật thà con ạ. Sếp định đào tạo tôi làm quản lý toàn bộ công việc làm ăn lớn khi ông về hưu nên ông này đích thân thị phạm những bài học trong kinh doanh mà có lẽ chỉ cha mới dạy con. Tôi gọi đây là ông Thầy. Đẳng cấp giàu của ông vượt xa cái gọi là giàu ở VN, sở dĩ chọn tôi để truyền nghề cũng có lý do, bài học số 2 sẽ hé lộ tại sao ông chọn tôi.
Bố tôi, một ông Thầy khác, ôm mặt xấu hổ khi tôi kể về 1 lần tôi bẻ cong sự thật, lần đó đủ để tôi đau đến bây giờ. Đây là một ông Thầy vĩ đại của tôi về nhân cách, cả đời ông làm gương cho con cái về sự chính trực giữa 1 xã hội nhiễu nhương. Giờ tôi cân nhắc, nếu buộc phải nói dối thì chỉ white lie thôi (nói dối vô hại), chứ không gian dối. Như vậy chỉ để giữ thể diện cho người đối diện chứ không mưu lợi cho mình.
Anh cả của các thói xấu là Nói dối. Không có thằng Nói dối, thì cũng không có những đứa khác ra đời.
Thế còn “Binh bất yếm trá” (trong quân sự không kỵ dối trá) và “thương trường như chiến trường” suy ra thương trường được nói dối, thì sao? Bậy bạ hết, đó là ngụy biện “tam đoạn luận”, bắc cầu từ việc nọ sang việc kia để cố chứng minh 1 việc sai quấy. Thương trường “NHƯ” chiến trường chứ không “LÀ” chiến trường. Trong thương trường phải tuân thủ luật pháp. Tội tung tin giả, chiếm đoạt tài sản là 1 tội hình sự. Đừng có dại, nhé.
Mẹ tôi tuy không nghiêm với tôi về chuyện nói dối (nửa đùa nửa thật), nhưng rất nghiêm về trộm cắp. Hồi nhỏ xíu tôi trộm tiền đi mua kem là bị đánh roi và mách Bố. 1 lần chừa đến hết đời. Thực ra thì Mẹ tôi rất thật thà trên những chuyện quan trọng, nhưng ở VN phải có kỹ năng mềm dẻo đó là nói sao để người khác giữ thể diện. Đây cũng coi là kỹ năng sống còn ở khu tập thể Hà Nội. Đây là một người Thầy khác về đọc hiểu bản chất cuộc sống, sống mềm dẻo, nhân ái và yêu thương đồng loại. Thế tức là tất cả EQ của tôi đều đến từ người Thầy này. Và nhờ đó nên tôi mới thích viết bài chia sẻ với người khác.
Trong thường phổ thông VN không có 1 tiết nào dạy về Thật thà. Làm sao dạy được trong khi thầy cô giáo: “Chạy” điểm, học thêm, “chạy” trường. Về bản chất đó là dối trá, gian lận.
Bài học thứ 2. Tư duy phân tích (Critical thinking).
Tư duy phân tích và tư duy phản biện thực ra là 1, vì phân tích được thì mới bắt bẻ (phản biện) được. 1 ứng dụng của nó là công việc phân tích, vá lỗi (trouble shooting, analyzing).
Tôi tuy không chú ý đến việc nhồi kiến thức ở các lớp học, nhưng toàn bộ thời gian ở đó, ngoài việc ngủ gật, tôi dành cho việc phân tích và phản biện những gì ông thầy nói. Vì nếu không làm vậy thì việc nghe thầy giảng sẽ rất chán. Từ bé tôi đã là một đứa trẻ có thể tranh luận với người lớn về sách vở. Lớn lên do công việc kỹ sư phải xử lý sự cố hàng ngày sau nhiều năm, tôi có thể phân tích nguyên nhân trục trặc kỹ thuật 1 con robot hay năng suất của 1 trang trại sau vài ba ngày tìm hiểu những trục trặc đó, dù không có chuyên môn gì về tự động hay nông nghiệp. Tôi chính là 1 người thực chứng môn tư duy phân tích, ứng dụng trong vá lỗi đến mức độ dám đặt nó lên trên tất cả các môn học khác, chỉ dưới môn triết học, thần học. Ông Thầy cực kỳ tán thưởng khả năng phân tích này của tôi và quyết định truyền nghề cho tôi. Học môn tư duy phân tích chỉ mất 3 ngày thôi, thông minh thì chỉ mất 30 phút thôi, nếu muốn tôi có thể mở lớp. Nhưng thành thạo nó thì mất nhiều năm thực hành, cho nên một ông cố vấn của công ty hóa dầu số một của Tây Úc, tâm sự với tôi trong một bữa ăn tối, theo ông chỉ dưới 10% nhân loại có khả năng này ở mức cao cấp, đa phần rơi vào các kỹ sư. Công ty của ông sở dĩ vươn lên số một của bang, cũng nhờ áp dụng các sáng kiến mới lạ từ nhân viên kỹ thuật.
Đừng nhầm rằng vá lỗi (Trouble shooting, analyzing) là phải hiểu tất cả về thứ mình đang phân tích. Người phân tích không bao giờ trở thành chuyên gia trong những hư hỏng (vấn đề) mình đang phân tích, kể cả trước và sau khi phân tích hư hỏng (vấn đề) đó. Phân tích có thể dùng cho trục trặc của 1 cỗ máy, cho đến 1 tập thể kém năng suất và 1 dân tộc chậm lớn.
Có một người phụ nữ chỉ học ít, nhưng đã góp hàng trăm sáng kiến cho nhà máy của mình trong nhiều công đoạn, đã được đưa lên báo nước ngoài. Tư duy phân tích không cần học cao mới có. Nó độc lập với mọi môn khác và là 1 môn học riêng biệt.
Phân tích 1 bài văn mới viết được bài cho hay. Phân tích 1 bài toán mới giải được. Phân tích được 1 thị trường thì mới biết làm nghề gì. Phân tích một hư hỏng thì mới biết cách sửa cỗ máy. Phân tích 1 tập thể mới tìm ra cách kích thích họ và lãnh đạo họ. Phân tích 1 doanh nghiệp mới tìm ra cách tối ưu hóa hoặc sát nhập nó (M&A). Phân tích 1 xã hội mới có thể làm công việc của Fukuzawa Yukichi, sáng thời lập thế, đặt nền móng cho một nước Nhật hiện đại. Tất thảy cuộc đời, phàm đã coi mình là người chơi cờ, đều phải rèn tư duy phân tích. Nếu không dùng tư duy phân tích, thì bộ não chỉ là để lưu trữ thông tin, chỉ là một cái kho chứa sách, và bản thân chỉ là quân cờ cho người khác sắp đặt và chơi. Nhớ nhé.
Phương pháp Tư duy phân tích đáng ra phải là 1 môn học quan trọng bậc nhất ở phổ thông. Học sinh giỏi môn này có thể trở thành bộ óc của chính phủ và doanh nghiệp, tham gia vào các tổ chức R&D (nghiên cứu & phát triển), giữ vai trò cố vấn bất kỳ tổ chức nào, dĩ nhiên cần đi kèm kiến thức và kinh nghiệm. Nó là thứ mà những người không hiểu thì gọi là “tố chất”, thực ra nó không phải bẩm sinh mà do rèn luyện.
Thực ra các môn STEM đều nhằm rèn tư duy chặt chẽ, để kết hợp với tư duy phân tích sau này để tạo nên các phát minh, sáng chế.
Các môn xã hội đều nhằm rèn tư duy bao quát nhiều mặt để kết hợp với tư duy phân tích sau này để tạo ra các chiến lược, dự án.
Chặt bỏ môn tư duy phân tích thì các môn STEM trở thành những con robot vô hồn, ngu si. Các môn xã hội trở thành cắm hoa vẽ tranh. Tư duy phân tích chính là hồn cốt của 1 nền giáo dục hiện đại lẫn cổ đại. Ngay từ thời xưa, thi Đình là phải viết 1 bài luận theo chủ đề chính sự, xã hội. Thời nay muốn nộp vào trường Harvard hay Yale, là phải nộp bài luận nói rõ lý do tại sao trường nên thu nhận mình, mình sẽ làm gì với kiến thức ở trường sau này, mục đích cuộc đời mình là gì.
Quái lạ là giáo dục phổ thông VN hoàn toàn không có 1 tiết nào dạy về tư duy phân tích, cách phát hiện ngụy biện, cách tranh luận, cách hùng biện. Tất cả những gì thuộc về sức mạnh tư duy và diễn thuyết đều là vùng cấm. Học sinh nào giơ tay hỏi nhiều, tranh luận nhiều sẽ bị giáo viên hành hạ cho bõ ghét.
Bài học 3. Thuyết phục người khác, làm việc nhóm.
Ra đời sau này rất cần thuyết phục người khác đồng ý với mình. Cho dù là mời hợp tác, nhờ góp vốn hay mời mua hàng, đều cần kỹ năng này.
Cao hơn 1 chút, diễn thuyết, hùng biện để mai mốt đi tranh cử, kiếm phiếu bầu, làm lãnh đạo như học sinh ở phương Tây, Mỹ là 1 cuộc thi không có ở VN từ 70 năm nay. (Miền Nam thì 45 năm nay)
Làm việc nhóm cũng tối cần thiết vì ít công việc nào chỉ làm 1 mình mà thành. Đa số công việc dưới dạng dự án đều cần 1 nhóm để chạy kịp deadline.
Tận lúc sang Úc, ông Thầy mới cho tôi đi cùng đến các dịp gặp đối tác, mùa đông ngồi ăn thịt cừu nướng, uống rượu vang và bàn chuyện đầu tư triệu đô, tôi nghe lỏm cũng lùng bùng lỗ tai, bỏ qua lò sưởi ngồi nhìn khói, kệ ông Thầy nói gì nói. Đại khái qua những buổi thị phạm như vậy, tôi thấy để thuyết phục người khác cũng không có khó. Mình chỉ cần có kiến thức về vấn đề đang nói, và đưa ra chứng cứ xác thực, càng thực càng tốt, và nói thật chân thành, dù nói dở mấy thì cũng lọt vào trái tim. Và nhất là đừng quên đối phương ăn thức ăn do chính mình nấu thì càng dễ mở lòng lắng nghe mình trình bày. Câu đầu tiên mình phải nói cái lợi của họ, vậy ai chả muốn nghe tiếp.
Sau này tôi mở kinh doanh riêng, thuyết phục khách hàng tin cậy giao việc cho mình cũng chỉ nói nửa tiếng là nhiều rồi, mà việc khách hàng quay lại hay không thì do dịch vụ tốt không, chứ nói hay cũng chả ai nghe. Riết rồi, tôi cũng chả thèm nói, chỉ hỏi: “Cậu đọc hồ sơ của bên tớ chưa? Thấy vậy đủ làm việc được chưa?” Hồ sơ tôi toàn khách hàng cũ dành tặng những lời cảm kích và sự hài lòng ngoài mong đợi của họ. Khi gửi báo giá, đa số được duyệt ngay, giá không quan trọng vì uy tín quá nặng ký mà giải pháp thường nhẹ nhàng tiết kiệm.
Nếu không thuyết phục được người khác, thì cầm chắc là chết đói.
Không làm việc nhóm được, thì cầm chắc vất vả.
Vì không có kỹ năng trên nên ra đời người Việt luôn thua thiệt so với bạn bè phương Tây. Giáo viên cũng bè phái, chèn ép nhau thì dạy học sinh làm việc nhóm sao được? Giáo viên toàn dùng hình phạt để ép buộc học sinh, thì dạy chúng thuyết phục được ai?
Bài học 4. Cách tạo ra tiền bạc, Tác hại của cờ bạc, rượu, chất kích thích, tình dục quá đà.
Trường phổ thông VN tất nhiên không dạy.
Bài học duy nhất tôi học từ Bố Mẹ về tiền là: tốt nghiệp đại học ra trường đi làm kiếm lương tháng. Tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Hết.
Không học gì về đầu tư, 2 nguồn thu nhập, thu nhập thụ động, gia tăng thu nhập theo giờ của mình…
Qua Úc, ông Thầy chỉ cho: Mày mua cái nhà cũ, sửa lại vào lúc rảnh và bán kiếm lời. Đó gọi là đầu tư đấy con.
Sửa thế nào, lấy tiền đâu mua nhà thì ông không nói.
Tôi đi học lớp về sửa nhà của Cherie Barber, nữ hoàng sửa nhà của Úc, chỉ học buổi đầu miễn phí coi như vỡ lòng. Mua sách của cô về đọc, nắm được hết các điều cơ bản. 7 năm sau tôi sử dụng và kết quả y hệt như lớp học đó hứa hẹn. Đó là 1 cách đầu tư. Các cách khác: chứng khoán Mỹ ( không phải chứng khoán Việt Nam nhé, đừng ngộ nhận 2 thứ này giống nhau), vàng (chỉ để phòng thủ ở những nước tiền mất giá như VN, các nước giàu chả ai đầu tư vào vàng vì tiền của họ mất giá dưới 3% mỗi năm). Ai có tài năng ca hát, ẩm thực thì mở kênh youtube, tiktok, instagram, ai có kỹ năng thì mở khóa học online dạy kỹ năng. Ai có hàng hóa quần áo, mỹ phẩm thì bán hàng online hoặc nấu thức ăn bán trên FB Marketplace vào cuối tuần.
Bài học gia tăng thu nhập theo giờ, thì không ai chỉ hết mà phải tự mò ra. Tùy nghề nghiệp, nguyên lý cơ bản như sau: từ làm thuê (phải chọn việc nào có thể tách ra làm riêng được trước khi bắt đầu làm). Ví dụ: chọn làm đầu bếp 1 quán phở thì nhanh ra làm riêng hơn chọn làm công nhân nhà máy.
B1) Phải nhận việc khoán theo sản phẩm chứ không nhận lương tháng nữa. Làm giỏi thì thu nhập tự tăng cỡ 50%.
B2) Không nhận việc qua trung gian nữa, mà nhận từ khách hàng tiêu dùng, như vậy sẽ tăng thu nhập lên gấp 2. Làm xong các bước trên thì thu nhập đã tăng gấp 3 so với ban đầu. Trong vòng 1-3 năm. Đi làm thuê không thể tăng nhanh và bền như vậy được.
Khi thu nhập chính đã tăng cao gấp 3, thu nhập thứ 2 (đầu tư) đã có, đã đến lúc đi học cách tạo ra thu nhập thụ động. Ví dụ dễ thấy nhất là mua nhà, cho thuê phòng. Hoặc thuê nhà, cho thuê phòng. Mua đất không gọi là đầu tư nếu không mang ra làm ăn, tạo ra thu nhập. Các dạng thu nhập thụ động khác: Bản quyền, tác quyền (thường là rất ít tiền),
Ví dụ trường hợp của tôi, sử dụng cả 3 cách phối hợp với nhau, tạo thành 1 vòng tròn khép kín: kinh doanh riêng, mua nhà, sửa nhà, cho thuê phòng, lặp lại như vậy. Mỗi người có 1 sở trường, vận dụng cho khéo với khả năng mỗi người thì bạn muốn không khá giả cũng không thể nào được.
Ví dụ khác: nếu ở miền núi, mà giỏi nấu ăn thì như Lý Tử Thất mở kênh Youtube, quảng bá ẩm thực cũng kiếm nhiều tiền. Rồi có thể mở kênh dạy nấu ăn, tạo thương hiệu về nồi niêu xoong chảo, hoặc túi đựng gia vị đóng gói sẵn.
Ví dụ: sinh viên mở quán trà chanh rồi ra trường mở tiếp vài quán, rồi liệng bằng đh đi làm bà chủ chuỗi quán trà chanh. Rồi mở lớp dạy cách mở quán, quản lý quán, thu chi.
Ví dụ: quán bánh mì thịt nướng mà khách xếp hàng, bán mỗi ngày vài trăm ổ bánh mì, thu lời 1 triệu đồng/ngày. Rồi mở kênh youtube quảng bá cách nêm gia vị vào thịt. Mở chuỗi bánh mì thịt nướng, ẩm thực đồng quê.
Làm giàu chân chính phải thức khuya dậy sớm, dè sẻn từng cắc, mang hộp cơm đi làm, tối về làm sổ sách báo giá, cuối tuần đi ký hợp đồng, tuần làm việc 60 giờ suốt mấy năm đầu cho đến khi rèn được tay nghề cao siêu, được người ta trọng vọng, tôn kính, hai tay mang tiền trả cho, lúc trả tiền còn bỏ vào phong bì cẩn thận, như vậy tức là mình được đồng tiền thơm sạch. Nếu không chịu cực được thì phải chấp nhận cả đời lo sợ phập phồng vì làm công thì dễ thất nghiệp, giảm lương, sa thải. Giàu có cực 1 chút, nhưng nghèo cũng chẳng phải nhàn. Chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc vì tương lai con cái, bị dồn vào thế cái gì cũng phải làm, như vậy sao gọi là nhàn?
Giàu lương thiện yên ổn hơn giàu nhờ mánh khóe, trục lợi trên công sức của người khác. Ví dụ như đánh Forex đảo giá. Hay lừa gạt tiền từ thiện. Trồng rau 2 khu, 1 tưới thuốc đem bán, 1 không tưới thuốc thì để mình ăn. Bơm thuốc vào thực phẩm. Người dùng mánh khóe thường cuối đời mất hết của cải, không tài nào giữ được. Hoặc con cháu cũng phá sạch vì nhìn cách sống khôn lỏi của cha mẹ, chúng chả biết trân trọng gì thứ tiền bạc dễ kiếm đó, chúng tưởng cứ hết tiền thì lại đi lừa là có tiền ấy mà.
Ở gia đình, tôi cũng tiếp nhận sự giáo dục của 2 người Thầy vĩ đại nhưng “Bụt chùa nhà không thiêng”, và lý thuyết thì kém hấp dẫn hơn thực tế, và Bố mẹ thương con không nỡ trừng phạt khi con sai. Từ khi hấp thụ sự đào tạo nghiêm khắc của ông Thầy thì tôi mắt không thèm liếc những mánh khóe. Cứ đường thẳng mà đi. Rồi đến khi có con, vì để có tiền nuôi con, thì khó khăn xem như thử thách. Có nước mắt thì nuốt vào trong, thua thì xem như học phí. Tự ước thúc bản thân, yêu cầu ở mình thật cao. Càng ngày càng cao hơn thì sẽ có ngày thành nghề. Mỗi người đều có 2 tài nguyên không bao giờ cạn kiệt, đó là trí tuệ và sức bền. Càng dùng 2 thứ này lại càng đầy hơn.
Nguy cơ duy nhất đe dọa tài sản đến từ cờ bạc, rượu và chất kích thích. Về chuyện này ông Thầy có nói: Cờ bạc không có tương lai. Bố Mẹ tôi cũng nói: “cờ gian bạc bịp”, đại khái cờ bạc là dối trá hết. Không được hút thuốc, nghiện ngập. Tình dục quá mức làm tiêu ma ý chí. Nghiện game cũng làm mất thời gian. Còn 1 nguy cơ nữa đó là ly dị.
Giới nhà giàu dạy con rất kỹ để triệt tiêu các nguy cơ trên xuống mức tối thiểu. Để học, phải có cơ duyên gặp gỡ với giới nhà giàu. Muốn vậy, trước tiên bản thân mình phải xứng đáng. Có câu: “Khi người học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”.
5. Cách chọn lẽ sống.
“Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim”
Trường phổ thông không dạy.
Bố Mẹ tôi cũng quên dạy. Nói, con lo học đi.
Ông Thầy cũng ko dạy. Nói, con lo kiếm tiền đi.
Đời không ai dạy. Vì đời cũng không mấy ai biết tại sao họ sống.
Chính mình phải tự biết tại sao mình sống.
Tất cả những bài học ở trên có thể giúp ta là một người thật thà, có tầm ảnh hưởng, thông thái và giàu có nhưng nếu ta không có lẽ sống, thì những vất vả, hy sinh của chúng ta để xây dựng lên cơ nghiệp đó cũng chỉ là trò phù phiếm, tranh danh đoạt lợi, nhọc nhằn vô ích, cầu được 1 thoáng hư danh trước khi chết. Danh là thứ phù phiếm. Mẹ tôi từng bảo: Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng.
Sống lý tưởng quá cũng mù quáng. Như Pavel trong “Thép đã tôi thế đấy”, chỉ là 1 hư cấu để tuyên truyền.
Sống thực dụng quá cũng tầm thường, cô độc. Như cô đào Marilyn Monroe, mệnh danh Material Girl – cô gái vật chất.
Lẽ sống ở đời, đẹp nhất có lẽ chỉ như Lão tử, Thích Ca, Tesla, Emmanuel Kant, Hegel, Aristotle, những đạo sư, nhà khoa học vĩ đại mà cát bụi của họ cũng được tôn kính. Không có lăng mộ với vàng ngọc, họ chỉ để lại cho đời 1 thứ:
Chân lý.
Các thế hệ sau, kẻ bước lên đỉnh cao của tư tưởng thì phải dẫm chân lên vai những vóc dáng khổng lồ của họ. Kẻ quanh quẩn dưới chân họ thì hết kiếp cũng chỉ nhặt được vài viên sỏi lấp lánh. Vì thế mà thần học, tư tưởng triết học và tôn giáo cần phải là 1 môn bắt buộc để định hướng lẽ sống trong trường phổ thông.
Kiếp người chỉ là để dạo chơi, để lại một ghi chú, một tác phẩm trước khi rời đi. Cách tốt nhất để trả ơn cuộc đời là đem cho kẻ khác một tác phẩm, rồi kiếp nào ta lại tái sinh và nhận được những gì ta đã cho đi. Tham làm chi của cải, vì không mang theo được. Danh cũng không mang theo. Thân thể cũng về cát bụi. Thuộc về ta chỉ có nghiệp lực, là những gì ta đã làm trong kiếp này.
Biết được chân lý rồi, phải đem cho đi. Đó là một đời cao quý, đáng trọng, phúc đức vô cùng, sẽ được thăng lên về nghiệp lực, như tái sinh làm người thông minh – lương thiện, hoặc tái sinh ở cõi cao hơn.
Không biết đến chân lý. Đó là một kiếp phù sinh, bỏ phí cơ hội làm người, khó có cơ hội được làm người lần nữa.
Nghe đến chân lý nhưng cự tuyệt chân lý, ngăn cấm chân lý, cố tình làm ác. Đó là một kiếp tội lỗi, đáng khinh, trầm xuống trong nghiệp lực, sa đọa vào những cõi thấp hơn, cơ hội làm người lần nữa được bao nhiêu?
Thích Ca giải đáp vấn đề này như sau: Người ở trong ba đường ác khó được giải thoát, ví trong biển rộng tám muôn bốn ngàn dặm có một con rùa mù, trên mặt nước có một bọng cây, trong bọng cây có một cái lỗ. Con rùa mù ở dưới nước một trăm năm mới ngóc đầu lên một lần. Như vậy, con rùa này có thể chui được vào cái lỗ trên bọng cây ấy chăng ?
Lưu ý: comment góp ý hợp lý sẽ được bổ sung vào bài cho đầy đủ.
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.