‘Nhà nước pháp quyền’ hay ‘Nhà nước pháp trị’?

1
301
Luật sư Lê Công Định
BBCVietnamese.com
Lê Công Định
Luật sư, TP. HCM

“Nhà nước pháp quyền” là một khái niệm được đề cập đến nhiều từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986.

Về mặt ngữ nghĩa, hai chữ “pháp quyền” không gợi lên một cách chính xác ý nghĩa của cụm từ Nhà nước pháp quyền, mà chúng ta thường hiểu là một thể chế nhà nước được điều hành và cai trị bằng luật pháp.

Đây là khái niệm được du nhập từ nền văn minh pháp lý phương Tây. Truyền thống pháp lý Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng không có khái niệm này (dù rằng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc tại Trung Hoa đã xuất hiện trường phái chủ trương áp dụng hình luật nghiêm khắc để trị dân – Pháp trị chủ nghĩa – với nhà tư tưởng tiêu biểu Hàn Phi Tử).

Nhà nước pháp quyền có nguồn gốc từ khái niệm “État de droit” (tạm dịch là “Nhà nước [cai trị bằng] luật pháp”) trong Pháp ngữ, và “Rule of law” (tạm dịch là “sự cai trị bằng luật pháp” hoặc “sự thống trị của luật pháp”) trong Anh ngữ.

Thật ra, chữ thích hợp để dịch hai thuật ngữ tương đồng này ở Âu-Mỹ đáng lẽ phải là Nhà nước pháp trị thay vì Nhà nước pháp quyền (cũng xin lưu ý rằng chữ “quyền” trong Hán ngữ mang nghĩa “nắm tay, nắm đấm” hoặc “quyền lợi” hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa của hai thuật ngữ “État de droit” và “Rule of law”). Do vậy, thiết tưởng nên sử dụng từ Nhà nước pháp trị, vừa chính xác vừa dễ hiểu, lại tránh tình trạng diễn giảng sai lệch ý nghĩa.

Quan niệm về Nhà nước pháp trị cùng với ý định soạn thảo một bản hiến pháp cho Việt Nam đã manh nha vào những năm 1920 và 1930 từ cuộc vận động thành lập thể chế quân chủ lập hiến do các nhà ái quốc đương thời khởi xướng nhằm tranh đấu từng bước chống lại ách cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên cuộc vận động này sau đó đã thất bại và phải chờ đến năm 1946 bản Hiến pháp đầu tiên mới được ban hành. Bản Hiến pháp của nước Việt Nam mới này đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên tòa lâu đài Nhà nước pháp trị trên thực tế.

Tuy mang nhiều nội dung và sắc thái đa dạng khác nhau, song để có thể xác định sự hiện hữu của một nhà nước pháp trị cần phải hội đủ tối thiểu những đặc điểm cơ bản sau đây:

1. Tam quyền phân lập

Đối với một nhà nước pháp trị, toàn bộ hệ thống chính trị và quản lý nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập. Quyền lực nhà nước, bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, phải được phân chia thành ba bộ phận độc lập, riêng biệt và kiểm soát lẫn nhau. Sự phân quyền minh bạch như vậy sẽ giúp tránh tình trạng lạm quyền và dân chủ hình thức.

Một thể chế vận hành trên nền tảng tam quyền phân lập một cách thực chất đòi hỏi những người hoạt động trong các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hoàn toàn độc lập, chuyên nghiệp và hành xử công việc không kiêm nhiệm. Không thể có tình trạng một công chức thuộc bộ máy chính phủ hoặc thẩm phán thuộc ngạch tòa án lại kiêm nhiệm đại biểu quốc hội.

Ngoài quyền ban hành luật áp dụng cho toàn thể xã hội, quốc hội cũng thủ giữ vai trò “khắc chế” xu hướng lạm quyền của những quan chức nhiều quyền hành thuộc ngành hành pháp. Phàm là con người thì ai cũng có khuynh hướng tư lợi và lạm quyền một khi được trao quyền hành trong tay. Nếu chỉ “xử lý nội bộ” hoặc “phê và tự phê” thì không bao giờ diệt trừ tận gốc và ngăn ngừa sự tái diễn của thói quan liêu, tham nhũng, cùng những thói hư tật xấu khác của các quan chức hủ hóa.

Tuy nhiên, nếu sự tồn tại của một chính phủ tùy thuộc vào sự tin tưởng trao phó quyền hạn từ dân chúng, và mọi động thái hành xử quyền hành đều đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ phía đại biểu của dân trong quốc hội hay nghị viện, thì tự khắc một chính phủ đương quyền sẽ có nhu cầu tự thân và ý chí đủ mạnh để thiết lập nên một hệ thống đề kháng nội tại nhằm tận diệt mọi mầm mống phát sinh những tệ đoan và thanh lọc nhanh chóng hàng ngũ quan chức của mình.

Nếu sự phân quyền không minh bạch, mà chỉ đơn thuần là phân công, phân nhiệm trong khi mọi quyền hành thực sự lại tập trung vào một định chế duy nhất, thì đấy chỉ là sự phân quyền nửa vời mà thôi; và điều này tất nhiên không thể được định danh là nhà nước pháp trị.

Triết gia Montesquieu, cha đẻ của thuyết tam quyền phân lập, và những nhà tư tưởng hậu duệ của ông ngày xưa chắc không thể nào ngờ rằng sẽ có ngày học thuyết của mình lại được điều chỉnh thành “tam quyền phân nhiệm” như vậy!

2. Thượng tôn luật pháp

Trong một nhà nước pháp trị, nơi mà nhà cầm quyền cai trị xã hội bằng luật pháp, tinh thần thượng tôn luật pháp là lẽ đương nhiên. Thượng tôn luật pháp được thể hiện ở chỗ cả bộ máy công quyền lẫn công dân cùng “quy ước” với nhau chỉ tuân thủ và áp dụng các đạo luật và văn kiện lập pháp tương đương khác do quốc hội hay nghị viện ban hành một cách minh bạch.

Tất nhiên, khi hành xử quyền hành pháp, chính phủ và các cơ quan trực thuộc có thể soạn thảo những văn kiện lập quy để những viên chức trong bộ máy công quyền dễ dàng thực hiện công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Người dân lẽ ra không cần biết đến những văn kiện lập quy này, đặc biệt những loại có đóng dấu “mật”, vì họ chỉ phải tuân thủ những gì do chính cơ quan mà họ trực tiếp bầu nên soạn thảo và ban hành.

Nếu thực hiện nguyên tắc thượng tôn luật pháp thì khó có thể chấp nhận việc một văn kiện lập pháp, như Bộ Luật dân sự hay Luật đất đai chẳng hạn, tuy đã được ngành lập pháp ban hành nhưng còn phải chờ sự hướng dẫn thi hành của những văn kiện lập quy như nghị định và thông tư của ngành hành pháp. Đó là chưa kể đến một thực tế vẫn diễn ra thường xuyên là các cơ quan công quyền, đặc biệt Chính phủ và các Bộ, khi ban hành văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành một đạo luật đã tự ý áp đặt cách giải thích luật của mình hoặc đặt ra các thủ tục mà luật không minh định nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền lợi của người dân vốn đã được đạo luật ấy công nhận.

Trong một nhà nước pháp trị, cơ quan lập pháp và các thành viên của nó phải chủ động soạn thảo dự án luật, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ các Bộ trình sẵn để tranh luận và biểu quyết. Chính những đại biểu dân cử sẽ chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lĩnh vực đối tượng của đạo luật. Thực thi quyền soạn thảo luật như vậy cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “nghị gật” trên diễn đàn quốc hội.

Thượng tôn luật pháp còn đòi hỏi mọi văn kiện lập pháp và lập quy đều phải tuân thủ hiến pháp. Công dân được quyền thách thức tính hợp hiến của luật và các văn bản dưới luật bằng việc khởi kiện trước tòa bảo hiến. Tòa bảo hiến – dù được tổ chức như một định chế riêng biệt hay là một bộ phận của tòa án tối cao – sẽ đảm đương công việc bảo vệ hiến pháp và có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ các đạo luật, nghị định, thông tư hoặc quyết định vi hiến.

Tình trạng thông tư và nghị định của ngành hành pháp mâu thuẫn với các đạo luật của cơ quan lập pháp như hiện nay chắc chắc cũng không thể tồn tại nếu có tòa bảo hiến. Quốc hội khi đó sẽ nghiêm túc hơn khi soạn thảo luật, cơ quan công quyền sẽ cẩn thận hơn khi điều hành quốc gia. Không ai có thể tiếp tục tại vị để đùa với dân khi mà hôm nay ban hành quyết định này, ngày mai lại sửa đổi, thậm chí hủy bỏ chính quyết định đó!

Toàn văn bài viết đã đăng trên báo Pháp Luật TP. HCM Chủ Nhật, 12-3-2006.

……………………………………………………..

Quang Duy, Canberra
Tòa bảo hiến thì phải có thực quyền. Hiến pháp 1992 thì chỉ là hình thức đầy rẫy các khuyết điểm. Thí dụ, chiếu theo điều 4 “mọi tổ chức của đảng họat động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp” và điều 57 “công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của luật pháp”. Trong khi đó đại hội X đang bận rộn với câu hỏi “có nên cho đảng viên quyền tự do kinh doanh hay không?” và nếu có thì phải sửa lại cương lĩnh của đảng. Chỉ riêng điều này cương lĩnh của đảng lâu nay vi hiến.

Cần biết các hiến pháp sau hiến pháp 1946 đều do các nghị quyết của đảng tạo ra. Nếu đại hội X không cho phép, biết đâu các đảng viên đang là doanh nhân sẽ đưa đảng ra tòa bảo hiến. Biết đâu người dân cũng lại đưa đảng ra tòa đòi lại hiến pháp 1946 mà đảng đã cất đi không hỏi ý kiến của dân. Rồi giới truyền thông sẽ đưa đảng ra tòa đòi quyền tự do báo chí. Dân sẽ đưa đảng ra tòa vì tiếm đọat mọi quyền tự do.

Tôi tin rằng đảng đã có cách để lách và Tòa bảo hiến chỉ lập ra cho có hình thức như các tổ chức khác. Như luật trưng cầu dân ý vừa được hòan thiện sẽ mang ra Quốc Hội bàn vào cuối năm nay. Quốc hội được quyền hỏi ý dân nhưng cấm không được hỏi về hệ thống chính trị và thể chế chính trị hay vai trò của đảng. Thế thì cần gì phải hỏi ý dân nữa.

Minh Nam, Hà Nội
Thưa bạn Dân Việt: Luật sư Định không bàn cụ thể về luật Đất đai mà bàn vấn đề lớn hơn nhiều: xây dựng nhà nước pháp quyền (pháp trị).

Lẽ ra, luật Đất đai do quốc hội ban hành phải cụ thể đến mức chính phủ và dân cứ thế thi hành mà không bên nào có thể hiểu sai, hiểu theo ý mình. Đằng này, chính phủ tự giành lấy quyền giải thích luật theo ý mình (nghị định, thông tư) rồi khi tình hình rối bét thì lại “sửa” mà không chịu trách nhiệm gì ráo về hậu quả tai hại đã gây ra.

Chưa nói oan sai, uất ức, đau khổ, khiếu kiện đông người và dai dẳng do cái luật này gây ra… mà chỉ riêng số thời gian mà người dân tốn phí cho các giấy tờ để có quyền hợp pháp về đất đai (quyền sử dụng) nếu cộng lại đã dài tương đương hàng ngàn (hay chục ngàn) kiếp người rồi.

Nếu bàn về nguyên nhân gây đau khổ do luật đất đai thì đó là vì các vị lãnh đạo đảng ta chỉ sợ mất dần CNXH (hợp tác xã đã giải thể rồi nhé, giai cấp địa chủ và tư sản vừa tiêu diệt nay lại “ngóc đầu dậy” (doanh nhân, chủ trang trại); quốc doanh thì đang cổ phần hoá, uy tín đảng thì xuống dốc, các đoàn thể của đảng thì rệu rã (chỉ còn ở cấp trung ương)… thanh niên thì chán “kế tục” con đường XHCN của cha anh, công nhân thì đình công.

Do vậy, cái còn lại cuối cùng của CNXH là “đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân”. Mất nốt cái này thì “đặc trưng XHCN ở VN” chỉ còn một điều duy nhất: hễ còn đảng lãnh đạo thì còn XHCN, thế thôi.

VN hầu như nước cực hiếm có quy định đất đai thuộc sở hửu toàn dân mà đại diện là nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng ta. Trong khi các nước khác vẫn công nhận quyền tư hữu đất đai, vậy mà công điền công thổ của họ vẫn bất khả xâm phạm. Khi cần lấy đất của dân để làm công trình công cộng dân vẫn tự nguyện (đền bù vượt giá thị trường, đồng thời tôn vinh người dân mất đất).

Quy định của VN làm cho nhiều công chức (đảng viên) giàu lên bất thường do tham ô quỹ đất (đây là lĩnh vực có tham nhũng hàng đầu, số 1, theo tổng kết của ban Nội Chính đảng ta). Nhưng thôi, không phải chỗ bàn dài dòng về cái luật Đất đai này vì chắc chắn nó còn phải vá víu tiếp, chớ chưa yên đâu. Vấn đề ở đây là lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tách ra, đảng phải có ranh giới rõ rệt với nhà nước.

Nếu không, sẽ còn nhiều luật khác gây rắc rối và đau khổ cho dân (như luật Đất đai mà bạn Dân Việt đề cập), còn nhiều quyền tự do ghi trong hiến pháp mà không bao giờ được thi hành đầy đủ. Các ông Mai Ái Trực, Đặng Hùng Võ là những người tốt hoạt động trong một cơ chế xấu (3 quyền không phân lập), thế thôi. Dẫu sao, hai ông này lãnh đạo bộ Tài nguyên – Môi trường cũng còn hơn để ông Bùi Tiến Dũng làm việc đó. Ở đâu cũng còn rất nhiều người tốt, nhưng họ chỉ phát huy cái tốt cá nhân trong cái khuôn mà họ bị nhốt vào.

Dân Việt
Nếu thực sự muốn cải cách hành chính thì một trong những lĩnh vực cần quan tâm cải cách hành chính mà ngưòi dân đã bức xúc từ lâu là “quản lý nhà đất và xây dưng”. Đây cũng là lĩnh vực nhà nước ban hành nhiều văn bản nhất, thay đổi nhiều nhất qua nhiều thời kỳ khác nhau khiến các cơ quan xử lý phải chia tách đối tượng xử lý thành nhiều giai đoạn theo hiệu lực pháp luật của các văn bản pháp luật đưọc ban hạnh.

Gần đây,chính phủ đã có những động thái quyết liệt về cải cách. Ngay sau khi Luật xây dựng năm 2003 (áp dụng từ 01-07-2004), chính phủ đã ban hành nghi định 16/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật xây dưng. Các điều khoản trong luật và nghị định rất chi tiết. Người dân có thể căn cứ vào những điều khoản luật ban hành để chuẩn bị những giấy tờ liên quan đến việc xây dựng công trình của mình.

Tuy nhiên,ở dưới địa phương thì lại khác. TP HCM ban hành quyết định 04/2006/QĐ-UBND ngày 07/01/2006 lại có thêm những cái đuôi mới và tới quận huyện thì khác hẳn.

Tôi đơn cử một ví dụ điển hình về thực chất và những hô hào cải cách hành chính như sau: Khoản 1 điều 62 Luật xây dựng quy định : Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình thì không phải xin giấy phép.

Nhưng trong quyết định 04/2006/QĐ-UBND ngày 07/01/2006 lại có thêm những cái đuôi mới : đó là nhà dạng này phải đến UBND Phưòng để được hướng dẫn. Vậy đến cấp phường thì sao? Ở phưòng nào thì tôi chưa rõ nhưng ở phường Bến Thành thì cán bộ UBND phưòng hướng dẫn người dân như sau : 1/ Điền vào một mẫu đăng ký sửa chữa nhà nguyên trạng. 2/ Nộp hai đơn xin sửa chữa nhà nguyên trạng. 3/ Bản photo các giấy tờ liên quan nhà đất. 4/ 02 bản vẽ hiện trạng nhà (do Phòng QLĐT lập). 5/ 02 ảnh chụp 9cm x 12 cm toàn cảnh căn nhà. Sau khi nhận đủ giấy tờ , nhân viên QLĐT phường xuống khảo sát hiện trạng nhà và sẽ trả lời chấp thuận cho Ông (Bà) sau một tuần.

Biến từ không thành có. Đặt thêm hẳn một quy trình cấp phép khép kín với đủ loại giấy tờ và thời gian cấp phép nhưng lại giải thích rằng đó không phải giấy “cấp phép xây dựng” và thực tế ở dịa phương này đã có gia đình phải xin giấy phép loại này chỉ vì thay một bộ cửa ra và .

Chính phủ vừa qua yêu cầu các địa phương bãi bỏ các văn bản trái luật cho thấy việc cần thiết lập lại trật tự trong việc ban hành các văn bản pháp luât. Ai là người ban hành và ai là người thi hành. Không thể nhập nhằng giữa Lập pháp và Hành pháp đươc.

Minh Nam, Hà Nội
Luật sư Lê Công Định là người bảo vệ tốt nhất vị trí lãnh đạo của ĐCSVN, vì xưa nay đảng ta đứng trên toà án, trên quốc hội, trên chính phủ và bất chấp pháp luật… mà không ai nói cho đảng biết. Thế là nguy hiểm lắm.

Phải xem gương đảng CS Liên Xô. Đảng này có công an và quân đội hùng mạnh, có mấy chục triệu đảng viên mà khi đổ sụp (vì vi hiến, dân chủ giả hiệu) thì lực lượng này không cứu nổi. Và cuối cùng cũng chẳng ai thương.

Đảng ta cũng vi hiến rất nặng nề, ví dụ hiến pháp nói rõ công dân đủ 21 tuổi có quyền ứng cử, công dân có quyền tự do ngôn luận và đủ thứ quyền khác. Từ ngày tôi sinh ra đến nay tôi không thấy ai được tự do ứng cử mà phải qua mặt trận tổ quốc (bọn nhóc chúng tôi đã bảo nhau rồi: từ nay, chỉ bầu cho người ứng cử tự do, nếu không sẽ gạch tuốt).

Nếu tôi không sinh hoạt trong bất cứ đoàn thể nào (đó là quyền của tôi) tôi không được mặt trận giới thiệu thì chớ, chả lẽ tự ứng cử cũng cấm nốt sao?

Đảng cho tự do bầu cử gì mà danh sách ứng cử rặt những đảng viên, do vậy quốc hội cũng “quái” ở chỗ 90% đảng viên. Thử hỏi, 80 triệu dân có 10% đại biểu, còn 3 triệu đảng viên (tức 3,6% dân số) chiếm 90% đại biểu trong quốc hội, thì một em học sinh cấp 2 cũng tính “mật độ” đảng viên đậm đặc đến mức nào?

Cơ quan hành pháp lẽ ra chỉ có việc răm rắp thi hành luật lại ngang nhiên ra thông tư và nghị định “giải thích luật” cho dân (đầy tớ giải thích cho ông chủ “ông được tôi cho phép đến mức này thôi nhé”). Quốc hội gì mà không nói đầy đủ nội dung các quyền dân: tự do ngôn luận là dân được quyền làm những việc sau: 1, 2, 3, 4…; tự do cư trú là thế nào, tự do xuất ngoại là thế nào… Nói thật nhé, bọn tôi vào internet là biết tất, chúng tôi còn căn vặn thầy dạy chính trị đến cứng họng kia. Nhưng chúng tôi muốn quốc hội nói rõ cho dân biết để cơ quan công quyền không thể bịp dân (chủ ngu mới để đầy tớ bịp).

Điều này không phải dân VN ngu đến nỗi không biết đâu; ai tưởng rằng “dân ngu” mới là người ngu, hoặc người có tâm địa rất xấu (vì cấm dân nói ra điều ngang ngược trên). Cứ bảo chính sách hộ khẩu là do bộ công an (!). Người ngu nhất nước cũng biết là do đảng.

Cố nhiên, những điều anh Định viết thì nhiều người đã biết, nhưng không dám nói. Ngày 03-2-2006 đảng ta mới chấp nhận các ý kiến khác biệt, tức là suốt 60 năm nay, từ khi nắm quyền cai trị đảng ta không chấp nhận ý kiến khác biệt nào hết. Sự thú nhận này rất có ý nghĩa, nói lên nhiều điều lắm nhưng đây không phải chỗ bình luận.

Nếu anh Định ra ứng cử chánh toà bảo vệ hiến pháp thì bọn tôi bầu ngay. Nhưng đảng ta có dám dùng anh hay không thì còn tuỳ theo cái tâm của đảng có đủ sáng, bản lĩnh đảng ta có đủ vững, lòng tin dân (nhất là tin thế hệ trẻ) có đủ cao.

1 COMMENT

  1. Good analysis of Western legal system although there could be more detail differences, for example: US, British and American laws and constitutions compared with the US.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here