Chuyến đi ngoại giao quốc gia, tất nhiên không có kiểu đi ngang qua, tiện đường ghé thăm. Vậy thì lý do gì làm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam được giữ đến phút chót?
Có vẻ Hà Nội không muốn ồn ào quá mức, dù đưa tay đón Washington nhưng con mắt lại nhìn về Bắc Kinh.
Thú vị là trong chuyến thăm này, ông Pompeo đã gặp thân mật và hội đàm với người đứng đầu Bộ Công an chứ không phải là Bộ Quốc phòng. Sự kiện này có thể trấn an phía Trung Quốc rằng, VN đang ngoại giao cho mục đích trị an trong nước, chứ không phải thúc đẩy cho quan hệ đối tác quân sự.
Quan hệ Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều bất đồng giữa 2 vấn đề cốt lõi: nhân quyền và chủ quyền. Chơi với Mỹ không bị đe dọa chủ quyền nhưng lo ngại nhân quyền. Chơi với Trung Quốc không sợ nhân quyền nhưng lo ngại cho chủ quyền.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với 2 siêu cường trong thời gian qua có thể mô tả bằng hình ảnh “người đi trên dây”. Như một diễn viên xiếc trên sân khấu, chính quyền Hà Nội trên sân khấu chính trị lúc thì nghiêng bên trái, khi thì nghiên bên phải, lúc thì gập người xuống, lúc thì vươn thẳng người đứng dậy, cốt giữ cho thăng bằng, không bị ngã để đi đến đích.
Và Hà Nội ít nhiều đã thành công với chính sách này, lúc thì nghiêng về phía Mỹ để ngăn sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền, khi thì nghiêng về phía Trung Quốc để chống lại sự truyền bá nhân quyền của Mỹ nhằm giữ vững chế độ.
Nhưng kể từ khi bộ đôi Trump-Pompeo lên nắm quyền, nhân quyền không còn là mối quan tâm của chính phủ Mỹ, và rõ ràng không còn là mối đe dọa hay mang lại sự bất an cho chế độ Hà Nội.
Nếu có thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa cho bộ đôi Trump-Pompeo, quan hệ Việt Mỹ đang đứng trước cơ hội lịch sử để trở thành “đồng minh nhân quyền”.
Ảnh: tweet của Pompeo.