LUẬT SƯ TỐ GIÁC THÂN CHỦ – LUẬT QUỐC TẾ KHÔNG CÔNG NHẬN CHO HÀNH VI NÀY

0
3779
United Nations

Phạm Lê Vương Các

 

Liên Hợp Quốc đã thông qua CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ vào năm 1990, trong đó quy định rõ:

Điều 1. Mọi người đều có quyền yêu cầu sự giúp đỡ của luật sư theo sự lựa chọn của mình nhằm thiết lập và bảo vệ các quyền của mình trong mọi giai đoạn của tố tụng hình sự.

Quy định này có nghĩa là trong tố tụng hình sự luật sư đóng vai trò là người giúp đỡ, bảo vệ cho thân chủ của mình, chứ không nhằm chống lại thân chủ của mình dưới bất kỳ hình thức nào. Quy định quyền yêu cầu sự giúp đỡ của luật sư là một sự công nhận “quyền có luật sư” không thể bị tước đoạt của tất cả mọ người. Mọi người đều có quyền yêu cầu luật sư bảo vệ cho quyền của mình chứ không phải yêu cầu luật sư để chống lại các quyền của mình. Luật sư nào lợi dụng sự trợ giúp này nhằm chống lại các quyền của thân chủ là đã vi phạm vào “quyền có luật sư”. Một khi “quyền có luật sư” bị tước đoạt thì khi đó không tồn tại một luật sư đúng nghĩa – nếu có cũng chỉ là dạng luật sư trá hình – làm công cụ tay sai cho các cơ quan tố tụng hình sự.

Điều 15. Luật sư phải luôn tôn trọng một cách trung thành quyền lợi khách hàng của mình.

Quy định này đồng nghĩa với việc không cho phép luật sư làm những việc trái với lợi ích khách hàng. Luật sư nào có hành vi tố cáo khách hàng của mình rõ ràng đã phản bội nghiêm trọng lại lợi ích và niềm tin của khách hàng của mình – và không còn xứng đáng với thiên chức luật sư.

Điều 16. Các chính phủ phải bảo đảm rằng luật sư: (c) Không bị truy tố, hoặc bị đe dọa truy tố hay chịu bất kỳ chế tài hành chính, kinh tế hoặc chế tài khác về bất cứ hành động nào được thực hiện phù hợp với những nhiệm vụ, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận.
Và Điều 20. Luật sư phải được quyền miễn trách nhiệm dân sự và hình sự đối với những phát ngôn thiện chí trong lời bào chữa miệng hay bằng văn bản hay đối với sự xuất hiện nghề nghiệp của họ trước tòa hay trước cơ quan pháp luật hay hành chính.

Quy định này của Liên hợp Quốc là rất tiến bộ để bảo vệ luật sư không phải bị đe dọa hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp của họ. Chẳng hạn như tại Việt Nam, luật sư hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt hại làm đơn khởi kiện Formosa ra tòa, chính phủ Việt Nam cho dù không thích việc khởi kiện này thì cũng không được phép cáo buộc luật sư đang kích động hay xúi giục người dân khởi kiện, hoặc tìm cách trả đũa nhắm vào các luật sư.

Trong hoạt động tố tụng, quy định này nhằm bảo vệ luật sư không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào liên quan tới thông tin mà thân chủ cung cấp cho luật sư như không tố giác hành vi phạm tội của thân chủ. Việc quy định quyền “miễn trừ” trách nhiệm pháp lý như vậy rõ ràng là cần thiết để đảm bảo cho vị thế và vai trò của luật sư – một chủ thể quan trọng góp phần bảo vệ công lý và thúc đẩy nhân quyền. Và các chính phủ phải có trách nhiệm đảm bảo thực thi điều này trên thực tế như là một nghĩa vụ của quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Điều 22. Các chính phủ cần công nhận và tôn trọng rằng, tất cả các trao đổi và tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong mối quan hệ nghề nghiệp của họ đều được giữ bí mật.

Điều này có nghĩa rằng luật sư không được cung cấp thông tin trao đổi giữa luật sư và khách hàng cho bên thứ ba, kể cả việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước nếu không có sự đồng ý của khách hàng. Quy định này cũng có nghĩa rằng các chính phủ không được có các biện pháp gây áp lực đối với luật sư để moi móc thông tin từ vụ án.

Bí mật giữa luật sư và thân chủ được bảo vệ ngay cả khi thân chủ đang bị bắt giam, được quy định cụ thể bằng Điều 8: “Những cuộc tiếp xúc hay tư vấn như vậy, có thể được tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe của các nhân viên thi hành luật pháp.”

Chắc nhiều người khi xem các bộ phim nước ngoài thường thấy cảnh khi luật sư gặp gỡ nghi phạm (kể cả nghi phạm khủng bố) thì tất cả các nhân viên thi hành pháp luật phải đi ra khỏi phòng, đóng cửa lại và quan quan sát qua tấm kính trong suốt bên ngoài của buồng giam để theo dõi buổi tiếp xúc giữa luật sư và nghi phạm. Đây chính là là các quốc qua có hệ thống pháp luật đã áp dụng quy định bí mật giữa luật sư và thân chủ theo như điều 8 “trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe” là vậy đó.

Nói tóm lại, qua 6 điều khoản từ CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ cho thấy, Luật quốc tế bảo vệ cho sự riêng tư và bí mật thông tin trao đổi giữa luật sư và thân chủ. Luật sư không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào đối với thông tin mà thân chủ cung cấp liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của họ, và luật sư nào có hành vi tố giác thân chủ của mình là trái với nguyên tắc và tinh thần về vai trò cơ bản của luật sư. Vì vậy, Dự thảo Bộ Luật Hình Sự Việt Nam quy định luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng của thân chủ là rất xằng bậy, hoàn toàn trái ngược với tiêu chuẩn của luật quốc tế.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here