Trung Khang, RFA
2019-05-24
Ngày 24 tháng 5 năm 2009, là tròn 10 năm tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ trong khi ông là một trí thức có tầm, toàn tâm- toàn ý đóng góp cho một đất nước Việt Nam phát triển.
‘Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại’ là câu để nói lên sự khắc nghiệt về thời gian mà con người phải chịu khi bị giam cầm. Tuy nhiên, thời gian 10 năm vẫn không thể bẻ gãy ý chí của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.
Trần Huỳnh Duy Thức là một nhân vật bất đồng chính kiến sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966, tại Sài Gòn. Ông là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI. Ông bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam và Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010 và kết án 16 năm tù với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Từ Sài Gòn, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân nhân quyền, khi trao đổi với RFA hôm 24/5/2019, đưa ra nhận xét về anh Trần Huỳnh Duy Thức:
“Phải nói là tôi rất xúc động khi ngày hôm nay tròn 10 năm anh Trần Huỳnh Duy Thức ở tù. Với quá trình dài như vậy, là một nhà báo theo dõi rất sát tình hình Trần Huỳnh Duy Thức, thì có lẽ cho đến thời điểm hiện nay, Trần Huỳnh Duy Thức là người duy nhất thể hiện, nhân cách người Việt Nam đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất. Ngoài ra thì tôi nhận thấy ở Anh Trần Huỳnh Duy Thức có cả sự thành tâm thiện tâm và kiên tâm, mà hiếm có một tù nhân lương tâm nào ở Việt Nam có được như anh ấy.”
10 năm đã trôi qua, sự vô lý đó đã lập lại trong 10 năm, trong thời gian ban đầu thì sự kêu gọi trả tự do cho anh Thức đã diễn ra rất nhiều lần, nhưng cho đến nay vần chưa được thực thi. Điều này không những không đúng với luật pháp hiện hành mà còn đi ngược sự văn minh và tiến bộ của nhân loại.
-Lê Thăng Long
Trần Huỳnh Duy Thức cùng Lê Thăng Long và một số người khác vào năm 2005 lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn thông qua việc nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Vào tháng 11 năm 2008, Ông Trần Huỳnh Duy Thức lập ra hai blog có tên Change We Need và Trần Đông Chấn đăng tải những bài viết và bình luận về lãnh đạo và nền chính trị Việt Nam.
Ông bị bắt vào ngày 24 tháng 5 năm 2009 với cáo buộc ban đầu là ‘trộm cước viễn thông’; tuy nhiên sau đó tội danh chuyển thành ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Ba người cùng bị bắt và đưa ra tòa với Ông Trần Huỳnh Duy Thức là luật sư Lê Công Định, doanh nhân Lê Thăng Long, thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung.
Trao đổi với RFA hôm 24/5/2019 từ Sài Gòn, Cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long, là người cũng đã bị bắt và bị tuyên án tù trong cùng vụ án với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, nhận định:
“10 năm đã trôi qua, sự vô lý đó đã lập lại trong 10 năm, trong thời gian ban đầu thì sự kêu gọi trả tự do cho anh Thức đã diễn ra rất nhiều lần, nhưng cho đến nay vần chưa được thực thi. Điều này không những không đúng với luật pháp hiện hành mà còn đi ngược sự văn minh và tiến bộ của nhân loại.”
Sau khi bị kết án, ông Thức bị giam tại trại Xuân Lộc, Đồng Nai. Sau vụ tù nhân nổi dậy vào cuối tháng 6 năm 2013, ông bị chuyển ra Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong quá trình bị bắt anh Trần Huỳnh Duy Thức cùng gia đình phía bên ngoài rất nhiều lần làm đơn để kêu oan.
Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, khi trao đổi với chúng tôi hôm 24/5 từ Sài Gòn, nhớ lại:
“Trong quá trình Thức bị bắt, tôi thấy Thức luôn đấu tranh và bảo vệ mình theo con đường luật pháp. Suốt trong quá trình đó, gia đình tôi luôn luôn phía bên ngoài, làm đơn để kêu oan. Đầu tiên là việc kêu gọi xử giám đốc thẩm, bởi vì trong quá trình điều tra Thức luôn bị bức cung nhục hình. Sau đó thì gia đình có kết hợp với những người chung vụ án là anh Định, anh Long và anh Trung để làm đơn xin tái thẩm, để anh Thức được xử lại. Suốt quá trình 10 năm gia đình chi lúc nào cũng kêu oan cho Thức, nhưng cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng nào từ phía tòa án.”
Ngày 5 tháng 5 năm 2016, Trần Huỳnh Duy Thức bị chuyển từ trại Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến nhà tù số 6 tỉnh Nghệ An. Theo gia đình anh cho hay, anh Thức bị cưỡng bức, còng tay và bịt miệng suốt chuyến đi vì phản đối quyết định này.
Bà Trần Thị Diệu Liên cho biết lý do thật sự anh Trần Huỳnh Duy Thức bị chuyển đến nhà tù số 6 tỉnh Nghệ An:
“Suốt quá trình Thức ở tù 10 năm qua, cái tôi nhớ mãi, bức xúc nhất, là khi Thức bị chuyển từ trại giam Xuyên Mộc đến trại 6 Nghệ An, với lý do là từ chối đi tị nạn ở Mỹ. Khi đó Thức bị khống chế đưa lên xe, để chuyển về Nghệ An, trong khi không có một quyết định nào từ cơ quan nào? Từ Tổng cục hay cơ quan điều tra nào? Họ vào ban đêm và khống chế đưa Thức về trại 6 Nghệ An.”
Tại nhà tù Nghệ An, anh Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục nhiều lần bị ép buộc đi định cư tại Hoa Kỳ, nhưng anh vẫn không đồng ý.
Theo cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long, anh Thức ở lại để đấu tranh cho quyền của người Việt Nam. Anh Lê Thăng Long cho biết, anh và các bằng hữu sẽ tiếp tục con đường đấu tranh, không chỉ để trả tự do cho anh Thức theo như trước đây, mà làm sao để những trường hợp như anh Thức, như anh và bạn anh, không được lập lại trong tương lai.
Vào ngày 14/5/2016, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã yêu cầu được gặp toàn thể gia đình gồm 14 người. Anh bác bỏ ý định đi Mỹ định cư như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do, đồng thời thông báo với cả nhà việc tuyệt thực đến chết mới thôi từ ngày 24/5 để đòi sự thượng tôn pháp luật và yêu cầu trưng cầu dân ý trao cho người dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước.
Anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực lần 1 trong tù kéo dài 15 ngày từ ngày 24 tháng 5 năm 2016. Khi đó, một phong trào hưởng ứng thái độ bất khuất của Trần Huỳnh Duy Thức đã nổ ra bắt đầu bằng các cuộc tuyệt thực tập thể.
Đến ngày 13/8/2018, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã tiếp tục tuyệt thực để phản đối yêu cầu nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá, cùng với đó ông cũng phản đối những ngược đãi của trại giam đối với mình. Tổng cộng lần này anh Thức đã tuyệt thực 34 ngày.
Bà Trần Thị Diệu Liên cho biết, bà cùng gia đình, vẫn tiếp tục kêu oan cho Trần Huỳnh Duy Thức:
Tính đến nay thì rõ ràng họ đã giam Thức quá thời hạn là 5 năm. Luật này có hiệu lực từ 1/1/2018, nhưng cho đến nay vẫn không nhận được trả lời từ Tòa án Nhân dân.
-Trần Thị Diệu Liên
“Gần đây nhất là năm 2015, Việt Nam có sửa đổi đều 79 thành 109 trong Bộ luật hình sự 2015, có thêm khoảng 3 là người chuẩn bị phạm tội thì mức án từ 3 đến 5 năm tù. Theo phân tích của các luật sư thì Thức nằm trong trường hợp này. Gia đình Chị và Thức vào năm 2018, đã làm đơn gởi lên Tòa án Nhân dân Tối cao để đề nghị miễn hình phạt còn lại cho mình. Tính đến nay thì rõ ràng họ đã giam Thức quá thời hạn là 5 năm. Luật này có hiệu lực từ 1/1/2018, nhưng cho đến nay vẫn không nhận được trả lời từ Tòa án Nhân dân.”
Trại 6, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, vẫn là nơi mà người tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang phải thụ án 16 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, vào ngày 24 tháng 5 năm 2019 cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin mới nhất về anh Thức sau lần thăm gặp gần đây:
“Gia đình đi thăm Thức mỗi tháng một lần, lần thăm vừa rồi là ngày 11/5, nói chung, tình sức khỏe của Trần Huỳnh Duy Thức tương đối ổn định. Vừa rồi có những lá thư Thức gởi về nhà, mà chúng tôi không nhận được. Chính tôi là người đã gởi khiếu nại về việc đó lên Thanh tra công an, và kể cả bên Bộ trưởng (công an) về việc này.”
Cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long cho rằng, sự khởi đầu của anh và những người cùng chí hướng từ hơn 10 năm trước, thì đến thời điểm hiện nay, đã được sự hưởng ứng, đồng lòng của rất nhiều người và đang lan tỏa, với nhiều hình thức khác nhau. Theo anh Long, tiến trình này đang ngày càng có tín hiệu rất là tốt, tạo nên một sự vận động chung và sức ép rất lớn để làm sao chính quyền Việt Nam hiện nay có những sự thay đổi thật sự.
Chúng tôi xin mượn lời luật sư Lê Công Định viết trên trang cá nhân của mình vào ngày tròn 10 năm anh Trần Hùynh Duy Thức bị bắt giam để thay cho lời kết: “Năm tháng dài trong ngục tù đã đào luyện thêm ý chí sắt đá của anh và biến tên anh thành biểu tượng tự do của cả dân tộc. DUY THỨC để chuyển mình trước thời cuộc thế giới hiện nay là điều dân tộc Việt Nam phải bước tới.”