31/03/2022 – 16:40
Với tuyên bố tối qua của bộ Quốc Phòng Nga – ngưng bắn và mở ra một hành lang tại Mariupol kể từ hôm nay 31/03/2022 – Hồng Thập tự Quốc tế cho biết sẵn sàng đảm trách việc di tản cho thường dân bị vây hãm lâu nay, với điều kiện an ninh được bảo đảm. Phó thủ tướng Ukraina, Iryna Verechtchouk thông báo đã chuẩn bị 45 xe buýt, trong đó 17 chiếc đã lên đường từ Zaporojie, cách thành phố tử đạo 220 kilomet.
Một phụ nữ đứng cạnh một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố cảng phía nam Marioupol, Ukraina ngày 30/03/2022. REUTERS – ALEXANDER ERMOCHENKO
Hồi kết cho địa ngục trần gian Mariupol chăng ? Thành phố này từ nhiều tuần qua đã gần như bị biến thành bình địa, dưới những trận bom, những loạt hỏa tiễn không ngơi nghỉ nhằm buộc Mariupol phải đầu hàng.
Vây hãm thành phố như thời Trung Cổ
Trước đó, Dmytro, một cư dân thành phố mà Financial Times liên lạc được qua điện thoại sau khi chạy sang Zaporojie, kể lại việc những người sống sót sau mưa bom tuyệt vọng tìm kiếm cái ăn. Hôm 20/03, anh ra ngôi chợ trung tâm đã bị pháo của Nga san bằng. « Tất cả đều đang bốc khói, xác chết nằm rải rác khắp nơi, tôi vẫn đi nhặt nơi này một bắp cải, nơi kia một củ cà rốt để gia đình sống được thêm một, hai ngày. Rốt cuộc người ta trở thành vô cảm ».
Các nhân chứng mô tả những khung cảnh tận thế, chẳng hạn những con chó hoang sống bằng xác các nạn nhân bị trúng bom trên đường phố. Những người thiệt mạng thường được chôn trong hố tập thể hoặc trong vườn nhà – quá nguy hiểm nếu làm đám tang.
Cứ như thời Trung Cổ, việc vây hãm Mariupol khiến người dân không còn thức ăn nước uống. Cũng không còn khí đốt, họ phải đốt đồ đạc bằng gỗ ngoài trời để nấu chín những thứ tìm thấy. Mykola Ossitchenko, giám đốc Mariupol TV kể, người dân phải đi thu nhặt tuyết rồi làm tan, hay đến những dòng suối trong các công viên xung quanh lấy nước về uống. « Nhưng phải xếp hàng ở các con suối, và chúng tôi trở thành mục tiêu lý tưởng của hỏa tiễn Nga ». Và rồi sau đó nước suối cũng không còn uống được vì xác chết làm ô nhiễm.
Những hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy những tòa nhà trở thành lò lửa sau khi hỏa tiễn bắn trúng, những cột khói đen trên bầu trời, một hố sâu có đường kính đến 10 mét sau khi bom rơi xuống một bệnh viện nhi ở Mariupol…Svetlana Shtenda, chạy thoát được cùng chồng con, nói với Le Monde : « Giờ đây Mariupol là địa ngục ngoài trời. Có những khu phố hoàn toàn bị san bằng, trường học, bệnh viện bị phá hủy, không một tòa nhà nào trong thành phố còn nguyên vẹn. Những phát súng, những đợt oanh kích đến từ mọi hướng ».
Bom rơi trúng nhà hát có trên 1.000 người trú ẩn
Chính quyền đã lên tiếng báo động khi các oanh tạc cơ Nga hôm 16/03 thả bom vào nhà hát lớn của thành phố, nơi cả ngàn phụ nữ, trẻ em vào trú ẩn. Không ai có thể biết được số nạn nhân chết và bị thương tại đây. Thị trưởng Mariupol tố cáo một « thảm kịch khủng khiếp », cho rằng ít nhất 300 người dân đã thiệt mạng tại nhà hát. Nếu con số này được xác nhận, sẽ là vụ thảm sát thường dân kinh khủng nhất kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga ngày 24/02.
Le Monde ngày 17/03 cho biết, một video quay ngay sau vụ đánh bom cho thấy những người sống sót, bụi phủ khắp toàn thân, chạy xuống từ những tầng trên. Nhiều cư dân xác nhận khung cảnh đúng là nhà hát lớn. Trong một video thứ hai, là những đống gạch vụn còn sót lại ở trung tâm nơi từng là nhà hát. Hai video này được đăng trên kênh Telegram « Truha ».
Tổng biên tập trang web độc lập 0629.com.ua, bà Anna Romanenko cho đăng lời kể của một phụ nữ sống sót, đã chạy được khỏi Mariupol. Nadia cùng với bốn người thân trong gia đình đã đến trú tại nhà hát từ ngày 08/03, sau khi tòa nhà nơi họ cư ngụ bị pháo bắn trúng. Tầng hầm nhà hát này là một trong những hầm tránh bom thực sự.
Nadia thuật lại : « Có rất nhiều người ở đó. Chúng tôi tạm trú ở tầng ba, bên cánh trái. Các hành lang đầy nghẹt người. Dưới tầng hầm, người ta ken chật như cá mòi, không còn có chỗ nào đặt chân. Chúng tôi phải đứng, chẳng có nơi nào để nằm. Trời rất lạnh ». Hôm sau, cùng với những người tình nguyện khác, cô bắt đầu dùng ván ép và gỗ bịt lại những cửa sổ để tránh kính vỡ làm bị thương.
Cuộc sống tại nhà hát vẫn tiếp diễn nhờ hoạt động thiện nguyện. Một nhà bếp dã chiến được lập ra gần cổng sau, mỗi ngày những người tình nguyện chuẩn bị thức ăn. Nadia nói : « Bữa sáng, chúng tôi có nước nóng. Ai còn trà túi lọc thì uống trà, ai không có chỉ uống nước suông. Bữa trưa, có món ra-gu, còn bữa tối lại là nước nóng, và thỉnh thoảng có bánh biscuit, đặc biệt dành cho trẻ em ».
Hai ngày trước trận bom, người ta đã thử đếm số người có mặt trong nhà hát. « Họ nói với chúng tôi là có 1.200 người. Nhưng chúng tôi tin rằng số người thực tế nhiều hơn, chẳng hạn sau đó có những phụ nữ mang thai chạy đến từ một nhà hộ sinh bị đánh bom ». Nadia không rõ là bao nhiêu người, nhưng cô trông thấy ba phụ nữ và các em bé. « Những phụ nữ sắp sinh được bố trí tại khu chứa trang phục vì ở đó ấm hơn. Tội nghiệp cho họ ! »
Vụ thảm sát thường dân khủng khiếp nhất kể từ đầu cuộc xâm lăng
Một ngày trước thảm kịch, Nadia và người thân từ tầng ba dời xuống tầng hầm, vì họ làm thân được với một gia đình đã nhường lại chỗ để rời Mariupol. Vụ nổ xảy ra sáng hôm sau, vào lúc 9 giờ 45. Quả bom rơi xuống mặt sau nhà hát, xiên từ cánh phải sang phía sau tòa nhà. « Những ai ở mặt trước và tầng hầm thì sống sót. Hầm nhà hát được xây dựng từ thời Liên Xô để chống bom. Nhưng những người ở mặt sau và cánh phải đều chết hết. Khu trang phục, nơi các bà bầu đang ở, thuộc về cánh phải. Tất cả đều thiệt mạng ».
Có bao nhiêu người đã chết trong trận bom ? Nadia không thể biết được. « Đó là buổi sáng, người ta đi lãnh nước nóng. Có khoảng 100 người đang xếp hàng, và quả bom rơi trúng ngay họ ».
Nadia và gia đình thoát được khỏi nhà hát, cùng với những người ở tầng hầm vì lối ra không bị lấp. « Nhưng những gì trông thấy xung quanh chúng tôi, là máu và sự hỗn loạn. Mọi người đều hoảng loạn, và tôi cũng vậy. Bên cạnh tôi, một cậu trai tóc quăn, nằm lăn ra co giựt. Cha của cậu bé trong nhà bếp, và nơi đó tất cả đều chết. Tôi nắm lấy ngực cậu lay mạnh và gào lên : “Ba em chết rồi, thế nên em phải sống. Em buộc phải sống cho ông ấy, nghe chưa !” »
Nhìn thấy một cô gái đang băng bó cho những người bị thương, Nadia cũng làm theo. Không có thuốc sát trùng, không đủ băng, những người tình nguyện xé mọi thứ gần đó để băng tạm. Nadia đã băng bó cho tám người, nhưng hoàn toàn không thể nhớ được họ. « Tôi là một phụ nữ có cá tính mạnh, nhưng đầu óc tôi giờ đây trống rỗng ».
Những vụ oanh tạc không ngơi nghỉ và việc Mariupol bị vây hãm hoàn toàn trong thời gian dài, khiến khó thể xác định được số nạn nhân. Người ta ước tính khoảng 5.000 người dân thành phố đã thiệt mạng. Và trong thảm kịch tại nhà hát lớn, có bao nhiêu dân lành đã chết oan ? Có thể sẽ chẳng bao giờ biết được !