Lê Minh Tấn: tham nhũng tiền cứu trợ covid của người nghèo

0
66
Lê Minh Tấn

VNTB

10.03.2022 8:38

Phú Nhuận

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, kinh tế (C03, Bộ Công an) yêu cầu được cung cấp hồ sơ, tài liệu về kết quả thực hiện chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống Covid-19; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, theo Nghị quyết 09 và 97 của Hội đồng nhân dân TP.HCM.

Tham nhũng hay “nhận nhầm”?

Ngày 9-3-2022, nguồn tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, kinh tế (C03, Bộ Công an) cho biết đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các ban ngành phối hợp, cung cấp tài liệu liên quan đến việc chi tiền hỗ trợ người dân ảnh hưởng vì dịch bệnh để C03 làm “báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và lãnh đạo các cấp”.

Trước đó, hồi tháng 10-2021, nhiều quận huyện tại TP.HCM xảy ra tình trạng hàng ngàn người “nhận nhầm” tiền hỗ trợ đợt 3. Các trường hợp này được cho là khai không trung thực; lợi dụng trẻ dưới 14 tuổi chưa có căn cước công dân để khai nhiều lần; ghi sai số chứng minh nhân dân để phần mềm không phát hiện; nhiều người hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội vẫn nhận hỗ trợ…

Khi sự việc được phát hiện, chính quyền địa phương đã vận động người dân nộp lại tiền, đồng thời khuyến cáo sẽ “chuyển cơ quan điều tra đối với những trường hợp không chấp hành”.

Tuần lễ trước, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản chỉ đạo khẩn liên quan xử lý đơn tố cáo liên quan đến Sở Lao động – thương binh và xã hội. Theo đó, xét đề nghị của Thanh tra TP.HCM, UBND TP.HCM chỉ đạo giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Lê Minh Tấn khẩn trương công khai chủ trương, kết quả vận động và chi tiết việc sử dụng số tiền do các cá nhân và đơn vị trực thuộc sở đã đóng góp, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

Việc công khai này nhằm cho toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đang công tác tại Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM và các đơn vị trực thuộc được biết, giám sát.

Mặt khác, đề nghị ông Lê Minh Tấn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc chưa công khai, minh bạch về đối tượng nhận hỗ trợ, kết quả vận động và quá trình sử dụng số tiền hỗ trợ; cũng như việc sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để tiếp nhận và chuyển tiền hỗ trợ do các đơn vị trực thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội đóng góp để thực hiện phòng chống dịch Covid-19 tại sở.

Ngoài ra, giám đốc sở xem xét, xử lý số tiền đã chi cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thuộc sở nhằm bảo đảm số tiền do công đoàn sở đã kêu gọi vận động được sử dụng đúng mục đích.

Năm ngoái, chiều 18-10, khi tham gia kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, ông Lê Minh Tấn có phát biểu dậy sóng công luận khi ông cho rằng dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần 5 tháng qua ở TP.HCM, nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch cả.

Ông Lê Minh Tấn là thành viên Tiểu ban an sinh xã hội Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Một biên tập viên của tờ báo có đơn vị chủ quản là Thành ủy TP.HCM kể:

“Tôi làm báo, trong thời gian xảy ra đại dịch ở TP.HCM, rất nhiều thông tin từ bạn đọc thắc mắc về việc chi trả tiền hỗ trợ gửi đến phòng bạn đọc các báo ở TP.HCM. Cơ quan điều tra nếu chi tiết có thể đến các báo lấy các địa chỉ rất cụ thể phản ánh về vấn đề này.

Bản thân tôi cũng tham gia xử lý một số thông tin, có nơi địa phương tiếp thu nhưng đa số phớt lờ. Một số cựu chiến binh, đồng đội cũ của tôi ở Bình Chánh thiệt nghèo, kêu ca mãi, can thiệp cũng chẳng nhận được 1 xu.

Tôi cũng từng viết bài báo: “Ai chưa nhận được tiền hỗ trợ, hãy gọi ngay đến phường xã” nhân việc ông chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi hôm 7-9-2021 đã chỉ đạo các phường, xã rà soát các hộ khó khăn thì phát hiện 300.000 cá nhân và 600.000 hộ bị bỏ sót với các gói hỗ trợ trước đó… Nhưng lúc đó cứ thử gọi đi, biết chuyện gì xảy ra liền! Đặc biệt gói hỗ trợ an sinh đợt 3 ở TP.HCM với số tiền gần 10.000 tỷ đồng, cho các hộ khó khăn, không phân biệt thường trú, tạm trú, gây nhiều thắc mắc nhứt ở cấp phường, xã.

Còn rất nhiều khuất tất, nhất là ở cấp cơ sở. Vậy mà ông giám đốc Lê Minh Tấn lúc nào giao ban cũng nói rất hùng hồn rằng công tác hỗ trợ cho người dân được làm rất tốt…”.

Ai đã chống lưng ông giám đốc sở?

Giữa tháng 4-2021, xuất hiện đơn tố cáo ông Lê Minh Tấn về việc “khai khống trình độ chuyên môn để được đi học và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trái quy định, là thành phần cơ hội, tham nhũng, vi phạm những điều Đảng viên không được làm”.

Dơn-tố-cáo.jpg

Đơn tố cáo này là của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM làm, trình bày. Đáng chú ý, ngoài gửi đến các cấp, ngành của TP.HCM, đơn tố cáo còn gửi đến Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng,… và các cơ quan truyền thông.

“Chúng tôi biết đơn tố cáo nặc danh là sai, không được chấp nhận, nhưng với sai phạm của ông Lê Minh Tấn quá nhiều, đã được lãnh đạo Thành ủy bao che suốt một thời gian dài và chúng tôi bị trù dập quá nhiều nên chúng tôi buộc phải làm đơn tố cáo này”, đoạn mở đầu đơn tố cáo trình bày.

Theo đơn tố cáo, ông Lê Minh Tấn sinh năm 1963, học bổ túc văn hoá và tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ngày 29-05-2002, cấp bằng hạng trung bình ngày 9-1-2003, số hiệu bằng 342207/THBT do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cấp.

Vậy, ông Lê Minh Tấn bị tố cáo với những dấu hiệu sai phạm gì?

Thứ nhất, chưa có bằng cấp 3 nhưng được cử đi học lớp chuyên viên chính. Ông Tấn được Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cấp Giấy chứng nhận hoàn thành lớp chuyên viên chính vào ngày 3-5-1997, số 1033/HVHC-GV.

Thứ hai, chưa có bằng cấp 3 nhưng được cử đi học lớp Cao cấp Lý luận chính trị khóa học 2001-2003. Bằng tốt nghiệp Cao cấp Lý luận chính trị của ông Tấn do Giám đốc Phân viện TP.HCM cấp ngày 19-3-2003.

Thứ ba, chưa có bằng cấp 3 nhưng được bổ nhiệm làm Trưởng phòng lao động, thương binh và xã hội huyện Củ Chi từ tháng 11-2002 đến 2-2003. Giai đoạn này ông Tấn đang theo học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi để lấy bằng trung học phổ thông.

Thứ tư, chưa có bằng đại học nhưng được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi vào tháng 3-2003. Việc bổ nhiệm này diễn ra chỉ sau 2 tháng kể từ ngày ông Tấn nhận bằng tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc.

Thứ năm, chưa có bằng đại học nhưng được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, quyền Chủ tịch UBND huyện Củ Chi vào tháng 9-2007.

Thứ sáu, luôn chửi cán bộ Đảng viên là đồ ngu xuẩn, nhiều lúc, nhiều nơi văng tục, thóa mạ bằng ngôn từ xúc phạm danh dự, nhân phẩm Đảng viên, cán bộ dưới quyền trong các cuộc làm việc, tiếp xúc công chức, viên chức từ ngày về làm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc sở từ năm 2016 đến nay.

Thứ bảy, tham nhũng trắng trợn, công nhiên chiếm đoạt tài sản công là xe Toyota biển kiểm soát 50A-001.62 làm tài sản riêng phục vụ cá nhân. Trong khi đó chính ông Lê Minh Tấn ra sức ngăn cấm không cho các bộ phận, chức năng sử dụng xe công phục vụ công việc hằng ngày để lấy kinh phí bù đắp sử dụng cho riêng mình.

Thứ tám, bị kỷ luật năm 2016, Thành ủy, UBND TP.HCM có văn bản phê bình liên tục từ năm 2017 đến nay vẫn bất chấp, ông Lê Minh Tấn tự ký quyết định phong cho mình là Chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm liền để nhận tiền thưởng và bằng khen của thành phố.

Những thông tin phản ánh tiêu cực về ông Tấn, ngày 17-5-2021, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3205/VPCP/TCCV gửi UBND TP.HCM yêu cầu xác minh, làm rõ thông tin về công tác quản lý cán bộ đối với Giám đốc Sở Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here