Hòa Ái/RFA
Cánh sát Thái Lan hồi cuối tháng 8 năm 2018 mở chiến dịch truy bắt người Thượng đến từ Việt Nam và Campuchia. Những người Thượng này đang có mặt tại Xứ Chùa Vàng để tìm quy chế tị nạn. Số phận của họ ra sao, sau một tháng Chính quyền Thái Lan tiến hành biện pháp vừa nêu?
Án tù vô định?
Vào ngày 28 tháng 8 năm 2018, Bộ Tư lệnh An ninh Nội địa và các cơ quan khác thuộc Bộ Nội Vụ Thái Lan bắt giữ gần 200 người Thượng bao gồm cả trẻ em đến từ Việt Nam và Campuchia. Đây được xem là đợt truy bắt người Thượng đến đất nước Chùa Vàng để tìm quy chế tị nạn đông nhất từ trước đến nay.
Vào ngày 14 tháng 9, Đài RFA nhận được cuộc điện thoại của anh Nay Y Khot, một người Thượng được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn trước khi anh bị bắt vào ngày 28 tháng 8. Anh Nay Y Khot gọi từ Trung tâm Giam giữ Di trú Thái Lan (IDC)
“Hiện tại chúng tôi đang ở IDC. Vào ngày mùng 10//09/18, công an của IDC đã phỏng vấn chúng tôi. Họ nói với chúng tôi rằng trong thời gian 90 ngày, nếu không có một tổ chức nào giúp chúng tôi thì họ sẽ trục xuất chúng tôi về Việt Nam. Và, họ còn hăm dọa chúng tôi rằng nếu mọi người không về thì mọi người sẽ chết ở đây hay sao. Chúng tôi rất sợ hãi.”
Anh Nay Y Khot cho biết thêm các trẻ em được nuôi giữ tách biệt với cha mẹ, ở bên ngoài IDC và hiện có 2 phụ nữ mang bầu bị giam ở Trung tâm Giam giữ Di trú này.
Trao đổi thông tin cập nhật với RFA, bà Grace Bùi, Giám đốc chương trình Dự án hỗ trợ người Thượng ở Thái Lan (MAP) cho biết:
“Sau khi ra tòa ngày 30/8 thì họ phải ở trong tù hình sự trong 10 ngày và sau đó được chuyển qua IDC, là chỗ giam giữ những người di trú bất hợp pháp. Những người này ở trong đó đến khi nào có một nước thứ 3 nhận họ thì họ mới có thể ra. Khi bị đưa vào IDC rồi thì rất rất khó ra.”
Chúng tôi liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS và được ông giải thích rằng Chính phủ Thái Lan chỉ có thể trục xuất những người Thượng ở Campuchia về nước vì Thái Lan có quyền trục xuất ngay những người di dân bất hợp pháp đến từ các quốc gia có biên giới giáp ranh với Thái Lan, mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Riêng về những người Thượng đến từ Việt Nam bị bắt, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh rằng họ chỉ bị trục xuất về Việt Nam khi họ đồng ý trở về nước. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết BPSOS đang làm việc với Chính phủ Thái Lan về vấn đề người Thượng bị bắt vừa qua:
“Hiện nay chúng tôi đang can thiệp với Chính phủ Thái Lan, và với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để vận động ít ra trong trường hợp 60 trẻ em phải được trả tự do, bởi vì Thái Lan đã ký vào Công ước LHQ về Quyền của Trẻ em. Chúng tôi tin rằng sắp sửa đạt được một thỏa thuận họ sẽ trả tự do cho 60 trẻ em này cùng với người mẹ. Nhưng người mẹ phải đóng tiền thế chân vào khoảng 1500 Mỹ kim/người. Chúng tôi đang suy tính làm sao để gây quỹ được số tiền đó.
Ngoài ra, chúng tôi đang cố gắng vận động thêm rằng không thể tách lìa gia đình để người cha tiếp tục ở trong tù. Thành ra, chúng tôi đang cố gắng vận động vì lý do nhân đạo hãy trả tự do cho cả mẹ và cả cha cùng các em.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm BPSOS đang làm việc với LHQ để vận động cho những người Thượng không có gia đình, mà đã được cấp quy chế tị nạn được nhanh chóng định cư ở nước thứ 3, vì đó là cách duy nhất để họ được ra khỏi IDC ở Thái Lan.
Tiếp tục bị truy bắt?
Một số gia đình người Thượng ở khu vực Wat Sao Thong Hin, quận Bang Yai thuộc tỉnh Nonthaburi, ngoại ô Bangkok nói với RFA sau đợt bố ráp vào ngày 28 tháng 8, thì Cảnh sát Thái Lan tiếp tục đến khu vực này mỗi sáng sớm để canh bắt người Thượng. Anh Thul Siu kể lại:
“Bữa trước thì tôi có gặp được một xe của công an đậu ở trước nhà của chúng tôi, nên chúng tôi rất lo sợ, không dám đi ra ngoài. Con cái thì đi học một cách lén lút. Người lớn chúng tôi thì trốn trong phòng. Ngày nào cũng như thế. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Công việc làm không có. Cái ăn, cái mặc rất khó.”
Đài RFA ghi nhận một số ít các gia đình người Thượng còn sót lại sau đợt truy bắt ngày 28 tháng 8, mỗi ngày phải thức dậy và ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng để trốn Cảnh sát Thái Lan. Họ vật vạ ngoài đường phố dưới màn đêm, vì những nơi như nhà thờ và chùa chiền giờ đây không thể cho họ chỗ ẩn nấp được nữa. Mục sư Acharn Ponchai, phụ trách một nhà thờ Tin lành ở Bang Yai, xác nhận với RFA:
“Những ngày gần đây có rất nhiều người tị nạn bị bắt trong lúc đang ở nhà thờ. Có một số đơn vị hạ lệnh đóng cửa nhà thờ để bắt họ.”
Bà Grace Bùi đăng tải trên trang Facebook cá nhân về thông tin Cảnh sát Thái Lan tiếp tục bắt giữ người Thượng trong tháng 9. Tuy nhiên, một số trường hợp được thả nhờ vào hiệu trưởng và giáo viên của trường học ở Wat Sao Thong Hin lên tiếng can thiệp, khi Cảnh sát đến trường bắt trẻ em đưa đi cùng phụ huynh về đồn cảnh sát.
Anh Nhiang Sen nói với RFA về tấm lòng của người dân Thái dành cho những người Thượng vô tổ quốc ở đất nước Chùa Vàng:
“Người dân Thái nói chung rất tốt. Tôi mong muốn rằng nếu được có thể thì các tổ chức hoặc thẩm quyền quốc tế làm việc với Chính phủ Thái yêu thương người Thượng tị nạn cũng giống như những người dân Thái.”
Theo số liệu ghi nhận của BPSOS, hiện có 167 người Thượng bị giam giữ ở IDC và 60 trẻ em bị bắt giữ trong đợt bố ráp hồi cuối tháng 8 năm 2018. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế-Amnesty International kêu gọi Chính quyền Thái Lan trả tự do ngay lập tức cho những người Thượng này. Một thỉnh nguyện thư gửi đến Thủ tướng Prayut Chan-o-cha kêu gọi Chính phủ Thái trả tự do cho những người Thượng bị giam giữ trong IDC, đang được lan truyền trên mạng xã hội cần có đủ chữ ký của 1000 người.
Qua các buổi tiếp xúc với các gia đình người Thượng ở Bang Yai để tìm hiểu cuộc sống của họ ra sao sau một tháng Chính quyền Thái Lan bố ráp, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong lúc những người lớn bày tỏ nỗi lo lắng không biết số phận của họ và gia đình sẽ về đâu thì những đứa bé Thượng vô tư cười đùa một cách hồn nhiên, không hề biết có thể sáng sớm mai chúng không bao giờ được gặp lại cha mẹ mình một lần nào nữa.