Các tổ chức Bảo vệ Ký giả, Phóng viên Không biên giới và Văn bút Mỹ đã lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả tự do cho nhà báo nổi danh Trương Huy San cũng như xóa bỏ mọi cáo buộc đối với nhà báo có bút danh Huy Đức sau khi ông cho đăng tải những bài viết về tình trạng bất ổn chính trị hiện tại của đất nước.
Những lời kêu gọi này được đưa ra ngay trước khi tờ Tuổi Trẻ cho biết cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam cựu nhà báo Trương Huy San hôm 7/6. Bộ Công an được tờ báo này dẫn lời nói rằng họ ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố đối với ông Huy Đức.
Một ngày trước khi có thông báo của Bộ Công an, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói trong một thông báo rằng “Chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức tiết lộ nơi họ đang giam giữ nhà báo Trương Huy San và trả tự do cho ông vô điều kiện.”
Trước khi bị bắt, nhà báo Huy Đức đăng tải những bài viết chỉ trích gay gắt và trực diện hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm, người được bổ nhiệm vào chức vụ này hôm 22/5 sau khi dẫn dắt Bộ Công an.
Theo Tuổi Trẻ, kết quả điều tra ban đầu của Công an xác định ông Huy Đức đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đăng các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra an ninh cũng cho biết rằng họ đã bắt giữ và khởi tố Luật sư Trần Đình Triển của Đoàn Luật sư TP Hà Nội với cùng tội danh theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan này được Tuổi Trẻ trích dẫn, nhà báo Huy Đức và LS Triển “đã thành khẩn khai báo, chấp hành các quy định tại nơi giam giữ”.
Bộ Công an không cho biết họ bắt ông Huy Đức khi nào nhưng nhà văn Trần Thanh Cảnh cho VOA biết hôm 6/6 rằng ông Huy Đức đã không đến tham dự buổi mạn đàm mà ông dự kiến là diễn giả ngày 1/6. Theo ông Cảnh, những người bạn và người dân sống cùng tòa nhà của ông Huy Đức ở Long Biên, Hà Nội, chứng kiến lực lượng của nhà chức trách đến khám nhà và đưa nhà báo này đi cùng ngày hôm đó.
Trang Facebook có hơn 350.000 người theo dõi của ông Huy Đức đã bị gỡ xuống kể từ khi ông bị bắt.
Trong các bài viết được đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Huy Đức, tác giả cuốn sách được xuất bản từ Mỹ “Bên Thắng Cuộc”, cho rằng sự phát triển của Việt Nam không thể dựa trên sự sợ hãi và lưu ý đến vai trò Bộ trưởng Công an lâu năm của ông Tô Lâm.
Theo CPJ, ông Tô Lâm được nhiều người coi là ứng cử viên để thay thế ông Trọng, 80 tuổi, ở vị trí lãnh đạo hàng đầu khi nhiệm kỳ 5 năm thứ 3 chưa có tiền lệ của tổng bí thư Đảng kết thúc vào năm 2026.
“Các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Hà Nội kiểm duyệt,” ông Cedric Alviani, giám đốc Văn phòng châu Á của Phóng viên Không Biên giới (RSF), nói trong thông cáo đưa ra hôm 7/6. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay nhà báo này và phục hồi lại trang Facebook của ông.”
RSF nhận định rằng, ông Huy Đức là một nhà báo kỳ cựu sinh năm 1962, từng làm việc cho nhiều tờ báo hàng đầu của Việt Nam, nơi ông vạch trần hành vi lạm dụng quyền lực của các quan chức hàng đầu trước khi ông bị cho thôi việc vào năm 2009 vì những bài viết mang tính chỉ trích.
Sau đó, ông Huy Đức tiếp tục đăng các bài viết độc lập về chính trị Việt Nam trên trang blog và mạng xã hội của mình, gồm Facebook, trước khi nhận học bổng Nieman để theo học tại Đại học Harvard vào năm 2012-2013.
Tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) cũng đưa ra quan ngại về thông tin ông Huy Đức bị các nhà chức trách bắt giữ hôm 1/6. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/6, tổ chức này nói họ “quan ngại rằng ông Trương Huy San có thể bị nhắm tới vì những bài viết chỉ trích chính phủ Việt Nam.” Tổ chức có trụ sở ở New York chuyên cổ vũ cho tự do ngôn luận kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam minh bạch về việc bắt giữ ông Huy Đức.
“Không thể buộc tội Trương Huy San vì quyền tự do ngôn luận,” PEN America nói.
Còn ông Crispin của CPJ kêu gọi Việt Nam “phải ngừng đối xử với các nhà báo như tội phạm và trả tự do cho tất cả các thành viên báo chí bị giam giữ oan trái.”
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao về những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền trên.
Theo RSF, từ năm 2016, Tổng bí thư Trọng đã đẩy mạnh đàn áp quyền được thông tin trong nước. Tổ chức có trụ sở ở Paris của Pháp cho rằng các nhà báo chỉ trích chế độ thường xuyên bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và có thể bị kết án lên tới 20 năm tù. Năm 2021, nhà báo nổi danh Phạm Đoan Trang, người đạt giải tự do báo chí của RSF, bị kết án 9 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Việt Nam bị xem là một trong những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới, với ít nhất 19 người viết báo đang bị giam sau xong sắt tính đến ngày 1/12/2023, theo cuộc điều tra nhà tù toàn cầu hàng năm của CPJ. Quốc gia Đông Nam Á này bị xếp thứ 174/180 các quốc gia và vùng lãnh thổ trên Bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2024 của RSF.
(Bản tin được cập nhật với tuyên bố của Bộ Công an về việc bắt giữ nhà báo Huy Đức và Luật sư Trần Đình Triển)