Đất An Nam ta, suốt bao năm trở lại đây, lúc nào cũng sôi sùng sục, hết chiến tranh, nội chiến, lại quay ra đấu đá nhau với danh nghĩa “chống tham nhũng”. Chỉ thích đánh nhau, tiêu diệt. Dân tình không lúc nào được yên để sống, để làm ăn, “mưu cầu hạnh phúc”, cứ bị cuốn vào cái vòng xoáy khốn nạn đó.
Chống tham nhũng? Kể từ khi họ bắn đại tá Trần Dụ Châu, viên đạn mở màn cho chống tham nhũng, năm 1950, kể cũng xa rồi. Gần đây nó được khơi lên từ năm 2012 khi “ngài lý luận” ngoi lên nắm quyền, cũng đã hơn chục năm, chống mãi, càng chống càng nát bét. Có mà chống vào mắt, ông hàng xóm nhà tôi bảo vậy. Vì sao? Bởi cái thể chế này sinh ta nó. Như con rắn tự ăn đuôi mình, nó có chống vạn năm tỉ năm cũng thế thôi.
Nhìn ra thiên hạ, tham nhũng nơi đâu chả có, trên thiên đình của Ngọc Hoàng, cõi phật của Như Lai đều lộ cả, nhưng chẳng nơi đâu chống loạn thế này. Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Canada, Qatar… có tham nhũng không, chắc cũng, chỉ có điều chả bao giờ nghe điều tiếng về tham nhũng, mà chỉ nghe về những phát triển, thành tựu, hạnh phúc, nụ cười, niềm vui…
Tại sao ta khác họ? Tại vì cái thể chế chết tiệt – cội nguồn, mạch đất sinh ra tham nhũng.
Đám cai trị xứ này cũng không hẳn là mù mắt, nhưng sự mù đầu mù óc, mù tư duy, suy nghĩ thì quá rõ. Như các cụ xưa bảo, đường quang chẳng đi lại đâm quàng bụi rậm. Quờ quạng cây gậy lý luận khua khoắng dò đường, chỉ đâm vào ngõ cụt.
Ấy là tôi nói đến đám đang lãnh đạo xứ này, những kẻ mù nhận trọng trách dẫn đường.
Điều dễ nhận ra, với hệ thống báo chí truyền thông độc quyền, cứ vài ba bữa họ lại nức nở ca ngợi chủ nghĩa xã hội, đề cao con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là gần đây tán dương bài viết của ông tổng bí thư, xem nó như thứ ánh sáng chỉ lối soi đường, đuốc thời đại rọi tới tương lai. Rồi ông nọ bà kia, từ ông trẻ Thưởng, tới những bác già giáo sư tiến sĩ lập thân nuôi xác bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, cả đám nhãi ranh Đối diện bắt mũi chưa sạch nữa, kéo nhau lên tivi, lên báo chí để lập ngôn, dạy dỗ, trấn an, đe nẹt, nhưng tất cả đều chỉ là thứ lý luận suông, giả dối, xiên xẹo, lập lờ, lảng tránh sự thật. Họ biết cả đấy, nhưng họ phải lờ đi bởi nếu nói đúng sự thật thì chả khác gì tự xé toạc mặt nạ, bóc trần bản chất tệ hại của mình.
Hôm qua, tôi coi đoạn phóng sự người Đức nhắc lại ngày 9.11.1989 đập bỏ bức tường ô nhục Berlin, vừa buồn vừa rùng mình, nhớ chuyện cũ.
Ngược dòng lịch sử, ngày 7.11.1917, dân Nga bị sự lôi kéo của mấy anh theo chủ thuyết Mác-Lênin làm cuộc cách mạng lật đổ đế chế Nga, xây dựng một xã hội mới mà họ gọi là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực. Trong hơn 70 năm Liên Xô tồn tại, thực chất nó như thế nào thì nhiều người đã biết. Một chế độ háo thắng, thích đánh nhau, tồn tại bằng vũ lực, bóc lột sức dân, vẽ ra những mục đích không tưởng, lôi kéo nhiều nước vào cuộc đấu đá-chiến tranh “ai thắng ai” bằng miếng mồi tình quốc tế vô sản, bị cai trị bởi những kẻ độc tài xấu xa dưới vỏ đồng chí…
Không phải bàn luận tranh cãi nhiều, chỉ cần nhìn vào thực tế, nếu chế độ (xã hội chủ nghĩa) ấy, đường lối ấy tốt đẹp thì không lý gì sụp đổ cái ầm, bị chôn vùi, vứt vào sọt rác. Cả phe xã hội chủ nghĩa vỡ tan như bọt nước trong cơn sôi sục của dân chúng vốn bị kìm nén suốt hơn nửa thế kỷ. Tốt đẹp thì phải giữ, phải tồn tại, cớ gì lại tan, bị ném vào hố rác? Bản thân câu hỏi đã là câu trả lời, không cần giải thích. Bây giờ, ngay cả những nơi đã sinh ra ông tổ của chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa cộng sản, những nơi từng là lô cốt, thành trì của học thuyết này, người ta cũng không thèm nhắc tới, nếu có gợi lại cũng chỉ coi nó như thứ quá khứ đau buồn, cần quên đi vĩnh viễn.
Toàn thế giới hiện có 204 quốc gia (nước) lớn nhỏ. Thử đếm xem có bao nhiêu nước chọn con đường “tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Xin thưa, chỉ vừa đủ số ngón tay của một bàn tay. Chả nhẽ 199 nước kia ngu đục dốt nát cả.
Những quốc gia giàu nhất trên thế giới, đất nước phát triển, cuộc sống sung túc, dân chúng đầy đủ hạnh phúc, không có nước nào theo chủ nghĩa xã hội. Đốt đuốc tìm không ra.
Những nước, những miền đã từng phát triển, từng có vị thế, thứ hạng trên thế giới, sau khi theo chủ nghĩa xã hội, hoặc bị cưỡng bách theo chủ nghĩa xã hội, ngả vào chủ nghĩa xã hội, bị lừa vào chủ nghĩa xã hội… ngay lập tức hoặc lún dần vào sự nghèo đói, kiệt quệ, dân rơi vào cảnh bần cùng, dân tộc không ngóc đầu lên nổi, rõ nhất là Cuba, Triều Tiên, miền Nam Việt Nam, Venezuela. Ăn cái bánh vẽ có bao giờ no.
Phe xã hội chủ nghĩa từng có 13 nước, sau khi tan rã chỉ còn 4 nước “kiên định đói nghèo”, những nước kia sau khi tự cởi trói đã chấm dứt sự nghiệp giảm nghèo bền vững, mau chóng đem lại đời sống ấm no cho dân chúng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông