Một cuốn cẩm nang nhỏ về làm báo phi lợi nhuận

0
6
Quyển sách "Elements of nonprofit news management". Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

Ở nước ta, từng có thời làm báo chẳng liên quan chi tới hai chữ “lợi nhuận”. Ấy là thời bao cấp. Thế hệ từ thời kỳ Đổi mới năm 1986 trở đi hiển nhiên không trải nghiệm gì, nhưng những ai từng sống ở miền Bắc từ năm 1954 và ở miền Nam từ năm 1975 thì biết rõ. Đó là thời nền kinh tế thị trường và các yếu tố kinh tế tư nhân gần như hoàn toàn bị triệt tiêu, và lợi nhuận trở thành một thứ hủ hóa đáng ghê tởm.

Báo chí khi đó chỉ có một mục đích duy nhất: phụng sự đảng bằng tiền ngân sách (bạn tự biết đảng nào và ngân sách của ai). Báo chí được sinh ra để làm con ở, làm thằng hầu, làm cửu vạn thông tin, không phải để kiếm tiền.

Thế rồi Đổi Mới tới, khôi phục lại những gì xưa cũ: tự doanh, kinh tế thị trường, và lợi nhuận.

Những tờ báo vốn dĩ là cơ quan nhà nước, là tổ chức chính trị – xã hội do nhà nước nắm đầu, nay cũng bung ra làm ăn, kiếm tiền, kiếm lợi. Họ chạy quảng cáo, họ chạy sự kiện, họ chạy “bài PR” (mà không nói rõ cho độc giả biết đó là bài khách hàng đặt). Nay họ còn thu phí đọc báo điện tử. Nền báo chí như một rừng hoa mới nở, hối hả đi theo tiếng gọi mới đầy cám dỗ mang tên “Bác Hồ”. Họ đã được/bị thương mại hóa cao độ, và đã tư nhân hóa đến mức giờ đây đảng phải ra sức chống tư nhân hóa báo chí.

Ở bên ngoài Việt Nam, có những người cũng đang ra sức chống lại thứ báo chí vụ lợi, nhắm mắt kiếm tiền mà họ đang vướng vào. Hiển nhiên câu chuyện của họ khác hẳn với nước ta. Họ không cấm báo chí tư nhân, không cấm thứ báo chí vì lợi nhuận. Họ chỉ nhận ra rằng bên cạnh những báo, đài tư nhân có phẩm giá và chất lượng, họ cũng có những báo, đài sẵn sàng hy sinh đạo đức nghề nghiệp và chất lượng thông tin để kiếm tiền. [1]

Thị trường có điểm yếu khi nó không kiểm soát được dục vọng kiếm lời.

Vậy là xuất hiện thêm một tác nhân mới trong nền báo chí: báo, đài phi lợi nhuận. [2]

Báo chí phi lợi nhuận được cho là giải quyết được hai vấn đề lớn kể trên. Một mặt, nó thoát khỏi các định chế chính trị, không làm tay sai cho đảng cầm quyền. Mặt khác, nó cũng thoát khỏi các định chế thị trường (tức là các cổ đông, các nhà tài phiệt, các tập đoàn lớn) vốn luôn muốn dùng báo chí cho mục đích kiếm lời của mình.

Và như vậy, nó (báo chí phi lợi nhuận) được thiết kế để đứng độc lập với các định chế chính trị lẫn thị trường, không hoặc ít chịu áp lực từ các thế lực này.

Toàn bộ khái niệm về báo chí phi lợi nhuận xoay quanh niềm tin rằng báo chí nên là dịch vụ công ích và nên được đối xử như điện, đường, trường, trạm. [3]

Làm thế nào để hiểu cách lập ra và vận hành một tờ báo phi lợi nhuận?

Một trong những cách tốt nhất là đọc sách của một trong những người giỏi chuyện này nhất: Richard J. Tofel, người có hơn 10 năm làm tổng quản cho một trong những tổ chức báo chí phi lợi nhuận có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ, ProPublica.

Nếu bạn chưa nghe tới ProPublica bao giờ thì nay bạn có thể biết là họ chuyên về báo chí điều tra và từng vạch trần hàng loạt vụ tham nhũng ở Mỹ. [4]

Và cuốn sách “Elements of nonprofit news management” của Richard Tofel có thể coi là một cuốn sổ tay gọn gàng – chưa tới 100 trang – cho những ai muốn theo đuổi mô hình báo chí phi lợi nhuận. Bạn có thể tải miễn phí tại đây hoặc mua tại đây.

Dĩ nhiên, đây là sổ tay viết cho người Mỹ. Hoàn cảnh của nước ta khác nhiều. Nhưng chắc chắn những nguyên tắc và cách thức lập ra, vận hành, gây quỹ được nêu ra trong cuốn sách này đều là những giá trị tương đối phổ biến trên thế giới.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here