RFI
Trong ba ngày cuối tuần từ ngày 04 đến 06/08/2017, Manila là điểm hẹn thường niên của Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN gọi tắt là ARF, với sự tham dự của ngoại trưởng 26 nước và Liên Hiệp Châu Âu. Trong số ba hồ sơ nóng, Bắc Triều Tiên sẽ làm mờ nhạt phần nào Biển Đông và khủng bố Hồi Giáo.
Theo AFP, tại Manila, Bắc Triều Tiên sẽ đụng phải một làn sóng chỉ trích. Trong số 27 phái đoàn tham gia ARF, có những nước chủ chốt trong cuộc xung khắc này gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Philippines, nước chủ nhà, đã bắn phát pháo đầu tiên. Với lời lẽ gây sốc quen thuộc, ông Rodrigo Duterte gọi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là một « thằng khùng bệnh hoạn » muốn biến « Viễn Đông thành sa mạc ».
Cho dù ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố không xem Bình Nhưỡng là kẻ thù nhưng Washington sẽ huy động diễn đàn ASEAN đồng loạt lên án chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Mục tiêu của Mỹ là thuyết phục ARF lên án thái độ « khiêu khích » của Bắc Triều Tiên. Theo AP, một trong những cách trả đũa ngoại giao đầu tiên là cô lập Bình Nhưỡng, không cho tham gia ARF.
Các nước ASEAN cũng gặp riêng vào thứ Sáu và thứ Bảy để thảo luận một hồ sơ nóng bỏng khác : đó là Biển Đông, nơi mà Trung Quốc xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, củng cố các đảo tự nhiên thành căn cứ quân sự và quận huyện, giành chủ quyền đến sát vùng duyên hải của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Cho dù ASEAN đồng ý « sẽ » đàm phán với Bắc Kinh một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, cho dù Philippines của tổng thống Duterte và Trung Quốc xem đây là « tiến bộ vượt bực », nhưng giới phân tích độc lập rất hoài nghi.
Chuyên gia Ei Sun Oh, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế S.Rajaratnam ở Singapore cho rằng : Một bộ quy tắc ứng xử chỉ có giá trị nếu được tôn trọng, trong khi chưa biết bao giờ thì mới được bắt đầu áp dụng.
Theo Reuters, ASEAN sẽ chọn thái độ dịu giọng với Trung Quốc không lên án Trung Quốc trong bản dự thảo thông cáo chung.
Diễn đàn an ninh ARF khai mạc trong bối cảnh Marawi, một thành phố lớn ở miền nam Philippines vẫn bị thánh chiến chiếm từ hơn hai tháng nay.