Ngày Tự Do Báo Chí: Thách thức nghề báo ngày càng tăng

0
456

Các hãng truyền thông công, tư và các hãng tin được chính phủ liên bang tài trợ nói báo chí đang đối mặt với nhiều thách thức, kể cả vấn nạn tin giả. Để đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới, ngày 3/5, Hội đồng Quản trị Phát thanh và Truyền hình Hoa Kỳ (BBG) và Trường Truyền thông và Công vụ thuộc Đại học George Washington tổ chức một diễn đàn về tầm quan trọng của các nhà báo quốc tế Mỹ, bảo vệ tự do báo chí và an toàn cho các nhà báo. Phóng viên VOA Mariama Diallo VOA có thêm chi tiết sau đây.

Các diễn giả thảo luận về tình trạng ‘khát thông tin chính xác’ ngày càng tăng trong công chúng và nỗ lực của một số chính quyền hạn chế việc tiếp cận thông tin.

Ông Michael Oreskes – Phó Giám đốc cấp cao kiêm Tổng Biên tập đài NPR nói:

“Các chính quyền hạn chế thông tin thuộc đủ mọi đẳng cấp, từ các thể chế độc tài cho tới những chế độ mà chúng ta vẫn coi là dân chủ, nơi mà kiểm soát luồng thông tin đã trở thành một công cụ chính của chính phủ. Điều đó làm cho công việc nhà báo trở nên khó khăn và một số trường hợp, nguy hiểm.”

Ông John Lansing, Giám Đốc điều hành Hội đồng Quản trị Phát thanh và Truyền hình Hoa Kỳ (BBG), nói ngày càng có hiện tượng “vũ khí hóa thông tin”.

“Nhìn vào những gì đang xảy ra và những thông tin tung ra từ điện Kremlin, đây không chỉ là việc tung ra chuyện thất thiệt, mà đúng hơn là một chiến lược nhằm thuyết phục là không có gì có thể được coi là một sự thực mang tính thực nghiệm. Những sự thực đó đã bị các chế độ như thế thách thức, đó là điều cũng đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.”

Tuần trước, tổ chức Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) công bố phúc trình về tự do báo chí thế giới năm 2017, xếp hạng Nga thứ 148 trên 180 quốc gia được khảo sát. RSF nói từ năm 2012 cho đến nay, các hãng tin độc lập hàng đầu nước Nga hoặc đã bị chính phủ nắm trọn quyền kiểm soát hoặc bị ngăn chặn.

Thổ Nhĩ Kỳ sụt 4 bậc, xuống hạng 155 trong chỉ số tự do báo chí.

Theo Freedom House – một nhóm cổ vũ cho dân chủ, nói tự do báo chí trên toàn cầu đã sa sút xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua. Một lý do là những mối đe dọa mới đối với các nhà báo và các cơ quan truyền thông ở các nền dân chủ hàng đầu.

Phóng viên Elise Labott của CNN nói:

“Chúng ta không chỉ vấp phải khó khăn trong việc đưa thế giới đến với Hoa Kỳ, mà ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc đưa nước Mỹ đến với thế giới, vì chính môi trường ở đây, ngay ở nước Mỹ. Khó khăn không phải về mặt pháp lý hay về sự hiểm nguy, mà là lòng tôn trọng vẫn dành cho báo chí.”

Tổng thống Donald Trump từng miêu tả truyền thông là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”. Ông tố cáo một số hãng tin Mỹ là loan truyền “tin giả “. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói những luận điệu bài truyền thông của ông Trump khích lệ lãnh đạo các nước khác tăng cường ngược đãi giới truyền thông ở nước họ.

Đáp lại câu hỏi về liệu đài VOA có giữ được tính trung lập để không trở thành tiếng nói của chính quyền Tổng thống Trump? Giám Đốc Hội đồng Quản trị Phát thanh và Truyền hình Hoa Kỳ John Lansing nói mọi người cần hiểu rằng theo Hiến chương VOA, làm như vậy là bất hợp pháp.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here