Lịch sử đen tối lâu đời của cụm từ “luật pháp và trật tự” mà Trump ưa dùng

0
70

Người Thông Dịch

Chris Cillizza, ngày 2 tháng 6 năm 2020

Translated from CNN’s article “The long, dark history of Donald Trump’s pledge to be a ‘law and order’ president”

(CNN) – Vào tối thứ Hai, Tổng thống Donald Trump đã phát biểu trước người dân với những từ ngữ nhằm trấn an dân chúng rằng: “Tôi là Tổng thống của luật pháp và trật tự (law and order).”

Dù Trump có nhận biết hay không – và theo tôi đoán là ông có biết – khi đưa ra khái niệm rằng ông là một tổng thống theo “luật pháp và trật tự”, ông đã rút trích từ trong lịch sử lâu dài từ các tổng thống trước đây dựa trên ý tưởng lấy sự tuân thủ pháp luật một cách nghiêm ngặt để đàn áp phong trào bất tuân dân sự mà các cộng đồng thiểu số trong nước thường áp dụng để tranh đấu đòi quyền lợi.

Vào cuối những năm 1960, Tổng thống Richard Nixon đã sử dụng cụm từ “luật pháp và trật tự” (“law and order”) làm câu nói cửa miệng để xoa dịu quần chúng (Da Trắng) bất bình trước vụ ám sát Robert Kennedy và Mục sư Martin Luther King Jr., cũng như các cuộc biểu tình và bạo loạn đã nổ ra sau vụ ám sát Mục sư King. (Chỉ tính riêng trong năm 1967, đã có hơn 150 cuộc bạo loạn vì nạn phân biệt chủng tộc trên cả nước.)

Sau đây là một đoạn trong bài phát biểu tiếp nhận đề cử của Nixon tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa vào năm 1968:

“Các bạn hữu ơi, hãy để thông điệp đến tai bạn một cách xuyên suốt từ những gì tôi sẽ nói đêm nay. Thời gian không còn nhiều cho những kẻ dung túng tội phạm và tham nhũng trong xã hội Mỹ.

“Làn sóng tội phạm sẽ không phải là làn sóng của tương lai Hoa Kỳ.

“Chúng ta sẽ tái thiết lập sự tự do thoát khỏi nỗi khiếp sợ ở Mỹ để rồi từ đó nước Mỹ có thể dẫn dắt việc tái thiết lập sự tự do thoát khỏi nỗi khiếp sợ trên toàn thế giới.

“Và với những người nói rằng luật pháp và trật tự là mã tự cho sự phân biệt chủng tộc, đây là câu trả lời:

“Mục tiêu của chúng ta là công lý cho tất cả dân Mỹ. Nếu chúng ta muốn tôn trọng luật pháp ở Mỹ, chúng ta phải có luật pháp đáng được tôn trọng.

“Cũng như chúng ta không thể có tiến bộ mà không có sự trật tự, chúng ta không thể có sự trật tự mà không có tiến bộ. Vì vậy, khi chúng ta cam kết tuân theo trật tự tối nay, chúng ta cũng luôn cam kết với tiến bộ.”

Trong suốt cuộc vận động mùa thu, Nixon đã liên tục nhấn mạnh rằng “luật pháp và trật tự” là điều mà tất cả dân Mỹ đều muốn – và điều đó không liên quan gì đến việc lạm dụng sự thù hận chủng tộc và nỗi sợ hãi của người Mỹ Da Trắng nhắm vào người Mỹ Da Đen. Khi trả lời câu hỏi từ một tham luận viên Da Đen tại cuộc tranh luận năm đó, Nixon đã tìm cách tìm ra điểm trung gian phân biệt mình khỏi sự lạm dụng chủng tộc rõ ràng của ông George Wallace, một ứng cử viên tổng thống của một đảng thứ ba năm đó.

Nixon nói, “Tôi thường nói chúng ta không thể có sự trật tự trừ khi ta có công lý, vì nếu ta đàn áp sự bất đồng ý kiến, nếu ta đàn áp sự cấp tiến, một quả bom sẽ nổ và mọi thứ sẽ trở nên loạn lạc. Trên mặt khác thì ta không thể có tiến bộ mà không có trật tự, vì khi ta mất trật tự và có cuộc cách mạng, chúng ta sẽ phá hủy mọi tiến bộ mình đã đạt được.”

Nhưng sau khi ứng cử, Nixon đã quay trở lại với loại ngôn ngữ có chủ đích phân biệt chủng tộc mà ông khăng khăng là ông sẽ không sử dụng. Cụm từ “luật pháp và trật tự” đã biến thành “đại đa số im lặng” – biểu thị của Nixon cho những người Mỹ lớn tuổi Da Trắng, những người có thể không lên tiếng nhiều như những thành phần trẻ và đa sắc tộc hơn của xã hội Mỹ nhưng họ lại là người chiếm số đông và đã bầu cho ông, đồng thời có khả năng giúp ông tái thắng cử.

(Điều đáng chú ý là: lời kêu gọi ban đầu của Nixon về “đại đa số im lặng” trong một bài phát biểu năm 1969 không liên quan gì đến sắc tộc. Lúc đó ông đang tìm cách biện minh cho cam kết để chiến thắng ở Việt Nam. Và ông đã đối chiếu các nhà hoạt động chống chiến tranh với “đại đa số im lặng” của người Mỹ ủng hộ lập trường thiện chiến của ông).

Lời kêu gọi của Nixon cho “luật pháp và trật tự” đã có hiệu quả dứt khoát về mặt chính trị, và những chính trị gia Đảng Cộng hòa kế nhiệm ông trong các nhiệm kỳ tổng thống sau này đều thuộc lòng bài học này.

Vào ngày tang lễ của Mục sư King năm 1968, Ronald Reagan là người đã gọi nó là một “thảm kịch lớn đã xảy đến khi chúng ta bắt đầu nhượng bộ với luật pháp và trật tự, và mọi người bắt đầu tùy chọn luật nào họ muốn vi phạm.” Ông đã đảm nhận khẩu hiệu “luật pháp và trật tự” từ Nixon khi ông tranh cử tổng thống và thắng cử vào năm 1980. (Trước đó vào năm 1968, Reagan đã thua Nixon ở vòng tranh cử sơ bộ trong đảng Cộng hoà.)

Trong nhiệm kỳ của Reagan, ông đã đặt trọng tâm “luật pháp và trật tự” vào “cuộc chiến chống ma túy” (“war on drugs”) được quảng cáo khắp nơi. “Cuộc chiến chống ma túy” là một chương trình đầy thị phi đã dẫn đến số tù giam tăng lên gấp tám lần từ năm 1980 đến 1997. Đó cũng là một sự gia tăng khổng lồ gây ảnh hưởng trực tiếp nhất với cộng đồng người Da Đen.

Lại một lần nữa, trong cuộc vận động tranh cử của George H.W. Bush năm 1988, lời kêu gọi cho “luật pháp và trật tự” đã trở thành tiêu đề chính. Cuộc tranh cử năm đó xoay quanh một quảng cáo do những người ủng hộ Bush thực hiện. Nó lên án Thống đốc bang Massachusetts, ông Michael Dukakis, là một người mềm yếu với tội phạm. Họ dùng hình ảnh một người đàn ông Da Đen tên là Willie Horton, người đã dùng dao đâm một người đàn ông và cưỡng hiếp bạn gái của anh ta khi hắn vừa được thả ra khỏi tù trong một chương trình rời tù cuối tuần được Dukakis phê duyệt.

Mặc dù quảng cáo này đã bị phê bình nặng nề khi được phân tích bởi các nhà sử học đương thời, nó cũng đã rất thành công trong việc lạm dụng các định kiến kỳ thị chủng tộc. Trong quảng cáo trên màn hình, Horton có bộ râu và tóc xù của người Da đen. Thông điệp là rất rõ ràng.

Như ông Michael Nelson, người đã biên tập cuốn sách về các bài viết về nhiệm kỳ của H. W. Bush, đã cho Peter Baker từ Tờ New York Times biết trong năm 2018: “Dường như quảng cáo về Willie Horton là phiên bản thứ nhất của những dòng tweet và bình luận không ngừng nghỉ của Trump về người Mỹ gốc Phi châu.”

Trump đã thừa hưởng “luật pháp và trật tự” từ Nixon, Reagan, và H. W. Bush, và như mọi điều khác, cũng đã lạm dụng nó đến mức cực đoan.

Chỉ vài ngày sau khi một tay súng giết 5 người cảnh sát tại thành phố Dallas, Trump đã nói trong một bài phát biểu năm 2016 rằng, “Chúng ta phải duy trì luật pháp và trật tự ở mức cao nhất, nếu không thì chắc 100% rằng chúng ta sẽ không còn một quốc gia nữa. Chúng ta sẽ không còn một đất nước nữa. Tôi là ứng cử viên của luật pháp và trật tự.”

Trong bài diễn văn nhậm chức của mình, Trump đã mô tả một hình ảnh ảm đạm về một nước Mỹ đang bị tấn công – và bản thân ông là người sẵn sàng dọn dẹp đường phố. Đây là điểm mấu chốt:

“Nhưng đối với quá nhiều công dân của chúng ta, có một thực tế khác đang tồn tại: Những bà mẹ và trẻ em bị mắc kẹt trong cảnh nghèo đói ở các thành phố của chúng ta; những nhà máy rỉ sét nằm rải rác như bia mộ trên toàn đất nước chúng ta; một hệ thống giáo dục, được đầu tư bằng núi tiền nhưng đã khiến những học sinh trẻ đẹp của chúng ta bị tước đoạt tri thức; và tội phạm, băng đảng và ma túy đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người và cướp đi quá nhiều tiềm năng chưa được phát hiện của đất nước chúng ta.

“Cuộc đổ máu kiểu Mỹ này dừng ngay tại đây và dừng ngay bây giờ.”

Cuộc vận động tranh cử của Trump — và nhiệm kỳ của ông — đã luôn dịch chuyển trong nỗi sợ hãi: sợ những người nhìn không giống bạn, những người nước ngoài, sợ mất những gì là của bạn vào tay người không xứng đáng. Thông điệp ngầm đã trở thành thông điệp chính.

Quý vị có cần bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa Nixon và Trump trong việc lợi dụng chủng tộc để chia rẽ chúng ta không? Ông tổng thống đã tự mình cung cấp bằng chứng đó vào buổi sáng thứ Ba.

Ông đã đăng Tweet, “ĐẠI ĐA SỐ IM LẶNG!”

Vâng, lời đó cho thấy hết điều cần thấy.

Allison Gordon từ CNN đã đóng góp với bài báo này.

Dịch bởi: Que Do

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/lich-su-den-toi-lau-dai-cua-loi-cam-ket-lam-mot-tong-thong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here