Đỗ Ngà
Chuyện ký kết hiệp ước dẫn độ giữa 2 nước đã có từ xa xưa. Việc trao trả tội phạm cho nhau như thế nào nó phụ thuộc vào các điều khoản trong hiệp ước quy định. Hiện nay Việt Nam chưa ký Hiệp Ước Dẫn Độ với Trung Quốc mặc dù đã đưa vấn đề này ra bàn từ năm 2017. Trước đó, ngày 19/10/1988, 2 nước đã ký Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề Dân sự và Hình sự và có hiệu lực ngày 25/12/1999. Như vậy những tội phạm của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam căn cứ trên hiệp định này.
Hiệp định dẫn độ nói cho cùng, nó là một bản cam kết giữa 2 bên về việc trao trả tội phạm bỏ trốn. Nói cho dễ hiểu thì tội phạm đó phạm tội tại Trung Quốc và trốn chạy sang Việt Nam thì Việt Nam mới trao trả họ về cho Trung Quốc, chứ nếu kẻ đó phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bị trừng phạt bởi luật pháp Việt Nam chứ tại sao Việt Nam lại trao trả về cho Trung Quốc? Thông thường, để trao trả tội phạm chạy trốn thì phía trao trả cần phải tổ chức một phiên tòa xét xử kẻ trốn chạy này, rằng kẻ này có đáng để trao trả theo hiệp định hay không. Nếu tội của kẻ trốn chạy, nằm ngoài quy định của Hiệp định Dẫn độ thì phía được yêu cầu dẫn độ có quyền từ chối. Phiên tòa như thế là cần thiết vì nó thể hiện quyền lực của nhà nước đó với bất cứ ai đang có mặt trên lãnh thổ nước mình.
Thế nào là chủ quyền quốc gia? Chủ quyền quốc gia là quyền lực nhà nước trên những gì thuộc về bên trong lãnh thổ nước họ. Mất chủ quyền 2 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất là nhà nước đó đã mất một phần hay mất toàn bộ phần lãnh thổ về tay nước khác. Ví dụ như 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng sa là mất chủ quyền theo trường hợp này. Dạng mất chủ quyền này ai cũng nhận ra.
Trường hợp thứ 2 là nhà nước đó bị khống chế quyền lực ngay trên lãnh thổ mà lẽ mình quản lý. Tức một nhà nước trên danh nghĩa là quản lý đất nước mình nhưng lại bị kiểm soát bởi một nhà nước khác. Lấy ví dụ như, người Trung Quốc phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì lẽ ra kẻ này phải chịu sự trừng phạt của pháp luật Việt Nam. Thế nhưng, thực tế thì không phải vậy, hầu hết Trung quốc phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì nhà nước CSVN không thể dùng luật của mình trừng trị họ, mà lại phải trao trả về cho Trung Quốc vô điều kiện. Đây cũng là một dạng nhà nước bị mất chủ quyền. Dạng này ít người nhận ra.
Mới đây là 380 người Trung Quốc đánh bạc trên lãnh thổ Việt Nam lẽ ra phải được xét xử theo luật pháp Việt Nam. Nhưng không! Những kẻ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì có thể vô hiệu được luật pháp Việt Nam chỉ vì họ là người Trung Quốc. Quy định trao trả vô điều kiện như thế này không hề có trong điều khoản nào của Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề Dân sự và Hình sự mà 2 bên đã ký năm 1998. Hay việc trục xuất 3 thanh niên giết tài xế taxi về bên Trung Quốc cũng là trường hợp tương tự. Chính quyền CS đã để mất chủ quyền trên lãnh thổ Việt Nam theo cách như vậy.
Khi người Trung Quốc sang Việt Nam có thể gây tội ác mà luật pháp Việt Nam không có quyền trừng trị, thì giả sử nếu ĐCS Trung Quốc có dự tính thả người Trung Quốc sang Việt Nam gây tội ác có chủ ý nhằm mục đích phá hoại sự bình yên của nhân dân Việt Nam thì nhà nước Việt Nam cũng chấp nhận à? Với sự trao trả vô điều kiện những tội phạm Trung Quốc như thế này đã cho thấy, ĐCS đang nguyện làm một chính quyền thái thú chịu sự sai bảo của Bắc Kinh. Những lệnh nào đấy không có quy định trong hiệp định công khai nhưng lại được nhà nước CSVN thi hành răm rắp thì đó không phải chính quyền thái thú là gì?
Ở đây chúng ta thấy rất rõ rằng, chính quyền CSVN thà trừng trị công dân Việt Nam vô tội chứ không thể trừng trị công dân Trung Quốc gây tội ác trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là thực trạng rất đau mà nhân dân Việt Nam đã và đang gánh chịu. Còn ĐCS thì công dân Việt Nam là công dân hạng 2 sau công dân Trung quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
– Đỗ Ngà –
Tham khảo: