NGUYÊN SA – HAI PHẦN GIÓ THỔI, MỘT PHẦN MÂY

0
56
   

Phạm Hiền Mây

Khoảng mười tuổi, tôi đã bắt đầu biết đọc thơ. 

Thưa, đọc thơ chớ không phải là đọc chữ. Đọc chữ thì bé nào lên sáu tuổi, cũng đều biết, và bắt đầu xem truyện hình. Truyện chữ, thì còn tùy, tùy sở thích đặc biệt của trẻ. Có trẻ, chín tuổi, đã đọc một mạch truyện Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng, như tôi, chẳng hạn.

Cũng chẳng hay ho gì chuyện ấy, là chuyện của tôi đấy mà, đọc truyện người lớn, lúc tuổi còn quá nhỏ. Đọc là đọc thôi, vớ được gì đọc nấy, chớ có hiểu gì đâu. Phụ huynh bây giờ nên cố gắng kiểm soát trẻ, trong khả năng cho phép và hết sức tế nhị của mình. Trường hợp của tôi là vì, ba tôi mất sớm, má tôi cả ngày tảo tần ngoài chợ, các anh tôi để truyện trên bàn, và tôi thì, có được cái gì trên tay, là đọc tất tần tật cái ấy.

Tôi ham đọc. 

Quay trở lại chuyện đọc thơ. Đọc thơ khác lắm đọc truyện, cả truyện hình lẫn truyện chữ. Đọc truyện, là ta đọc một mạch, không dừng, hoặc ít dừng. Còn thơ, thì hay dừng đột ngột lại lắm, vì bất ngờ với một chữ, một từ nào đó, hoặc không hiểu, hoặc hay quá, hay đến mức phải đột ngột dừng lại.

Đọc thơ, là đọc chậm, đọc nghiền ngẫm từng dòng. Đọc thơ, là đọc đi đọc lại. Những bài hay, những bài mình thích, là thuộc luôn, nằm lòng.

Tôi biết đọc thơ sớm và yêu thơ, hệt như các bạn cùng trang lứa của tôi vào những năm mười bốn, mười lăm tuổi. Khi ấy, đứa nào cũng ráng kiếm cho mình, hoặc sổ tay, hoặc quyển vở, để nắn nót ghi vào những bài thơ, những tác giả thơ mà mình thích.

Tất nhiên, trong sổ ghi chép thơ của tôi có Nguyên Sa và hai bài thiêng liêng, thần thánh, Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba.

******

Nói thần thánh và thiêng liêng là bởi vì lúc ấy, tôi và các bạn tôi, vẫn đương còn tuổi lớn, nghĩa là chưa lớn hẳn, chưa trưởng thành. 

Thì cái tình yêu như hoa như mộng, kín kín hở hở, vừa chớm lóe vừa e ấp, vừa gần lại vừa xa như Áo Lụa Hà Đông và Tuổi Mười Ba, là vừa vặn với tạng chúng tôi. Nó mô tả, nó diễn tả, nó nói hộ được tâm hồn của bọn nữ sinh chúng tôi, nên mới thích, mới nâng niu, quý hóa.

Lúc lớn hơn, vào đại học, Áo Lụa Hà Đông và Tuổi Mười Ba, lui về, chỉ còn là những áng thơ đẹp. Tôi, khi ấy, lại thích thú hơn với bài “Nga”:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chả là nước biển

Tại sao Nga ơi, tại sao

Đôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến

Hơi thở chùng như sợi chỉ không căng

Bước chân không đều như thước kẻ ai làm cong

Ai dám để ở ngoài mưa, ngoài nắng

Nói cho anh đi, Nga ơi

(em làm ơn chóng chóng)

Lại bên anh đi – bằng một lối rõ thật gần

Bằng một lối gần hơn con đường cong

Bằng một lối gần hơn con đường thẳng

Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng

Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi

Và cười đi em ơi

Cười như sáng hôm qua

Như sáng hôm kia

Cười đi em

Cười như những chiều đi học về

Em đố anh Paris có bao nhiêu ngọn đèn xanh đèn đỏ

Và anh đố em: Em có nhớ

Mỗi ngày, bao nhiêu lần anh hôn em?

Cười đi em

Cười rõ thật nhiều đi em

Rồi đố anh

Cho anh không kịp đếm

Cho anh tan trong niềm vui

Cho bao nhiêu ngọn đèn xanh, đèn đỏ thi nhau cười

Vì hai bàn tay chúng mình sát lại

(tay anh và tay em)

Nhớ hai dãy phố chạm vào nhau

Hai dãy phố chúng mình vẫn đi về

Em nhớ không?

Em nhớ không, đã có một lần anh van em

Đã có một lần lâu hơn cả ngày xưa

Em sợ thời gian buồn như mọt nhấm từng câu thơ

Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi

Mắt e ngại như từng con chỉ rối

Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay

Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay

Không dám chọn lấy một ga hò hẹn

Em nhớ không, anh đã van em

(và anh còn van em như ngày xưa)

Em đừng buồn như những chiếc lá tre khô

Em đừng buồn như những nóc nhà thờ không có tuổi

Anh van em đừng nhìn anh và cười gượng gạo

Em đừng cười như ngọn bấc gần hao

Những nụ cười vướng trên đôi gò má xanh xao

Những nụ cười vướng trên mắt nhìn trắng đục

Đừng để anh nhìn em rồi nghẹn ngào chớp mắt

Như hai vì sao le lói trong đêm sương mù

Đừng để thời gian dầy như trăm vạn lớp chấn song thưa

Về xen giữa hai bàn tay sầu tủi

Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn

Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối

Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu

Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau

Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm

Em nhớ không cả một hôm trời mưa

Một hôm trời mưa tấm tức

Một hôm trời mưa không ướt cánh chuồn chuồn

Những hạt mưa không đan thành mắc áo len

Những hạt mưa không phai màu nước mắt

Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc

Bước chân lê trên những đường phố không quen

Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim

Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới, lễ xin

Và em nhớ không, chúng mình đã hỏi nhau:

Tại sao phải làm lễ tơ hồng

Tại sao phải nhờ người ta buộc chỉ vào chân

Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh

Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em

Người ta làm thế nào cắt được

Bốn bàn tay chim khuyên

Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau

Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay

Anh sẽ hôn đền em

Và anh bảo em soi gương

Nhìn vết môi anh trên má

Môi anh tròn lắm cơ

Tròn hơn cả chữ O

Tròn hơn cả chiếc nhẫn

Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay

Chúng mình lấy nhau

Cần gì phải ai hỏi

Cả anh cũng không cần phải hỏi anh

Có bằng lòng lấy em?

Vì anh đã trả lời anh

Cũng như em trả lời em

Và cũng nghẹn ngào nước mắt

Và em sẽ cười phải không em

Em sẽ không buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao chả là nước biển

Em sẽ cười phải không em

Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau

Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích

Không ai cấm được anh làm cả bài thơ

Với một chữ N

Với một chữ G

Và với một chữ A

Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba

Người ta có thể không thích

(thì người ta không thích một mình)

Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh

******

Hết hơi.

Là tôi nói, đọc bài thơ xong, hết hơi.

Nhưng xứng đáng, vì hay.

Không chỉ hay, mà còn là dzui dzui, ngồ ngộ và bất ngờ. Ví gì không ví, lại ví người yêu buồn, giống con chó bị ốm, giống mắt con cá bị ươn.

Nếu là tôi thì chắc là tôi sẽ giận. Ai đời, người ta đang buồn chết đi được đây, mà ở đó, còn nham nhở.

Nhưng chưa kịp giận thì đã nghe xon xót, bởi người ta, coi vậy mà yêu mình quá chừng, thương mình quá chừng. Thì đó, bây giờ thì ví sang cây thước kẻ, ai dám làm cong, ai dám để ngoài mưa ngoài nắng, vậy chớ hả. Cái từ “dám” thiệt diệu kỳ. Nàng là tiểu thơ, nàng là trâm anh, đài các, tôi cưng nàng không hết, nâng niu nàng không hết, vậy mà ai, ai đã “dám”, ai lại “dám” với nàng như thế.

Hả dạ ghê.

Thiệt là hả dạ ghê. Bây giờ thì anh lại chuyển sang van nài, vừa van nài lại còn vừa nói ngọt nữa chớ, nói là, đôi má hồng non, nói là, mắt nhìn trinh trắng, nói là, lời yêu mến tan trên đôi môi.

Lòng ai mà chẳng dịu lại. Dịu lại để nghe tiếp những lời yêu thương, chất ngất. Những van nài, những khẩn cầu, chẳng dứt. Những khẩn cầu rất đáng yêu, rất làm em muốn nghe. Nghe hoài, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm kia, cũng hổng có chán đâu.

Chỉ muốn người yêu mình vui thôi. Chỉ muốn cho nàng cười, những vui cười bất tận. Anh sẵn sàng đổi hết những lần thua, đổi hết những thiệt thòi, chỉ cần em cười thôi. Rồi lại còn hỏi, nhớ này không, nhớ kia không, mà, chèn ơi, khúc này, thơ sao mà đẹp, thơ sao mà hay, thơ sao mà tình, đến thế.

Tôi bái phục ông thiệt đó, ông Nguyên Sa. Ông tả hay thiệt. Chàng và nàng, sóng đôi bên nhau, ngày hai buổi đi về, sóng cái kiểu gì, mà cảm thấy như, hai bên đường phố, hai dãy phố, chúng như cũng chụm đầu vào nhau.

Bởi vì, anh và em, chúng ta, tay đan tay, và, cũng chụm đầu vào nhau suốt trên đoạn đường dài, như thế.

Mà van nài như thế này, đâu chỉ mới bữa hôm nay. Xem kìa, chàng cuống quýt, khi dồn dập hỏi, em nhớ không, em còn nhớ không em.

Hỏi gì mà tới tấp. Hỏi mà có để cho người ta trả lời đâu. Là anh đang độc diễn, bởi vì em đang buồn mà, như con mèo ngái ngủ trên tay anh, cuộn tròn trong vòng tay anh và nằm nghe anh nói. Những câu nói của anh là những thước phim quay về quá khứ, nơi có những cảnh thần tiên, hệt truyện cổ tích ngày xưa. Cái gì của em, anh cũng biết. Cái gì trong đầu của em, anh cũng hay. Cái gì trong tim của em, anh cũng tỏ, anh cũng cảm, và, sẵn sàng chia sẻ cùng em.

Yêu nhau ấy mà, khi yêu nhau ấy mà, tôi cũng từng yêu, nên biết – yêu nhau, sợ nhất là thời gian phải đợi chờ. Thời gian lúc ấy như mọt nhấm, như lửa thiêu. Sợ cả sân ga, sợ cả đường tàu. Và vì vậy, em mới buồn nè, buồn như lá tre khô mà anh vừa tả, buồn như nóc nhà thờ trăm năm đứng sững trong muộn phiền, rong rêu, vắng lặng mà anh vừa nhắc đấy thôi.

Sau tràng giang đại hải, rằng này, rằng kia, cuối cùng, anh ngon ơ, tỉnh bơ:

Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau

Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm

Đang buồn cũng phải bật cười. Đang hiu đang hắt cũng thấy ra bình minh nắng sớm.

Tình yêu thiệt diệu kỳ. Tình yêu là phép màu. Tình yêu đẩy lùi buồn đau. Tình yêu làm người ta, thậm chí, mạnh mẽ hơn, yêu cuộc đời này hơn. 

Và, dường như, anh vẫn chưa yên tâm, vẫn chưa tin rằng, em sẽ mau chóng hết buồn như lòng anh mong muốn, nên anh lại nói tiếp, bằng những câu hỏi không ngừng, em nhớ không, em nhớ không.

Hàng loạt những kỷ niệm, được anh nhắc lại. Và khi nghe, lòng em tràn ấm áp. Vì nếu như anh không yêu, không yêu em nhiều đến thế, thì anh hẳn đã, trong đầu, giờ đây, chẳng có mẩu chuyện nào mà kể cho em nghe. Anh nhắc đến cả chuyện mong muốn được lấy nhau của chúng mình với bao khốn khó bủa vây. Chúng mình đã từng phải khóc vì điều ấy. Nhưng rồi, nhìn vào mắt nhau, chúng mình hiểu ra, cần chi những lễ nghi rườm rà, tốn kém. Chúng mình sẽ chẳng bao giờ phải xa nhau vì những điều không đáng ấy. Chúng mình đã quyết định:

Khi tay em đã vòng ra đằng sau lưng anh

Khi tay anh đã vòng ra đằng sau lưng em

Người ta làm thế nào cắt được

Bốn bàn tay chim khuyên

Rồi anh hỏi, nụ hôn của anh sẽ thay cho nhẫn cưới, được không em.

Em không trả lời được, em đang buồn mà, nhưng em khóc. Anh cũng khóc. Khóc vì hạnh phúc. Khóc vì hiểu được lòng nhau. Khóc vì biết rõ, sẽ chẳng có thể ai, có thể điều gì, chia rẽ tình yêu hai đứa.

Em sẽ cười phải không em. Hai khổ thơ, lập đi lập lại câu hỏi ấy, hai lần. Nghe mà nhức, mà buốt con tim. Ai yêu rồi mới biết. Ông Trịnh Công Sơn, ổng cũng phải nói kìa, tình yêu như trái phá con tim mù lòa. Yêu khổ thiệt chớ. Mà không yêu, thì đời, sống để làm gì?

Nếu có cái gì đẹp nhất trên đời này, thì đó là tình yêu, thì đó là hạnh phúc. Khổ thơ cuối hay quá. À, không phải, phải nói như thế này mới đúng, khổ thơ cuối, quá chừng là hay. 

Nên tôi ghi lại đây, bạn ơi, đọc nốt, chẳng phí hoài đâu. Nó như liều thuốc. Nó an ủi mình. Rằng thì là, cứ yêu bằng hết chân tình. Phần còn lại, để thượng đế sắp xếp. Các bạn có đồng ý với tôi không:

Không ai cấm được anh làm cả bài thơ

Với một chữ N

Với một chữ G

Và với một chữ A

Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba

Người ta có thể không thích

(thì người ta không thích một mình)

Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh

******

Đúng kiểu tình yêu thuở còn đi học. Hỏi sao ngày xưa, tụi tôi, không ái mộ thi sĩ Nguyên Sa.

Điều làm tôi thích thơ của Nguyên Sa là vì thơ ông vẫn lãng mạn và đầy chất thơ dù ông chẳng bao giờ khen người yêu của mình đẹp, theo những khuôn đúc, khuôn mẫu, quy định, sẵn có trước giờ, kiểu như mắt bồ câu, mũi dọc dừa, miệng trái tim. 

Vẻ đẹp người yêu của Nguyên Sa, qua thơ ông, là một vẻ đẹp tổng thể, đó là sự hồn nhiên, chân thật, không làm dáng, không làm điệu, không làm màu. Chỉ rất nữ tính, và.

Và, thông minh, hiểu chuyện.

Đó cũng là tiêu chuẩn về vẻ đẹp, mà ngày xưa, bọn con gái chúng tôi, hướng đến. 

Cái nữa, là thơ ông luôn viết về những chuyện riêng, rất riêng, gọi rõ họ tên, thế mà tôi, khi đọc, vẫn cứ ngỡ như ông đang viết thay mình, nói hộ mình. Ông đã làm cho cả một thế hệ trước tôi, rồi đến chúng tôi, những lứa được sinh ra trong thời Việt Nam Cộng Hòa, nối tiếp nhau say mê thơ ông, thần tượng thơ ông, như điếu đổ.

******

Nguyên Sa không chỉ làm thơ. Ngoài thơ, ông còn dạy học, làm chủ bút tập san và xuất bản các tác phẩm thuộc thể loại bút ký, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, triết học, tâm lý học, luận lý học.

Trong hồi ký của mình, ông viết, tôi mơ hồ cảm thấy tôi không muốn trở thành một nhà thơ dấn thân. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy tôi không phải một đệ tử trung thành của nghệ thuật vị nghệ thuật. Tôi là người làm thơ, thơ tình, mà vẫn xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc tôi.

Nghe đồn đại, thuở sinh thời, Nguyên Sa thân với Mai Thảo nhứt, dẫu hai người là hai thái cực, một ông thì sống với rượu, bạn bè, quán xá, người tình, ông còn lại thì mẫu mực, nghiêm chỉnh, dạy học, làm thơ.

Đời, cũng vẫn luôn có những chuyện tréo ngoe như vậy. Nhưng, vui mà, phải không.

Nguyên Sa, trong suốt hai mươi năm trước khi xảy ra biến cố một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, là một trong những nhà thơ hàng đầu. Ông có nhiều bài hay lắm, như hai bài tôi kể ngay ở trên, Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba. Rồi bài Nga như tôi vừa viết cảm nhận. Rồi thì, Paris Có Gì Lạ Không Em, Vết Sâu, Màu Kỷ Niệm, Mai Tôi Đi, Tiễn Đưa, Tình Khúc Tháng Sáu, Tháng Sáu Trời Mưa, Hư Ảo Trăng, Cần Thiết… .

Những bài mà tôi vừa nhắc tới, đã được các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Anh Bằng, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Song Ngọc, Hoàng Thanh Tâm, Phạm Anh Dũng phổ thành nhạc. Và các ca khúc này, đến nay, sau hơn năm mươi năm ra đời, vẫn còn đang được ưa chuộng, trong và cả ngoài nước.

Riêng bài Áo Lụa Hà Đông, tôi có một vướng mắc nhỏ này, mà đến giờ, không biết hỏi ai, nên vẫn còn nguyên vướng mắc ấy. Đó là, sao ông lại viết, anh vẫn yêu “màu” áo ấy vô cùng, nhỉ.

“Màu” áo ấy là “màu” gì? Lụa Hà Đông ấy mà, thì đủ màu, nhưng không phải người ta quý lụa Hà Đông, thích may áo bằng lụa Hà Đông, bởi vì “màu” của nó, mà vì “chất” lụa cao cấp của nó – mỏng, mềm, mịn màng, rất nhẹ, được dệt từ sợi tơ tằm. Nên, nếu thấy đẹp, thì là đẹp bởi chất lụa của nó chớ? Làm mỗi khi nghe bài này, cứ đến câu “màu” áo ấy vô cùng, là trong tôi lại cứ dậy lên một niềm thắc mắc. 

******

có phải em mang trên áo bay

hai phần gió thổi, một phần mây

hay là em gói mây trong áo

rồi thở cho làn áo trắng bay

(Tương Tư -1971)

Đã mấy mươi năm rồi, vậy mà khi đọc lại những dòng thơ này, tôi vẫn thấy ùa về những rung động, xao xuyến, bâng khuâng một thuở.

Từ trái tim tôi, tâm hồn tôi, xin vinh danh nơi đây – Nguyên Sa, một người thơ, một tài thơ, rất mực.

Sài Gòn 11.12.23

Phạm Hiền Mây

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here