“Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, là một trong những câu nói của Khổng Tử, một nhà hiền triết thời Xuân Thu, Trung Hoa. Ông là người sáng lập ra Nho Giáo, đề cao tư tưởng “ĐỨC TRỊ”. Nho giáo đã có sự hưng thịnh suốt hơn hai nghìn năm và có ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia Đông á kế cận. Sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, Phật – Lão – Nho cùng ở thế chân vạc, vô cùng hưng thịnh ở đây, thời gian sau, Phật giáo lấn át Nho giáo và Đạo giáo, sau đó Phật giáo lại trải qua thời kỳ suy rồi hưng qua các triều đại trị vì cho đến nay. Nhìn chung, Lão giáo – Nho giáo – Phật giáo là 3 tôn giáo hình thành nên văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa thời kỳ cổ đại cho đến ngày nay.
Trở lại với câu nói “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử, câu nói này được ông răn dạy dân chúng và tầng lớp quý tộc, lấy tu thân làm gốc, từ đó làm nền tảng quản trị gia đình, tiến đến quản trị quốc gia và làm cho thiên hạ thái bình. Câu răn dạy hoàn toàn đúng trong ngữ cảnh, hoàn cảnh đất nước và chế độ trị vì dân chúng thời của ông. Ý nghĩa thứ hai của việc răn dạy này là phân công trách nhiệm của mỗi người trong gia đình và xã hội, phụ nữ nghiêng về chăm lo gia đình, đàn ông lo việc trọng đại quốc gia, nó cũng phù hợp với tư tưởng của dân chúng thời đó.
Vậy nên, khi chúng ta mạn đàm về các triết lý của người xưa, chúng ta phải xem xét nó còn phù hợp trong thời đại chúng ta đang sống hay không? Mỗi thời đại sẽ có sự thay đổi, vì vậy, tư tưởng phải thay đổi theo là điều tất yếu. Các nhà hiền triết, khi họ đưa tư tưởng của họ để giáo hóa con người, mục tiêu của họ cũng chỉ giáo hóa dân chúng trong thời đại của họ. Ngay thời điểm đó, tư tưởng họ là ưu việt cho người dân. Người có tầm nhìn xa rộng, thì may mắn hơn, tư tưởng họ sẽ được hữu dụng cho thời gian dài hơn, nhưng không phải là sẽ phù hợp cho tất cả các thời đại hoặc cho tất cả các quốc gia.
Vậy nên, việc người hậu thế áp đặt tư tưởng của họ lên thời đại mình đang sống, thấy không còn phù hợp nữa thì chửi bới họ, vậy là chúng ta sai chứ đâu phải họ sai. Chúng ta phải công bằng trong sự nhận thức này.
Do chúng ta cứ áp đặt tư tưởng bản thân lên tư tưởng của họ khi đã cách xa hàng nghìn năm, sự cách biệt toàn diện từ tinh thần cho đến vật chất trong khi chính bản thân họ không tưởng tượng được sẽ xảy ra như vậy. Đây là lỗi của những người hậu thế, vì chúng ta lười, chúng ta không muốn nhìn nhận thế giới vận hành thế nào, cứ muốn bới tìm triết lý của người xưa, ôm ấp nó, đưa nó vào cuộc sống của chúng ta mà không tự mình đưa ra triết lý cho thời đại của mình đang sống. Rồi khi thấy triết lý của họ không còn phù hợp thì chê bai, thất vọng. Chúng ta đã quá bất công với người cổ đại, đúng không?
Ở đây, người viết không nói riêng cho Khổng Tử, mà cho tất cả các nhà hiền triết từ Đông sang Tây, cho cả triết lý trong tôn giáo. Bởi vì chúng ta, thứ nhất, thần thánh hóa họ, người viết gọi họ là những nhà hiền triết, chứ không gọi là Thánh Nhân, khi chúng ta thần thánh hóa họ, rồi thấy tư tưởng họ không đem lại sự hữu dụng ở thời đại này thì chúng ta thất vọng. Thứ hai, chúng ta mặc nhiên cho rằng, triết lý của họ trường tồn với thời gian, bởi vì những lời thánh nhân nói ra thì làm sao sai được. Đây là hai đặc tính mà con người thường vướng mắc và thấy bế tắc.
Đấy, chúng ta đã sáng suốt, đã công bằng với tiền nhân chưa? Họ đáng được chúng ta tôn trọng vì những đóng góp trong thời đại của họ, thay vì tôn trọng thì đa phần lại tôn sùng, khi hết tôn sùng thì lại sỉ vả, chúng ta bị nhập nhằng quá lâu rồi. Những nhà hiền triết, họ đã sống và cống hiến trong thời đại của họ, chúng ta không đòi hỏi họ phải cống hiến cả thời đại chúng ta bằng những triết lý của họ, làm gì có chuyện như vậy. Có chăng là chắt lọc những tinh hoa còn phù hợp và mạnh mẽ bỏ đi cái không còn phù hợp nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng họ. Chúng ta phải cống hiến cho chính chúng ta, thời đại nào thì tư tưởng đó. Con người có nhận thức, chính sự nhận thức này giúp chúng ta tồn tại và phát triển qua thời gian. Chúng ta phải tìm cho chúng ta triết lý sống như những nhà hiền triết đã làm cho thời đại của họ. Đó là nhiệm vụ!
ĐỪNG BẤU VÍU VÀ THẤT VỌNG VỚI QUÁ KHỨ, THAY VÀO ĐÓ, HÃY THẮP ĐUỐC LÊN MÀ TÌM CHÂN LÝ SỐNG.
Và chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta đề ra được triết lý, nó cũng sẽ hữu dụng trong thời đại này, các thời đại sau, hậu thế chúng ta sẽ tìm ra triết lý sống phù hợp với thời đại của họ. Thời gian, lịch sử sẽ tương tục và linh động như vậy.
HUỲNH THỊ TỐ NGA
Nov 3, 2023