Trương Quang Thi
Mình là dân tỉnh lẻ, làm việc ở Sài Gòn nhưng mọi thứ liên quan đến công quyền vẫn là ở trên Kon Tum.
Ở cái nơi chỉ có vài chục ngàn dân thì hầu như gặp ai nhìn cũng quen quen chứ không lạ lẫm như những thành phố lớn. Thậm chí người như mình thì đi đến cơ quan nào cũng có bạn ở đó, nhiều chỗ bạn mình còn làm sếp to. Gia đình cũng làm ăn chút đỉnh, có đóng góp cho xã hội ít nhiều thành ra chắc họ cũng nể nang một phần vì việc ấy. Cho đến giờ thì mình chưa hề gặp bất cứ khó khăn gì với chính quyền địa phương, đôi khi lâu lâu về họ còn tỏ ra ưu ái hơn mức bình thường nữa.
Mình đi nhiều, va chạm nhiều thì thấy rằng càng ra ngoài phía Bắc bọn quan chức công quyền càng lộng hành. Ăn trắng trợn, ngã giá công khai chứ không tế nhị như quan chức trong Nam.
Trong Nam người ta nếu có ăn cũng đàng hoàng, khéo léo. Ăn tiền rồi mà làm không xong việc người ta còn biết đem tiền trả lại chứ không như bọn quan chức ngoài kia.
Bọn ngoải lúc ăn thì rất bạo miệng nhưng đến khi làm không được thì thằng nọ đổ thằng kia và kết quả là khổ chủ tiền mất tật mang.
Đã không ít những vụ việc từng bị công khai ra bàn dân thiên hạ.
Lại nói về chuyện hai cán bộ của Phường Văn Miếu ăn tiền báo tử.
Chuyện này nếu không có mạng xã hội, không có truyền thông thì chắc nó vẫn sẽ âm thầm diễn ra như từ trước đến giờ. Đội ngũ công chức vẫn sẽ ăn trên đầu dân và người ta cũng quen với việc ấy như một sự mặc định, Bởi ai cũng nghĩ rằng cần có nó để giải quyết nhanh công việc của mình.
Những ông bà cán bộ kia họ thừa biết chỉ cần ngâm lại một thời gian thì tiền cũng sẽ tự động được lòi ra. Và tui tin rằng không có chuyện cấp trên của họ không hề biết việc này.
Mỗi ngày tại một phường có bao nhiêu là chứng sinh, chứng tử. Bao nhiêu là đăng kí kết hôn, công chứng giấy tờ đất đai, vay mượn, hồ sơ tư pháp ….
Với mỗi trường hợp từ vài chục cho đến vài trăm ngàn, số tiền được ẩn dưới dạng bồi dưỡng ấy sẽ lên đến hàng mấy triệu đồng. Không có chuyện chỉ một nhân viên văn phòng ăn gọn được khoản tiền kia.
Họ luôn có những tỉ lệ chia chác, lợi ích ấy luôn ràng buộc họ lại với nhau và khi chưa đến mức thì họ cũng sẽ cho qua như chưa từng có chuyện gì. Bằng chứng là họ từng đàm phán mong được gỡ bài trên Facebook.
Tóm lại họ cũng chỉ là nạn nhân của một hệ thống công quyền mà ở đó người dân không được tham gia giám sát một cách chặt chẽ.
Tại sao chỉ những quốc gia thiếu dân chủ thì vấn nạn tham nhũng, sách nhiễu mới diễn ra mạnh mẽ ?
Là bởi vì luật pháp không được quy định rõ ràng, là bởi cầm quyền không được nhân dân tín nhiệm bầu ra, là bởi lợi ích đan xen, chồng chéo nhau khiến cho người dân cảm thấy nản lòng khi cần đấu tranh để minh bạch.
Cắt hợp đồng, đuổi việc những kẻ này là cần thiết nhưng không giải quyết tận gốc vấn nạn sách nhiễu hành dân.
Cần có luật quy định rõ về quyền giám sát của công dân đối với hệ thống công quyền. Chỉ khi nào hệ thống công quyền được người dân tự nguyện bầu ra. Chỉ khi nào người dân được khuyến khích mở rộng quyền làm chủ. Được tự do biểu đạt ý chí, nguyện vọng của mình mà không sợ bị gán ghép cho tội danh phản động, thì mới may ra khống chế được phần nào.