Một suy nghĩ về văn hóa Đông Sơn

0
123

Nguyen Leanh

(chưa chắc đã đúng bà con nhé).

Triển lãm văn hóa Đông Sơn đang diễn ra ở bảo tàng Lịch Sử. Ở đây có cây đèn với chân đế là voi trơn không hoa văn và có người gắn lên. 

Văn hóa Đông Sơn không được các nhà khảo cổ định nghĩa rõ ràng. Đa phần là hiểu đồ đồng có niên đại từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên cho tới khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên. Văn hóa được hiểu là dấu ấn từ hoạt động sinh sống của một xã hội. Lẽ dĩ nhiên nó có đặc tính niên đại. Tuy nhiên không phải mọi đồng niên đại thì được coi là cùng phạm trù văn hóa. Có thể đến một lúc nào đấy giới khảo cổ và lịch sử nên có một thống nhất về định nghĩa văn hóa Đông Sơn.

Trong luận thuyết của chúng ta về nguồn gốc hình thành dân tộc Kinh, thì dân tộc Kinh xưa có nguồn gốc từ biển và khi nước biển dâng đã lùi sâu vào vùng đất như hiện nay. Trước Công Nguyên đồng được coi là tiền, tức tiền bản vị đồng. Khoảng 3000 năm về trước nhiều dòng dân di cư từ Vân Nam cũng như từ đông Ấn đã tới khu vực Sepon – Thanh Nghệ để khai thác đồng lộ thiên. Khu vực đồng bằng sông Cả và sông Mã là nơi có kinh tế phát triển và công nghiệp luyện kim đồng từ rất sớm. Văn hóa Đông Sơn được hiểu hình thái xã hội được hình thành ở khu vực này. Chúng ta tạm gọi là vương quốc Đông Sơn, bởi nó được chính sử nhà Chu gọi là vương quốc Việt Thuờng Thị. 

Đồ đồng Đông Sơn được tìm thấy ở vùng Đông Sơn ven bờ sông Mã gần đền Đồng Cổ thuộc Thanh Hóa, có đặc trưng là được đúc tinh xảo với công nghệ đúc rất cao. Các bạn có thể nhận thấy trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ và rất nhiều trống khác có hoa văn nói về cuộc sống của người dân. Trong số các hoa văn đó có nhiều hoa văn đặc trưng không thể tìm thấy ở bất kỳ khu vực đúc trống khác trên toàn thế giới.

Vào khoảng 3000 năm về trước, từ dãy Ngũ Lĩnh trở xuống chỉ có 3 mỏ đồng tiền sử là Phu Luong, Khau Vong Prachan (gần Bangkok), và Sepon, cho nên phạm vi ảnh hưởng của đồng khai thác được ở vương quốc Đông Sơn rất lớn. 

Vào năm 42, Mã Viện mang 20 nghìn quân và 2 nghìn thuyền chiến sang đánh nhau với Bà Trưng. Căn cứ theo cổ sử Hậu Hán Thư thì sau khi đánh bại Bà Trưng, Mã Viện vẫn mang 20 nghìn quân và 2 nghìn thuyền chiến vào khu vực sông Lèn và sông Mã đánh nhau với Đô Dương. Mã Viện về nước với số quân chưa tới một nửa. Như vậy Mã Viện đã bị mất hơn 10 nghìn quân khi đánh vào khu vực Thanh Hóa và không bị mất quân khi đánh nhau với Bà Trưng. Mã Viện đã cho đưa hơn 300 cừ xúy, tức nghệ nhân luyện kim đồng từ vùng mà nay là đền Đồng Cổ, về Linh Lang. Như vậy Mã Viện không chỉ tịch thu mọi đồ đồng, bao gồm cả trống đồng, mà còn tận diệt nghề luyện kim đồng. Điều này cho thấy khu vực Sepon -Thanh Nghệ xưa là trung tâm công nghiệp luyện kim lớn.

Điền là vương quốc ở vùng hồ Điền Trì gần Côn Minh, phía thượng nguồn sông Thao. Điền lần đầu tiên được đề cập tới trong bộ Sử ký của Tư Mã Thiên. Vương quốc Điền bị nhà Hán chinh phục và sáp nhập dưới thời Hán Vũ Đế vào năm 109 TCN để lập ra Ích Châu. Căn cứ theo Hoàng ý lục trong Điền quốc sử thì Điền quốc bị diệt vong hoàn toàn vào năm 115.

Người Điền chôn người chết thẳng đứng. Ở Bắc Việt Nam chưa thấy có mộ cổ 2000 năm tuổi chôn đứng nên chúng ta cũng chưa thể nói tới có sự di cư ồ ạt của người Điền tới khu vực. Tuy nhiên có thể có sự giao thương và giao lưu về văn hóa giữa người Kinh và người Điền.  

Ngày nay, đồ đồng Đông Sơn còn tìm thấy ở nhiều nơi Bắc Việt Nam. Chúng ta có thể nhận ra có sự giao thoa văn hóa giữa đồ Đông Sơn với văn hóa Điền. Đặc trưng của đồ đồng Đông Sơn là có hoa văn đẹp. Đồ đồng của Điền thường không có hoa văn. Đồ đồng Đông Sơn có hướng di chuyển của các con thú trên mặt trống ngược với đồ đồng được tìm thấy ở Điền. Ở khu vực biên giới có sự giao thoa văn hóa thì chúng ta có thể nhận thấy trên bề mặt trống có cùng lúc hai chuyển động. 

Trên đồ đồng Điền có các con thú được gắn vào vật chủ. Có thể đây là đặc điểm để phân định văn hóa đồ đồng Điền với Đông Sơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here