VOA
Trân Văn
Khả năng ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân của thành phố này tiếp tục “lập ngôn” gần như không còn.
Gần như công chúng Việt Nam sẽ mất cơ hội được trưởng nam của ông Nguyễn Văn Chi (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, cựu Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, cựu Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng CSVN) massage lỗ nhĩ qua những tuyên bố kiểu như:
– “Không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp luật và quản lý bằng pháp luật”.
– “Phòng chống tham nhũng ở Đà Nẵng tuyệt đối không có vùng cấm”.
– “Trong công tác cán bộ, tư tưởng chủ đạo là phải đấu tranh không khoan nhượng với nạn ‘chạy chức, chạy quyền’, kiên quyết chống ‘thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ’, phải tập trung xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc”.
– “Đã đến lúc xây dựng văn hóa từ chức… Cả tôi cũng vậy, nếu làm không được thì tôi sẽ xin nghỉ”…
Rất ít viên chức nằm trong nhóm mà chỉ Bộ Chính trị của Đảng CSVN mới có quyền quyết định về sự nghiệp vừa cam kết “chịu trách nhiệm”, vừa liên tục dọa… từ chức như ông Nguyễn Xuân Anh. Hồi cuối năm 2015, trước tin đồn gia đình ông Nguyễn Xuân Anh thâu tóm nhiều lô đất ven biển Đà Nẵng, ông Anh khẳng định, ông chỉ có một căn nhà ở số 43, đường Nguyễn Thái Học, thành phố Đà Nẵng. Nếu ai đó chứng minh được ông sở hữu thêm nhà, đất nào khác, ông sẽ “chịu trách nhiệm, thậm chí từ chức”.
Cuối năm 2016, Thành ủy Đà Nẵng công bố một… nghị quyết được soạn riêng cho kế hoạch xây dựng đường hầm băng ngang sông Hàn – – nối quận Hải Châu với quận Sơn Trà, dự trù khởi công vào năm 2018, hoàn tất vào năm 2021 và sẽ ngốn 4.700 tỉ đồng. Sở dĩ Thành ủy Đà Nẵng phải làm như thế vì có nhiều người, nhiều giới khuyến cáo không nên thực hiện kế hoạch này.
Theo nhiều chuyên gia, mật độ công trình vượt sông Hàn vốn đã rất dày. Trong phạm vi 12 cây số đã có tới 11 cầu và bên kia sông Hàn chỉ có 150.000 gia đình. Mặt khác, Đà Nẵng chỉ có 1,1 triệu dân với 60.000 xe hơi, chưa tới 800.000 xe hai bánh gắn máy, xây thêm một công trình nữa để vượt sông Hàn là quá thừa. Những chuyên gia này gợi ý, nếu chính quyền thành phố Đà Nẵng khăng khăng phải có thêm công trình vượt sông Hàn thì nên làm cầu, chi phí sẽ chỉ gần một nửa chi phí làm đường hầm… Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Anh tuyên bố, vì ông là lãnh đạo, phải để ông tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, dứt khoát không chạy theo dư luận.
***
Theo kết luận mà Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN công bố rộng rãi hồi đầu tuần này, sau khi kiểm tra nội tình Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Đà Nẵng thì ông Nguyễn Xuân Anh có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Chẳng hạn “thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe hơi do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai căn nhà của doanh nghiệp”.
Vào thời điểm Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN công bố kết luận vừa kể, tờ Tuổi Trẻ công bố một bài điều tra cho biết, ngoài căn nhà ở số 43, đường Nguyễn Thái Học, thành phố Đà Nẵng, gia đình ông Anh đang sử dụng hai căn nhà khác nằm hai bên bất động sản mà ông Anh khẳng định là “duy nhất”. Cả hai căn nhà từng là công sản rồi được hai doanh nghiệp xin mua lại. Căn mang số 45 do Công ty I.V.C đứng tên, căn mang số 47 do Công ty Minh Hưng Phát đứng tên.
Giám đốc Công ty I.V.C là ông Phan Văn Anh Vũ – nhân vật được xem như một “bố già” chi phối tất cả các dự án thu hồi đất, phát triển nhà và hệ thống hạ tầng ở Đà Nẵng. Năm 2013, Thanh tra Chính phủ Việt Nam từng xác định, nhờ sự tùy tiện trong định giá, giao đất, thu tiền sử dụng đất của chính quyền thành phố Đà Nẵng, với vai trò trung gian, chỉ qua một phi vụ, ông Vũ hưởng chênh lệch khoảng 500 tỉ đồng. Tất cả những sai phạm này đều xảy ra dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy, ngân sách thiệt hại khoảng 3.400 tỉ đồng nhưng ông Thanh vô sự, ông Vũ cũng vô sự. Tháng 5 năm 2017, người sử dụng Internet tại Việt Nam được xem hàng loạt hình ảnh, văn bản được dùng để minh họa cho tố giác, ông Phan Văn Anh Vũ, sử dụng danh nghĩa “thượng tá, sĩ quan tình báo của Bộ Công an Việt Nam” và sự hỗ trợ của Bộ Công an Việt Nam để thâu tóm hàng loạt bất động sản đắc địa ở cả Sài Gòn với giá rẻ mạt. Tuy hệ thống công quyền Việt Nam chưa xác nhận hay bác bỏ những tố giác đó nhưng trang web mang tên Trần Đại Quang – trước nay vẫn được xem như công cụ giao tiếp của Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet, giới thiệu bài viết của một cộng tác viên nhận định, những tố cáo liên quan tới ông Phan Văn Anh Vũ dẫu chỉ nhằm gạt bỏ “Vũ nhôm” (biệt danh của ông Vũ) đã “phá hủy luôn những kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia mà Bộ Công an đang thực hiện”.
Hồi tháng 3 năm nay, sau khi công chúng bàn tán về sự kiện ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng xe hơi mà giá trị vượt mức cho phép, ông Anh khẳng định, hệ thống công quyền không phải xuất tiền mua chiếc xe này vì đó là quà của một doanh nghiệp. Cả ông Anh lẫn chính quyền thành phố Đà Nẵng đều từ chối tiết lộ tên doanh nghiệp. Theo tờ Lao Động thì đó là Công ty Minh Hưng Phát và có nhiều dấu hiệu bất thường quanh món quà ấy: Tuy không phải công xa dùng cho hoạt động bảo vệ trật tự, an ninh nhưng xe lại được Bộ Công an cấp chứng nhận kiểm định. Trong năm năm, Công ty Minh Hưng Phát – chuyên mua bán nhà và làm dịch vụ chuyển quyền sử dụng đất – chỉ dùng ba hóa đơn mà một trong ba là tặng xe cho chính quyền thành phố Đà Nẵng. Trên thị trường, giá chiếc xe được tặng không dưới hai tỉ đồng nhưng Công ty Minh Hưng Phát định giá (kèm VAT) chỉ tròm trèm 1,3 tỉ đồng – ngang mức mà một cá nhân ở vị trí như ông Anh có quyền sử dụng.
***
Sai phạm cuối cùng được Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN xác định là nghiêm trọng: Ông Nguyễn Xuân Anh khai – dùng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.
Trong lý lịch cá nhân, ông Nguyễn Xuân Anh khai rằng từ tháng 3 năm 2001 đến tháng 9 năm 2002, ông học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường Southern California University for Professional Studies. Sau đó, từ tháng 3 năm 2005 đến tháng 12 năm 2006, ông tiếp tục theo học và đã lấy văn bằng tiến sĩ hệ chính quy, ngành quản trị kinh doanh tại trường này.
Tại Hoa Kỳ, văn bằng chỉ có giá trị sử dụng nếu chúng do các trường đã được kiểm định về chất lượng đào tạo (accredited) cấp phát. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ có một trang web hỗ trợ công chúng kiểm tra xem các trường cao đẳng, đại học mà họ quan tâm có thuộc loại này hay không. Nếu vào trang web này để kiểm tra về Southern California University for Professional Studies (SCUPS), ai cũng có thể thấy rằng không có bất kỳ dữ liệu nào về SCUPS.
Sai phạm cuối cùng ấy hiện đang là một trong những chủ đề nóng nhất cả trên mạng xã hội lẫn các cơ quan truyền thông chính thống. Nóng tới mức, Nguyen Son than trên facebook: Dân mình lạ lắm! Sự quan tâm đến chính trị cũng chẳng khác gì sự quan tâm dành cho showbiz kiểu như lộ hàng, bồ bịch và những thứ râu ria bên lề. Nguyen Son đề nghị đừng chúi mũi vào chuyện bằng Tiến sĩ. Theo facebooker này, vấn đề là ông Nguyễn Xuân Anh thăng tiến nhờ ai, có phải là nhờ bố và vây cánh? Tại sao chuyện bổ nhiệm các “thái tử đỏ” diễn ra từ lâu mà bây giờ mới nói, mới lôi ra? Tại sao chỉ có vài địa phương bị bêu trong khi rất nhiều chuyện tương tự chưa thấy đả động gì? Nguyen Son bảo, các bạn cứ việc xôn xao, riêng anh thấy “chả khác gì, bố con nhà này này xuống thì bố con nhà khác lên,… còn dân lành như mình thì vẫn è cổ ra gánh đủ thứ thuế phí, vẫn sống trong môi trường đầy ô nhiễm, bất an”.
Giữa biển thông tin trên hệ thống truyền thông chính thống và bình luận trên mạng xã hội về ông Nguyễn Xuân Anh, một số facebooker cùng chia sẻ một đoạn trong Chí Phèo của Nam Cao, mô tả cảnh làng Vũ Đại sau khi Chí Phèo đâm Bá Kiến chết rồi tự sát, trên các trang facebook của họ: …Cả làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi: “Trời có mắt đấy, anh em ạ!”. Người khác thì nói toạc ra: “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu”. Mừng nhất là bọn hào lý ở trong làng. Họ tuôn đến hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn Lý Cường bằng những con mắt thỏa mãn và khiêu khích. Ðội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ, trước mặt bao người: “Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn”. Ai chả hiểu “người ta” đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ: “Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng”. Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: “Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu…”.
Sau khi đọc đoạn trích ấy trên facebook của Đỗ Thu Hà, Phạm Thị Thanh Hương nhận định: Thật! Chúng mình chẳng lợi tý gì đâu!. Lê Đức Dục thì khen Nam Cao là “tiên tri số dách”, cần gì Vanga với Nostradamus bên Tây.
1.415 người mến mộ ông Nguyễn Xuân Anh đã lập “Hội Những người ủng hộ Bí thư Đà Nẵng” trên facebook. Không rõ đó có phải là tác động của việc hệ thống truyền thông chính thống thi nhau gom – rải những lời vàng, ý ngọc của ông Nguyễn Xuân Anh hay không? Nhóm thực hiện “Góc nhìn Báo chí – Công dân” trên facebook vừa gửi thăm dò: Hiện có một loạt tờ báo đang “dìm hàng” Nguyễn Xuân Anh và Đinh La Thăng dù trước đó chính những tờ báo này “nâng niu” từng lời nói, hành động của cả hai “tư lệnh”. Vậy thì (A) Báo chí thể hiện sự cơ hội, gió chiều nào theo chiều đó hay (B) Báo chí thể hiện sự sòng phẳng, công – tội rạch ròi. Trừ một số thành viên như Hai Trân Hoang thắc mắc: Hai thằng này có công gì? Đa số chọn A. Tuy nhiên cuộc thăm dò vẫn chưa kết thúc.
Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.