RFA
Liên minh phần mềm (BSA) vừa công bố báo cáo với kết luận về thực trạng mơ hồ trong quá trình hợp pháp hóa việc sử dụng phần mềm tại Việt Nam. BSA sẽ mở chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” nhắm vào khoảng 10.000 doanh nghiệp khắp Việt Nam, với hồ sơ của 3500 doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc, 1500 doanh nghiệp tại miền Trung và 5000 doanh nghiệp tại khu vực phía Nam.
Giảm nhưng không đáng kể
Theo BSA, các doanh nghiệp được vào tầm ngắm để kiểm tra thuộc các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, xây dựng, ngân hàng và tài chính, kỹ thuật, kiến trúc, truyền thông, thiết kế, y tế và đặc biệt là công nghệ thông tin.
Ông Tarun Sawney giám đốc cấp cao của BSA tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương phát biểu và được Báo Tuổi trẻ trích đăng ngày 5/12/2019 rằng “Có hàng chục ngàn công ty ở Việt Nam sử dụng phần mềm bất hợp pháp, và thực tế là có rất ít CEO đứng ra giải quyết vấn đề này, nhìn nhận đó là hành động vô trách nhiệm khi đặt vấn đề bảo mật dữ liệu của công chúng và quốc gia vào nguy cơ bị tấn công. Điều này cần phải dừng lại”.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12/12 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ phần mềm BKAV, nhận định:
“Những năm trước đây có thể nói việc vi phạm bản quyền phần mềm còn trên 80-90% lận, nhưng đây cũng là vấn đề chung của thế giới nó phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Thông thường những nước đang phát triển thì việc vi phạm bản quyền nó sẽ cao hơn đó là tình chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Việc sử dụng phần mềm bản quyền thì thứ nhất là tôn trọng các quy định của pháp luật, thứ hai dùng phần mềm bản quyền sẽ được hỗ trợ cho các sự cập nhật mới, vá các lỗ hỏng thì chắc chắn nó tốt hơn rồi. Tuy nhiên đối với đất nước đang phát triển thì không phải cũng doanh nghiệp nào họ chịu hoạch toán cho các chi phí cho các phần mềm như vậy và đôi khi nó còn lớn hơn cả lợi nhuận mà thu lại được.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Máy tính – Truyền thông – Điều khiển cho rằng:
“Họ cũng nghĩ cũng tính nhưng những DN nhỏ mới bắt đầu mà phải bỏ tiền đầu tư nên họ cũng xót tiền và từ trước đến nay vẫn như vậy. Ví dụ một công ty khởi động, sinh viên ra trường được vài năm đi vay mượn hay bố mẹ cho được vài chục triệu để khởi động một doanh nghiệp gì đấy. Giờ trong vài chục triệu ấy mà bỏ mất 15 triệu ra để mà lo cho cái phần mềm là họ phải tính toán lại.”
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng sử dụng phần mềm lậu bất hợp pháp thì nó tồn tại ở VN từ hàng chục năm qua và kéo dài cho đến tận ngày nay, mấy năm gần đây có giảm bớt nhưng thật sự không đáng kể.
“Thật ra thì việc sử dụng phần mềm lậu chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân nên giải quyết các vấn đề này phải bằng pháp luật. Đối với pháp luật ở các nước phát triển thì tôi không nắm rõ nhưng tại VN thì pháp luật rất khó chế tài các doanh nghiệp tư nhân sử dụng phần mềm lậu. Đương nhiên người ta chẳng thích thú gì việc xử dụng phần mềm lậu thế nhưng nếu sử dụng phần mềm chính thức thì phải mua nên người ta cứ sử dụng lậu trong khi còn sử dụng được. Thật ra đây là lỗi của người Việt Nam nhưng thế giới vẫn cho tồn tại điều đó.”
Khó khăn xử lý
Theo khảo sát phần mềm toàn cầu 2018 của BSA, tỷ lệ sử dụng phần mềm không được cấp phép của Việt Nam là 75%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương là 57%. Cho đến nay, các công ty Việt Nam tại 33 tỉnh thành đã hợp pháp hóa tài sản phần mềm của họ nhưng chỉ có 50 công ty là được ghi nhận có nỗ lực đáng kể. TP.HCM đã hợp pháp hóa khoảng 30% so với Hà Nội. Các tập đoàn tại Việt Nam đã hợp pháp hóa được khoảng 200 máy tính.
Ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định với chúng tôi, trong vài năm trở lại đây tỉ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam đã liên tục giảm nhiều, bởi vì VN đã bắt đầu tham gia vào nhiều công ước và thỏa thuận quốc tế, sau các thỏa thuận đó sẽ có nhiều quy định liên quan về việc vi phạm bản quyền nên buộc các doanh nghiệp phải thay đổi.
Tuy nhiên ông Quảng nói tiếp “Việc vi phạm bản quyền hay tỉ lệ vi phạm bản quyền nó phụ thuộc vào sự phát triển của từng đất nước, nước nào càng phát triển thì tỉ lệ này càng thấp và ngược lại đang phát triển thì tỉ lệ sẽ rất cao và đôi khi đó cũng là một trong những chiến lược của các hãng cung cấp phần mềm. Nếu nhìn một cách tổng thể và công tâm thì chúng ta nhìn câu chuyện nó không hề đơn giản chỉ là vi phạm và không vi phạm mà đó là chiến lược của các tập đoàn và đối với người sử dụng nữa. Ví dụ mua phần mềm ở Việt Nam hay tại Mỹ thì giá cũng bằng nhau nhưng để làm ra 1 đồng tại VN thì nó lại rât khác so với 1 đồng tại Mỹ nên các doanh nghiệp họ cân đối điều này với hiệu quả nó mang lại. Microsoft không khó trong việc chặn tất cả các máy không có bản quyền thì không được dùng nhưng họ vẫn để cho dùng theo sự phát triển của đất nước đó họ sẽ sử dụng các điều khoản quốc tế mà VN đã ký kết và dần dần nó sẽ giảm được.”
Về giải pháp cho vấn nạn này tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quang A có ý kiến “Chỉ có cách phải nâng cao nhận thức các doanh nghiệp lên cho thấy việc tôn trọng bản quyền mới là quan trọng như thế nào và tất nhiên sẽ phải có những trừng phạt, cũng như đi kiểm tra rà soát và phạt thôi.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, việc chế tài phải có luật pháp rõ ràng, cá nhân hay doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị xử lý ra sao… Thế nhưng “…tại VN hiện nay chưa có luật pháp chế tài nào cụ thể nhưng nếu có luật pháp mà các doanh nghiệp tư nhân họ tuân thủ như thế nào cũng là một vấn đề tế nhị. Xã hội VN là xã hội đang phát triển chưa đạt trình độ cao như các nước tiên tiến nên những chuyện như thế này khó xử lý lắm.”
Do đó, tiến sĩ Phúc khẳng định nếu như bây giờ có một luật dùng để chế tài đối với các doanh nghiệp không mua bản quyền, phạt thích đáng đến mức ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh họ do dùng phần mềm lậu thì may ra họ mới buộc phải mua phần mềm mà sử dụng.