
Nhóm Chat về cuộc tấn công ở Yemen:
Tagesschau, 25.03.2025
Theo chuyên gia về nước Mỹ Johannes Thimm, cuộc trò chuyện trên Signal của các thành viên trong chính quyền Trump là vô cùng cẩu thả. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện đó lại phù hợp với cách xử lý dữ liệu nhạy cảm thô bạo của họ.
*
tagesschau.de: Các thành viên của chính quyền Hoa Kỳ, các bộ trưởng và phó tổng thống trao đổi kế hoạch tấn công quân sự vào Trung Đông thông qua Signal. Có gì bất thường ở đây?
Johannes Thimm: Nội dung này nói về các cuộc tấn công bằng biện pháp quân sự vào lực lượng quân Houthi ở Yemen. Thông tin như vậy thường được bảo đảm tuyệt mật, đặc biệt là trước khi xảy ra tấn công. Không có gì được rò rỉ ra ngoài. Chính phủ Hoa Kỳ có những quy trình được thiết lập để duy trì tính bảo mật này.
Khi mọi người thảo luận trực tiếp về các chính sách, họ thường thảo luận trong những căn phòng an toàn. Khi đó, người tham gia thậm chí còn không được phép mang theo điện thoại di động và các thiết bị riêng để tránh chuyện bị theo dõi. Tuy nhiên, cũng có những kênh điện tử chính thức nơi tin nhắn có thể được trao đổi qua các đường truyền an toàn trên các thiết bị an toàn của chính phủ.
*
TRAO ĐỔI CẤP CAO NHẤT CỦA CHÍNH PHỦ
tagesschau.de: Signal có phải là một trong số đó không?
Thimm: Signal là phần mềm có sẵn được dùng rộng rãi, nhưng chưa được chính phủ Hoa Kỳ xem xét để sử dụng. Đây là một trong những chương trình an toàn hơn do công ty tư nhân cung cấp, nhưng thông tin chính thức, đặc biệt là thông tin tuyệt mật thì không được trao đổi ở đây. Tuy nhiên, tại đây, các thành viên nội các cấp cao và Phó Tổng thống đã bàn luận với nhau.
Ngoài ra: Những người tham gia không chỉ vi phạm các quy tắc liên quan đến các kênh chính thức để trao đổi thông tin mật, mà còn có chuyện tổng biên tập của tờ Atlantic, Jeffrey Goldberg được thêm vào cuộc trò chuyện này và có thể theo dõi trực tiếp cuộc trao đổi giữa các thành viên trong nội các. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết vì sao lỗi này có thể xảy ra – ngay cả Goldberg cũng không thể giải thích được.
*
tagesschau.de: Vẫn có những trường hợp mà các bộ trưởng có thể sử dụng các dịch vụ nhắn tin thương mại như vậy chứ?
Thimm: Thành thật mà nói, luôn có những tình huống mà các quy định có thể không được tuân thủ nghiêm ngặt. Tôi biết về các cuộc đàm phán đa phương, chẳng hạn như các hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc, nơi các phái đoàn phối hợp thông qua dịch vụ nhắn tin khi phải đáp ứng thời hạn gấp rút.
Nhưng thông thường đây không phải là thông tin tuyệt mật liên quan đến hoạt động quân sự sắp xảy ra. Đó là điều đáng quan tâm. Nó cho thấy chính phủ này không tuân thủ bất kỳ quy trình và quy định nào đã được thiết lập. Chuyện này cũng phù hợp với những trải nghiệm khác mà chúng tôi biết về họ.
*
“NƠI RÒ RỈ TIN TỨC”
tagesschau.de: Một trong những lý do cho việc bảo mật là để bảo vệ những người liên quan. Trong trường hợp này, quân đội Hoa Kỳ sẽ là những người chịu trách nhiệm thực hiện các kế hoạch tấn công. Liệu họ có bị nguy hiểm vì cuộc trao đổi này không?
Thimm: Chắc chắn đó là một mối nguy hiểm tiềm ẩn và là hành động vô cùng cẩu thả. Điều này có thể gây ra hậu quả cướp đi mạng sống con người, bao gồm cả những người lính Mỹ thực hiện những nhiệm vụ như vậy. Lãnh đạo chính quyền còn gặp may vì người có thể do vô ý được thêm vào cuộc trò chuyện này là một nhà báo có trách nhiệm. Ông ấy đã không công bố mọi thứ mà ông ấy có thể đọc được. Ví dụ, theo lời kể của ông, ông đã giấu tên một nhân viên tình báo đang công tác được nhắc đến trong cuộc trò chuyện và người này có thể bị nguy hiểm nếu bị lộ tên của mình.
Nếu là một người ít trách nhiệm hơn Jeffrey Goldberg, có thể họ đã cảm nhận được tin sốt dẻo và tung tin lên. Điều này có thể dẫn tới những hậu quả hoàn toàn khác. Đó chính là lý do tại sao luật cấm tiết lộ bí mật lại nghiêm ngặt đến vậy. Theo đó, những người tiết lộ thông tin mật bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp. Nếu lấy thước đo này thì những người trong chính quyền Trump đã tạo ra một nơi làm rò rỉ tin tức liên quan đến cuộc tấn công vào lực lượng dân quân Houthi.
*
“ÍT NHẤT THÌ CŨNG PHẢI DẪN ĐẾN VIỆC TỪ CHỨC”
tagesschau.de: Trong những trường hợp bình thường, điều này cũng sẽ dẫn đến hậu quả về mặt pháp lý và chính trị?
Thimm: Trong trường hợp bình thường thì có. Về nguyên tắc, những người liên quan có thể bị buộc tội tiết lộ bí mật theo Đạo luật Gián điệp. Ít nhất, nó phải có hậu quả về mặt chính trị và dẫn đến việc từ chức. Nhưng kể từ khi ông Trump nhậm chức, chúng ta không còn thấy những tình huống bình thường ở nhiều lĩnh vực.
Do đó, tôi không mong đợi việc phát tán thông tin này sẽ gây ra bất kỳ hậu quả nào cho những người liên quan. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth cũng ngay lập tức lên tiếng chỉ trích, gọi Goldberg là người không đáng tin cậy và là kẻ phát tán tin tức giả mạo. Mặc dù một đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia đã xác nhận tính xác thực của cuộc trò chuyện.
*
“CÁI SẢY NẢY CÁI UNG”
tagesschau.de: Điều gì được thể hiện trong hành vi vi phạm các quy tắc này – thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chuyên nghiệp, hay trên hết là sự tự tin thái quá và niềm tin rằng người ta có thể phớt lờ những gì trước đây được coi là hợp pháp, chính trị và có tổ chức?
Thimm: Chúng tôi nhận thấy sự bất cẩn cực độ trong việc xử lý thông tin mật và những vi phạm nghiêm trọng các quy trình đã được thiết lập trong toàn bộ hành động của chính phủ này. Để minh họa mức độ của những tiêu chuẩn kép này: Năm 2016, một vụ bê bối lớn đã xảy ra khi Hillary Clinton, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, đã sử dụng địa chỉ email cá nhân của mình cho một số vấn đề được phân loại. Vào thời điểm đó, có một cuộc điều tra của FBI đã góp phần khiến bà thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Bản thân ông Trump đã kêu gọi bỏ tù bà vì hành động này – và Hegseth cũng đã chỉ trích bà rất nhiều vào thời điểm đó.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, có nhiều báo cáo cho rằng ông đã chia sẻ thông tin mật trong cuộc trò chuyện cá nhân với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga khi đó là Sergei Kislyak, một số trong đó cũng tiết lộ nguồn tin và phương pháp của các cơ quan tình báo. Về mặt này, chúng tôi không tìm hiểu một hiện tượng mới, mà là một hiện tượng có liên quan đến ông Trump.
Sự bất cẩn này cũng bao gồm hành động của Elon Musk và nhóm nhân viên không chính thức của ông ấy khi tiếp cận các cơ quan chính phủ và máy chủ tuyệt mật của chính phủ, sao chép dữ liệu và sa thải các chuyên gia an ninh. Có những báo cáo gây kinh hãi từ các chuyên gia và blogger có liên quan, về việc an ninh công nghệ thông tin của chính phủ Hoa Kỳ đang bị phá hoại nghiêm trọng bởi các hành động của DOGE. Về mặt này, những gì chúng ta đọc về nhóm chat Signal chỉ là cái sảy nảy cái ung.
Das Gespräch führte Eckart Aretz, tagesschau.de
*
Lưu Thủy Hương dịch từ: https://www.tagesschau.de/ausland/amerika/us-regierung-chat-signal-gruppe-100.html
Johannes Thimm là phó ban nghiên cứu châu Mỹ tại “Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh Đức”. Nghiên cứu của ông tập trung vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế và luật pháp quốc tế.
Puraburn I like the efforts you have put in this, regards for all the great content.