Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) hứa sẽ ngăn chặn lạm phát, đang lên cao nhất từ gần 40 năm nay, một hậu quả của bệnh dịch Covid-19. Giá sinh hoạt lên cao khi người tiêu thụ nhiều tiền quá sau nhiều đợt trợ cấp của chính phủ, trong khi hàng hóa không cung ứng kịp vì bệnh dịch gây trở ngại. Ông Jerome Powell, chủ tịch Fed, đã tăng lãi suất từ sáu tháng nay và sẽ còn tăng thêm nữa, nhắm đưa tỷ lệ lạm phát từ 8.3% xuống 2% mới an tâm. Lãi suất tăng sẽ khiến kinh tế chậm phát triển, có thể đi xuống suy thoái; nhưng mọi người phải chấp nhận vì lạm phát nguy hiểm hơn nhiều.
Lãi suất tăng khiến đồng Đô la Mỹ lên giá trên thế giới, vì khắp nơi nhiều người muốn mua đô la để cho Mỹ vay. Nước Mỹ vẫn được coi là nơi đầu tư an toàn nhất, vì không lo chính phủ Mỹ phá sản; thị trường tài chánh lại hoạt động mạnh, mua một trái khoán Mỹ muốn bán lúc nào cũng có người sẵn sàng mua. Thị trường Mỹ bây giờ càng đắt khách vì kinh tế các nước khác cũng bị Covid đẩy xuống. Những tiền tệ mạnh nhất, từ đồng euro, đồng bảng Anh, và đồng yen của Nhật Bản đều bị mất giá 15% đến 21% so với mỹ kim. Chính quyền tài chánh các nước từ Ấn Độ, Nhật Bản đến Trung Quốc đã đem mỹ kim dự trữ trong các ngân hàng ra bán, đổi lấy tiền nước mình, để giữ giá tiền tệ ổn định.
Không riêng gì nước Mỹ lâm cảnh lạm phát mà cả thế giới đều bị đe dọa, vì Covid-19 không tha một ai. Khi Mỹ tăng lãi suất thì các nước lớn cũng phải dần dần tăng theo, trừ Nhật Bản còn cầm cự vì mối lo kinh tế suy thoái lớn hơn. Lãi suất cao sẽ khiến kinh tế các nước bị chậm lụt, có thể cùng kéo nhau vào một cuộc suy thoái toàn cầu. Lạm phát ở Âu châu đã lên 9%, cao hơn ở Mỹ, lại đang lo bị khủng hoảng năng lượng vì giá xăng dầu, khí đốt của Nga tăng giá. Kinh tế Trung Quốc tiến chậm vì chống Covid quá trớn, cũng đang bị khủng hoảng địa ốc vì nhiều người ngưng trả tiền mua nhà, các công ty địa ốc liên tiếp phá sản.
Đô la Mỹ tăng giá tác động trên tỷ lệ lạm phát ở các nước khác vì giá hàng nhập cảng tăng lên. Giao dịch thương mại giữa các nước thường thanh toán với nhau bằng đô la, khoảng 88% các vụ mua bán, theo BIS, Ngân hàng Thanh lý Quốc tế, Bank for International Settlements.
Khi một công ty ở Âu châu nhập cảng món hàng trị giá $1 đô la Mỹ, trước đây họ chỉ phải trả, thí dụ, 84 xu euro. Khi giá mỹ kim lên ngang bằng đồng euro, công ty nhập cảng phải trả đủ một euro cho cùng món hàng $1 mỹ kim đó. Hàng hóa nhập cảng vào các nước, vì phải thanh toán bằng đô la Mỹ, đều tăng giá khi tính ra tiền bản xứ.
Trong khi đó, hàng nhập cảng vào nước Mỹ sẽ giảm giá, nhờ đô la Mỹ lên cao. Một món hàng mua từ Nhật Bản, giá ¥100 yen, trước đây phải trả $1 đô la Mỹ; bây giờ khi đồng yen mất giá, người Mỹ chỉ còn phải trả 80 xu thôi. Trong mấy tháng qua, lạm phát ở Mỹ giảm bớt một phần là do giá hàng nhập cảng hạ thấp, nhờ giá trị đồng đô la cao hơn. Nạn lạm phát ở Mỹ đã được xuất cảng qua các nước khác, vì đô la Mỹ lên cao.
Nước Mỹ có thể hưởng lợi nếu giữ giá trị đồng đô la cao mãi như vầy được không? Không chắc, vì các nước nhập cảng hàng từ nước Mỹ, khi trả bằng đô la, sẽ thấy giá quá đắt; so với hàng hóa các nước cạnh tranh với Mỹ. Nếu đô la Mỹ lên giá, trong khi giá đồng euro không thay đổi so với đồng yen, thì người Nhật mua món hàng từ Âu châu sẽ thấy rẻ hơn. Hầu hết các quốc gia đều không muốn đồng tiền của họ tăng giá, gây khó khăn cho hàng xuất cảng.
Nhưng lý do quan trọng hơn khiến Mỹ không thể giữ giá đô la lên cao mãi là vì ảnh hưởng trên kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đi vay nợ ở nước ngoài bị khốn khổ nhất. Họ thường vay và trả nợ bằng mỹ kim. Họ vay đô la trước đây, bây giờ muốn trả tiền lãi và vốn sẽ sẽ phải mua đô la với giá đắt hơn. Thí dụ, vay $100 vào năm 2019, tương đương với 1,000 đồng tiền nước họ, nay muốn trả lại $100 đô la phải mua bằng 1,200 đồng bản xứ. Ai làm ăn cách nào để được lời 20% trong ba năm như vậy?
Đồng đô la lên giá khiến nhiều người muốn đầu tư bằng đô la hơn; thí dụ được trả lãi suất 3% một năm nhưng còn được lời thêm vì đồng đô la tăng giá. Trong năm nay đô la tăng giá 18% thì người mua đô la để đầu tư cũng được lợi thêm 18%! Nhiều quốc gia sẽ phải ngăn chặn không cho đồng tiền nước mình mất giá, họ sẽ ra lệnh kiểm soát các dòng vốn đầu tư. Khi tiền tệ bị kiểm soát, không tự do lưu hành, thì kinh tế mỗi quốc gia và cả thế giới bị trì trệ. Kinh tế trì trệ có thể gây bất ổn về chính trị trong nhiều nước, và dễ khiến các nước xung đột với nhau hơn, ảnh hưởng tai hại càng tăng lên.
Khi kinh tế cả thế giới đi xuống, kinh tế Mỹ cũng sẽ bị thiệt hại. Cho nên đồng đô la lên giá không có lợi lâu dài cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, đối với Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, ưu tiên số một bây giờ vẫn là ngăn chặn lạm phát; lạm phát nguy hiểm hơn kinh tế suy thoái. Cho nên ông Jerome Powell sẽ còn tăng lãi suất ở Mỹ. Lãi suất cao thì còn thu hút tiền đầu tư bên ngoài đổ vào, khiến đồng mỹ kim tiếp tục giữ giá cao. Ông Powell cho biết sẽ tăng lãi suất đến khi nào thấy dấu hiệu áp lực lạm phát giảm bớt rõ ràng. Có lẽ phải chờ đến sau năm 2023 mới thấy những dấu hiệu đó!
Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?
Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.
Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.
Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.