Các tổ chức xã hội (gồm tất cả các tổ chức không phải là tổ chức của nhà nước, thế giới gọi chung là tổ chức “phi chính phủ” hoặc tổ chức của “xã hội dân sự”), vốn là những tổ chức tự nguyện do các đoàn viên hội viên đóng hội phí để hoạt động, đóng tới đâu hoạt động tới đó. Đây không chỉ là quan điểm của “tư bản”, ông Lê-nin cũng có quan điểm như vậy, gọi là quan điểm Lê-nin-nist về các tổ chức xã hội (các nhà lãnh đạo ai chưa đọc kỹ Lê-nin thì chịu khó đọc cho kỹ nhé). Vốn là như thế, nhưng khi nước nhà độc lập rồi thì đã không diễn ra như thế. Tất cả đều được Nhà nước cấp kinh phí, cán bộ của nó được Nhà nước trả lương, được đối xử như công chức nhà nước, chủ tịch Hội của Trung ương ngang với Bộ trưởng, chủ tịch Hội ở tỉnh ngang với giám đốc Sở, bởi vậy mà ông Hữu Thỉnh mới nói rằng chức vụ của ông ấy ngang với Bộ trưởng hoặc Trưởng ban của Đảng ở Trung ương. Đó là Nhà nước hóa các đoàn thể, các tổ chức xã hội, trái với cái gì tôi chưa biết, nhưng trái với quan điểm của Lê-nin là chắc rồi.
Trong quá trình đổi mới, việc cấp kinh phí cho các hội đoàn từng bước giảm bớt, rồi phân biệt hội nào là tổ chức chính trị-xã hội, hội nào không mang chữ chính trị, mục đích là để cắt bớt kinh phí cho những tổ chức nào không mang chữ chính trị đi. Chứ thật ra thì ông Lê-nin không bảo thế, đối với ông, bất cứ tổ chức nào, hễ không phải nằm trong hệ thống nhà nước thì phải tự mình lo cho mình. Một tổ chức mà không tự mình nuôi nổi chính mình thì làm sao có thể là một tổ chức có ích cho xã hội được, đó cũng là ý của ông Lê-nin, không phải của tôi. Ông Lê-nin còn đi xa hơn, một công chức nhà nước nếu sinh hoạt trong các tổ chức như vậy thì nhất định phải sử dụng thời gian ngoài giờ hành chính, không ăn lạm vào thời gian của Nhà nước. Nguyên tắc Lê-nin-nist về các tổ chức xã hội là : TỰ NGUYỆN VÀ KHÔNG HƯỞNG THÙ LAO.
Mới có một Liên hiệp Văn học nghệ thuật thôi mà đã có tới 40 ngàn hội viên và bảy tám chục cái hội con thành viên nữa. Nhưng những cái hội thành viên đó cũng không hề “con” tí nào, Hội trưởng cũng “ngang Bộ trưởng” cả đấy.
Các chuyên gia của Bộ Tài chính và Ban Kinh tế Trung ương hãy tính thử đi : Cấp cho cái Liên hiệp này là bao nhiêu, cho những hội con của nó là bao nhiêu, thống kê luôn những liên hiệp khác và những hội con của chúng nữa, mỗi năm là bao nhiêu tiền. Nó chiếm bao nhiêu phần trăm của nợ công mà người nộp thuế hiện tại và người nộp thuế trong tương lai phải gánh chịu ? Những khoản tiền khổng lồ được cấp đó, chưa nói việc nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường, ngay cả việc chưa chuyển sang thị trường đi chăng nữa thì, nếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn tuân thủ các nguyên tắc của Lê-nin, thì cũng phải bãi bỏ đi.
Nhà nước hóa các tổ chức xã hội không những làm vô hiệu các tổ chức đó mà còn làm suy yếu chính bản thân nhà nước và làm tăng gánh nặng nợ nần cho đất nước, đổ cái gánh nặng đó lên đầu người lao động đang làm việc, lên đầu trẻ sơ sinh và lên đầu những em bé chưa sinh ra. Đó chính là cục bướu trên cơ thể của đất nước và không chỉ có mỗi một cục bướu là Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật.
Và ở nước ta không phải chỉ có mỗi một mình ông Hữu Thỉnh đâu !
____________
Update: Nhà báo Lê Thọ Bình vừa gửi tôi thông tin từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết : “Tính cộng gộp thì tổng chi phí cho các tổ chức quần chúng công (QCC) hàng năm dao động từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước” ( Xem thêm bài : Các đoàn thể quần chúng “ngốn” hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, đăng trên Viettimes.vn 13-6-2016)