Luật sư Trần Đình Triển hôm 12/12 đã bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng truy tố về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’, truyền thông trong nước cho biết.
Ông Triển bị truy tố 6 tháng sau ngày ông bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc.
Tội danh mà ông Triển bị truy tố nằm trong khoản 2, điều 331, Bộ Luật Hình sự, tờ Công an nhân dân cho biết, với mức án tối đa lên tới 7 năm tù cho hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Cáo trạng được tờ Công an nhân dân dẫn lại 3 bài viết mà luật sư này đăng trên trang Facebook ‘Trần Đình Triển’ hồi tháng 4 và tháng 5 năm nay mà trong đó ông đã chỉ trích ngành Tòa án Việt Nam nói chung và lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao nói riêng là cơ sở để truy tố ông.
Viện kiểm sát cho rằng các bài đăng trên Facebook này của ông Triển đã ‘gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống Tòa án nhân dân và cá nhân lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao’.
Theo cơ quan công tố thì ông Triển làm như vậy là vì ‘nảy sinh bức xúc cá nhân trong quá trình hành nghề luật sư’, tờ Thanh niên dẫn cáo trạng cho biết.
Ông Triển được cho là đã khai với cơ quan điều tra rằng các bài đăng của ông trên Facebook là ‘ý kiến chủ quan’ của ông ‘mà không có thông tin, tài liệu, chứng cứ xác thực để kiểm chứng’, theo tường thuật của tờ Công an nhân dân.
Trước đó, hồi tháng 7, Đại tá Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an đã được báo chí dẫn lời nói ông Trần Đình Triển đã ‘nhận tội với cơ quan điều tra’.
Hiện tại, cáo trạng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển đến Tòa án nhân dân Hà Nội để đưa ra xét xử sơ thẩm trong thời gian tới, cũng theo Công an nhân dân.
Luật sư Trần Đình Triển năm nay 65 tuổi, là trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội. Ông bị bắt cùng lúc với nhà báo Trương Huy San, vốn thường được biết đến với tên Osin Huy Đức.
Sau khi ông Triển bị bắt và khởi tố, nhiều tổ chức nhân quyền và nhiều nhà hoạt động đã lên án việc này là ‘trấn áp các tiếng nói bất đồng’ và kêu gọi thả ông ngay lập tức.
“Ông Triển bị bắt vì chỉ trích đảng cầm quyền Việt Nam,” Qũy Nhân quyền (HRF) viết trên X hôm 12/6, chỉ vài ngày sau khi ông bị bắt.