Luật lệ và tập quán quốc tế áp dụng cho tàu BRP Sierra Madre  không rõ rệt

0
38
Tàu hải giám của TQ "xịt vòi rồng" để ngăn cản tàu tiếp tế của Phi tiếp cận bãi Cỏ mây.

Nhân Tuấn Trương

Vụ tàu hải giám của TQ “xịt vòi rồng” để ngăn cản tàu tiếp tế của Phi tiếp cận bãi Cỏ mây coi bộ đã “nguội” rồi. Nhưng vì đã hứa sẽ bàn lại, cho nên tôi chỉ nói vắn tắt một số điều mà tôi cho là quan trọng. 

Thứ nhứt, theo tài liệu từ Phi thì bãi Cỏ mây là một bãi ngầm thường trực dưới mặt biển. Tức là bãi này không thể chiếm hữu hay tuyên bố chủ quyền. Trên phương diện địa lý bãi này thuộc nhóm đảo Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Bãi cách đảo Palawan của Phi khoảng 200 cây số. 

Theo UNCLOS 1982 và theo diễn giải của Tòa Trọng tài quốc tế qua phán quyết 13-7-2016,  bãi này sẽ thuộc về “thềm lục địa” của đảo (theo điều 121 khoản 2 UNCLOS), hay đất liền, nơi nào có khoảng cách gần bãi nhứt. 

Năm 1999 Phi cho chiếc tàu chiến của hải quân cũ, tên  BRP Sierra Madre “ủi bãi” Cỏ mây. Chiến tàu trở thành một “căn cứ quân sự trên biển” của Phi. Từ đó tàu này “trơ gan cùng tuế nguyệt” cho đến nay. 

Sở dĩ có chuyện này là vì Phi “rút kinh nghiệm” ở bãi Hoàng nham (Scarborough). Khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, Phi cũng cho một tàu chiến cũ ủi lên bãi Hoàng nham. Sau đó Phi “nghe lời TQ” cho kéo chiếc tàu này đi. Liền tức thì TQ cho hải quân chiếm đá Hoàng nham. 

Thứ hai, chiếc BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ mây, tập quán quốc tế quan niệm rằng tàu hải quân là lãnh thổ của quốc gia. Tức chiếc tàu BRP Sierra Madre là “lãnh thổ của Phi”. Mọi hành vi “tấn công” bằng vũ lực vào chiếc tàu có thể được xem là “hành vi chiến tranh”. 

Thứ ba, tập quán quốc tế cho rằng hành vi một quốc gia đem tàu chiến đến phong tỏa hải cảng của một quốc gia khác là hành vi “tuyên bố chiến tranh”.

Hôm trước trả lời phỏng vấn RFA tôi có nói mục đích của TQ, qua  hành vi “xịt vòi rồng” hay “chiếu tia laser” nhằm cản trở tàu tiếp tế của Phi. Khi chưa có đổ máu thì chuyện vẫn còn trong “vùng xám” và TQ muốn “mở rộng ranh giới vùng xám”. Vì các lý do sau đây:

Tập quán quốc tế cho rằng tàu chiến đang hải hành trên biển, hay đang neo trong vịnh quốc tế, là lãnh thổ quốc gia. Vấn đề chiếc tàu BRP Sierra Madre là chiếc tàu “mắc cạn”. Hành vi hải cảnh TQ xâm phạm  vào chiếc tàu mắc cạn lâu năm , trên một vùng “có tranh chấp” (chuyện này TQ cần phải chứng minh) có thể xem là “hành vi chiến tranh” hay không ? 

Tập quán quốc tế cho rằng việc phong tỏa một hải cảng là hành vi tuyên bố chiến tranh. Vấn đề chiến tàu mắc cạn ở bão Cỏ mây không phải là một hải cảng. Hành vi TQ cho tàu hải cảnh ngăn chặn tàu tiếp tế của Phi tiếp cận bãi Cỏ mây có phải là hành vi “phong tỏa”, tức có thể xem là hành vi “tuyên bố chiến tranh” hay không ?

Tức là luật lệ và tập quán quốc tế áp dụng cho tàu BRP Sierra Madre  không rõ rệt, tức thuộc về “vùng xám”. 

TQ muốn “mở rộng ranh giới vùng xám”, bằng những cách tiếp cận gần như chiến tranh, như chiếu tia laser. Nếu như Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới không lên tiếng phản đối, rất có thể TQ sẽ tiến thêm bước nữa, như phá hủy chiếc tàu mắc cạn này.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here