RFA
Nhiều tỉnh miền Tây trong ngày 27/7 đã ra thông báo đề nghị người dân hạn chế ra đường từ sau 6 giờ tối để ngừa COVID-19 lây lan.
Cụ thể, tính đến chiều 27/7 đã có năm tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây) đề nghị người dân tuyệt đối không ra đường từ sau sáu giờ tối như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang. Riêng tỉnh Bến Tre và Kiên Giang lệnh hạn chế ra đường được bắt đầu thực hiện từ 28/7.
Thông tin trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam (VN) loan vào ngày 27/7, một ngày sau khi người dân tại thành phố Hồ Chí Minh bị cấm ra đường từ sáu giờ tối đến sáu giờ sáng.
Ngoài ra, theo công văn của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, người dân chỉ được đi chợ trong khung giờ từ 6 giờ đến 10 giờ sáng và 14 giờ đến 17 giờ hàng ngày theo phiếu mua hàng được phát sẵn.
Riêng tại Long An, phiếu mua hàng thiết yếu được phát theo hộ gia đình vào các ngày chẵn-lẽ, chia theo khung giờ đi chợ nhằm giảm thiếu mật độ tiếp xúc giữa người với người.
Tại Kiên Giang, mỗi hộ gia đình chỉ cho phép một người đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu, từ năm đến 10 ngày đi một lần. Lệnh hạn chế ra đường được áp dụng đến hết ngày 1/8.
Hiện nhiều tỉnh miền Tây đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại Long An cho biết tỉnh này đã ghi nhận 3.976 ca nhiễm. Trong khi đó tại Tiền Giang, tính đến ngày 27/7 đã có 2.052 ca nhiễm COVID-19.
Cũng trong ngày 27/7, Chủ tịch TPHCM ông Nguyễn Thanh Phong yêu cầu lực lượng công an, quân sự, chính quyền tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường tuần tra, kiểm soát việc chấp hành qui định phòng chống dịch đồng thời xử lý nghiêm người vi phạm; thậm chí tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Trước đó, trong 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 (từ ngày 9 đến24/7), công an TPHCM đã lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 4.900 trường hợp, tổng số tiền xử phạt hơn 10,4 tỷ đồng.
Tính đến tối 27/7, Bộ Y tế VN cho biết cả nước đã ghi nhận thêm 7.913 ca mắc COVID-19. Như vậy, Việt Nam có tổng 114.260 ca mắc, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 110.487 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.