Tại các diễn đàn bên lề Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Geneva, nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung vừa lên án “chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam” và cho rằng Hà Nội bóp nghẹt những tiếng nói kêu gọi dân chủ trong nước và đàn áp xuyên quốc gia đối với giới hoạt động.
Phát biểu trụ tại một hội nghị nhân quyền quốc tế hôm 14/5 ông Trung nói: “Trong nhiều thập kỷ, chính quyền đã làm mọi thứ có thể để đè bẹp phe chính trị đối lập. Họ rình rập, quấy rối, bỏ tù và tra tấn bất cứ ai dám phản đối, họ tỏ ra ít quan tâm đến nhân quyền”.
Còn tại một hội nghị Thượng đỉnh Geneva vì Nhân quyền và Dân chủ, được tường thuật trực tiếp hôm 15/5, ông Trung nói: “Hai thập kỷ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ của tôi đã phải trả giá đắt. An ninh mặc thường phục canh gác nhà tôi vào ban ngày và đột kích vào ban đêm. Họ đe dọa người chủ doanh nghiệp nên không ai dám thuê tuyển tôi. Họ muốn cô lập tôi về mặt kinh tế lẫn xã hội”.
Tại hai diễn đàn này, ông Trung thuật lại quãng thời gian 20 năm tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền của bản thân ông, từ thời còn là sinh viên, du học, đi bộ đội và bị giam cầm cho đến khi ra tù và bị an ninh Việt Nam gây khó dễ.
“Thông điệp chính của tôi sau câu chuyện của tôi để nói lên là chế độ đàn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với người dân Việt Nam như thế nào. Bản thân tôi chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong số hàng triệu câu chuyện khác là cái nạn nhân của chế độ Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra thì tôi cũng muốn nói lên nhu cầu cấp thiết cần phải liên kết giữa các phong trào dân chủ trên toàn thế giới, cũng như là các quốc gia dân chủ”, ông Trung trao đổi với VOA sau khi phát biểu tại hai sự kiện trên.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về các bài phát biểu của ông Trung.
Năm 2006, ông Trung gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam và thành lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ khi còn là sinh viên đại học năm thứ tư. Năm 2009, ông bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vì hoạt động chính trị và bất đồng chính kiến. Ông bị kết án 7 năm tù và ba năm quản chế vì bị cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”. Nhờ áp lực của cộng đồng quốc tế, ông được trả tự do vào năm 2014.
Kể từ khi được trả tự do, ông Trung vẫn tiếp tục hoạt động, tập trung vào việc truyền bá lý tưởng dân chủ cho người dân Việt Nam. Do bị an ninh Việt Nam đe dọa và sách nhiễu vì những hoạt động tranh đấu, năm 2023, ông buộc phải trốn khỏi Việt Nam và xin tị nạn chính trị ở Đức.
Diễn đàn Geneva Summit là nơi các nhà hoạt động và cựu tù nhân chính trị điều trần công cuộc đấu tranh cá nhân của họ cho dân chủ và tự do, đồng thời xây dựng một cộng đồng quốc tế để chống lại các chế độ độc tài.
Hội nghị Thượng đỉnh Gevena năm nay, tập hợp của 25 tổ chức nhân quyền quốc tế, được tổ chức song song với các phiên họp chính thức thường niên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Phiên họp này là nơi các bộ trưởng ngoại giao tập trung tại Geneva để đưa các vấn đề quan trọng vào chương trình nghị sự quốc tế.
Vào tuần trước, phái đoàn các quan chức Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tham dự phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam do Hội đồng Nhân quyền tổ chức. Tại sự kiện này, có 133 quốc gia đưa 320 khuyến nghị đối với Việt Nam để cải thiện nhân quyền.
Báo cáo quốc gia của phái đoàn Việt Nam trình bày tại kỳ UPR vừa qua nói rằng nhà nước có “chính sách nhất quán về bảo hộ, thúc đẩy quyền con người”, đồng thời khẳng định “nỗ lực rất lớn” của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
“Hôm nay, với tư cách là một người ủng hộ dân chủ sống lưu vong, tôi nhận ra rằng các chế độ độc tài vượt ra ngoài biên giới”, ông Trung nói tại Geneva. “Trước thế giới, tôi kêu gọi sự đoàn kết quốc tế. Chúng ta hãy ủng hộ các phong trào dân chủ, chống lại chế độ độc tài và bảo vệ các quyền cơ bản của tất cả mọi người”.