Nga-Trung : Một liên minh bề nổi ?

    0
    56
    Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 04/07/2017. REUTERS/Sergei Karpukhin
    Liên minh giữa Nga và Trung Quốc dường như vững chắc đến mức có thể kết nạp được hai nước láng giềng thù nghịch Ấn Độ và Pakistan cùng làm thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 09/06/2017. Như vậy, khoảng 40% dân số thế giới nằm trong một tổ chức quốc tế không do phương Tây quản lý.
    RFI

    Liên minh giữa Nga và Trung Quốc dường như vững chắc đến mức có thể kết nạp được hai nước láng giềng thù nghịch Ấn Độ và Pakistan cùng làm thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 09/06/2017. Như vậy, khoảng 40% dân số thế giới nằm trong một tổ chức quốc tế không do phương Tây quản lý.

    Hình ảnh liên minh Nga-Trung mang tính biểu tượng lớn, theo đánh giá trên trang The Conversation (26/06/2017) của giảng viên đại học Cyrille Bret, trường Khoa học Chính trị Sciences-Po nổi tiếng của Pháp.

    Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi : Liên minh này gắn bó đến mức nào ? Liệu liên minh này có bị tan vỡ ở Trung Á ? Vì chính tại khu vực này, nằm trong tầm ảnh hưởng Nga, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn xây dựng một “con đường tơ lụa mới”. Chẳng lẽ liên minh này lại không vấp phải sự bất cân bằng về kinh tế và dân số giữa các nước đối tác? Tác giả bài viết cho rằng đằng sau liên minh bề nổi, xuất hiện nhiều vết rạn nứt.

    Quan điểm chung về đối ngoại

    Sau những lần căng thẳng và xích lại gần nhau trong thời kỳ Sa hoàng và Cộng sản, quan hệ Nga-Trung nhanh chóng được bình thường hóa. Năm 1996, hai nước ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược và năm 2001 cùng ký một hiệp định hữu nghị thể hiện quan điểm chung về đối ngoại : Chặt chẽ trong việc tôn trọng chủ quyền quốc gia, áp dụng đúng từng từ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và mỗi nước có quyền thảo ra mô hình phát triển của riêng mình. Cuối cùng, vào năm 2004, hai nước giải quyết dứt điểm mọi tranh chấp lãnh thổ.

    Sự đồng nhất về chính trị của hai nước được thể hiện rõ trong việc chống lại quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Vì thế, việc Mỹ can thiệp vào Kosovo (1999) và Irak (2003) đồng loạt bị Bắc Kinh và Matxcơva lên án là hành động xâm phạm chủ quyền của những nước đó.

    Đối với Matxcơva và Bắc Kinh, cần phải cảnh cáo mọi ý định can thiệp vào Đài Loan, Bắc Triều Tiên, vùng Kavkaz hay Ukraina. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga có thể thường xuyên dựa vào Trung Quốc vì từ năm 2007, Bắc Kinh đã 7 lần sử dụng quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An và luôn phủ quyết cùng với Nga.

    Tương tự, cả Nga và Trung Quốc khẳng định quan điểm gần giống nhau về vấn đề hạt nhân Iran, cuộc nội chiến ở Syria hay chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo quốc tế. Một hành động được đánh giá mang tính biểu tượng cao cho liên minh hai nước : Vào tháng 05/2014, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina vẫn căng thẳng, tổng thống Nga đến Thượng Hải ; về phần mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Thế Chiến II tại Matxcơva ngày 08/05/2015. Liên minh giữa hai nước cũng tỏ ra vững chắc trên các diễn đàn đa phương.

    Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, mối liên kết an ninh

    Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được thành lập năm 2001, nhằm hình thành một liên minh về an ninh. Nga và Trung Quốc liên kết quanh mình các nước thuộc liên bang Xô Viết cũ ở Trung Á và hiện trở thành các nước chủ chốt của châu Á.

    Các đối tác trong khối muốn cản trở các cuộc cách mạng mầu tại Trung Á ; họ muốn kiềm chế sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, tại Afghanistan và ở Trung Đông với thành công là đóng cửa các căn cứ không quân của Mỹ tại Uzbekistan và Kyrgyzstan, sau thượng đỉnh SCO tại Astana (thủ đô của Kazakhstan) năm 2005.

    Quan hệ hợp tác Nga-Trung được thúc đẩy nhất trong lĩnh vực quân sự. Vào các năm 2005, 2007, 2009, 2010 và mùa hè 2017, Trung Quốc và Nga cùng tiến hành các cuộc tập trận hàng hải và trên bộ có quy mô lớn trong vùng biển Baltic với tên gọi “Sứ mệnh Hoà Bình” dưới sự bảo trợ của SCO.

    Quan hệ hợp tác song phương đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực vũ khí đạn đạo. Sau năm 1989, do liên tiếp bị trừng phạt vì vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc chuyển sang nhập vũ khí của Nga. Vì vậy, trong những năm 1990, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ của 50% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga.

    Năm 2005, sau cuộc tập trận chung “Sứ mệnh Hoà Bình 2005”, Trung Quốc đã đặt mua rất nhiều chiến đấu cơ và máy bay vận tải của Nga. Trong lĩnh vực tên lửa cũng vậy, Trung Quốc thường xuyên đặt mua từ ngành công nghiệp Nga, dù mới đây, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia hàng đầu nhập khẩu vũ khí của Nga.

    Hợp tác kinh tế mới được chú trọng

    Từ lâu, trao đổi kinh tế là điểm yếu trong mối quan hệ Nga-Trung. Nhưng từ đầu những năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nga, với mục tiêu được hai nước đề ra là nâng trao đổi thương mại từ 90 tỉ đô la lên thành 200 tỉ đô la mỗi năm.

    Mặt hàng trao đổi bên phía Nga lại không đa dạng lắm : chỉ riêng dầu khí (hydrocarbon) đã chiếm đến 80% lượng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Nhưng vì vẫn bất đồng về giá bán và thái độ dè chừng từ phía Matxcơva nên việc xây dựng hệ thống ống dẫn khí và ống dẫn dầu bị chậm trễ nghiêm trọng.

    Phải đến năm 2010, Nga mới mở đường ống dẫn dầu đầu tiên sang Trung Quốc và đến năm 2014, dự án đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” mới thành hình. Nhờ đó, Bắc Kinh và Matxcơva đã ký một thoả thuận cung cấp 38 triệu mét khối khí đốt mỗi năm kể từ năm 2018 với tổng trị giá được thẩm định là 400 tỉ đô la và thời hạn hợp đồng kéo dài 30 năm.

    Trong lĩnh vực tài chính, thông qua tổ chức BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Trung Quốc và Nga tìm cách phát triển một hệ thống ngân hàng và tài chính song song với thị trường tài chính của các nước phương Tây. Nhưng trên thực tế, liên minh kinh tế lại khập khiễng vì tình trạng chênh lệch kinh tế giữa các nước đối tác.

    Một liên minh bị hạn chế vì các chủ đề căng thẳng về cơ cấu

    Liệu liên minh Nga-Trung có thể đối chọi được sức mạnh phối hợp của Mỹ và châu Âu không ? Không có gì là chắc chắn vì quan hệ đối tác vấp phải nhiều trở ngại về cơ cấu.

    Quan điểm địa chính trị của hai cường quốc không hẳn liên kết với nhau. Hiện Nga đi theo chiến lược việc đã rồi, với mục đích thay đổi thế cân bằng tại châu Âu và Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại tỏ ra bảo thủ hơn và chú ý đến việc đối xử khéo léo với một Hoa Kỳ hung hăng hơn của Donald Trump.

    Tương tự, về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée, Trung Quốc không nhiệt tình ủng hộ Nga vì điều này tác động xấu đến đường hướng chung của hai nước trong việc bảo vệ nguyên tắc không can thiệp.

    Ngoài ra, Nga cũng nhận thấy Trung Quốc là một đối thủ tại Trung Á, nên viễn cảnh về tương lai của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có thể trái ngược nhau. Mở rộng thẩm quyền của SCO sang cả phạm vi kinh tế là ý muốn của Bắc Kinh, nhất là để tăng thêm ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua dự án con đường tơ lụa mới. Đây lại là điều Matxcơva dè chừng.

    Để giảm bớt trọng lượng của Trung Quốc trong tổ chức, Nga đã ủng hộ hai nước Ấn Độ và Pakistan gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Như vậy, đằng sau sự nhất quán bề ngoài đó còn ẩn giấu những cạnh tranh đáng ngờ.

    Trong lĩnh vực quân sự, Matxcơva không ngần ngại cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho các đối thủ của Trung Quốc trong vùng (Ấn Độ, Việt Nam…). Và Matxcơva cũng ngày càng thận trọng hơn trong việc chuyển giao công nghệ trọng điểm cho Trung Quốc.

    Năm 2004, chính quyền Nga đã ngừng xuất khẩu chiến đấu cơ Sukhoi SU-35 và oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M cho Trung Quốc vì bất đồng trong việc bảo vệ công nghệ đối với máy bay Sukhoi Su-27SK, được Trung Quốc gọi là Thẩm Dương (Shenyang) J-11. Nói tóm lại, Nga sợ các phiên bản sao chép của Trung Quốc.

    Trong lĩnh vực kinh tế, Nga tỏ ra ngập ngừng tham gia vào chính sách “xoay trục của Trung Quốc”. Thực vậy, chính quyền Matxcơva giám sát hạn chế các nguồn đầu tư Trung Quốc vào Nga. Như năm 2002, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Corporation), được cho là sẽ thắng thầu tập đoàn Slavneft của Nga, cuối cùng lại bị chính quyền Nga loại khỏi thương vụ.

    Tóm lại, rất nhiều bất trắc đang đè lên tương lai của liên minh này. Tình đoàn kết giữa Trung Quốc và Nga trước chính quyền của Donald Trump sẽ đi đến đâu ? Trong khi nền kinh tế Nga lại không đa dạng lắm, thì liệu hợp tác kinh tế được định hình bởi dự án “Sức mạnh Siberia” có đạt đến tầm cao như trong hợp tác quân sự và trong các hình ảnh đầy tính tượng trưng trên truyền thông hay không ? Nếu như cơ cấu liên minh Nga-Trung có vẻ vững chắc vẻ bề ngoài, thì lại dễ vỡ khi nhìn từ bên trong.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here