Ký sự hẻm Sài Gòn: Kỳ cuối: Đời tươi sáng

0
123
Anh Chính - người có thâm niên 17 năm sống ở hẻm 102 Cống Quỳnh với nghề bán vé số
 

Dẫu cuộc mưu sinh đầy trắc trở song chính tình yêu thương, đồng cảm của cộng đồng cư dân hẻm là một trong những “cánh cửa” mở ra nhiều chân trời mới cho người tha phương mưu sinh.

Chuyện của ngày hôm qua

Rời các con phố tấp nập người xe, chúng tôi len lỏi vào con hẻm nhỏ để lắng lòng với tâm sự từ những mảnh đời, số phận tha hương mưu sinh. Ở những con hẻm ấy đã có biết bao người cha, người mẹ lầm lũi đi về với chồng báo, xấp vé số, bao ve chai…, nhẹ nhàng nhưng lòng nặng trĩu 20 năm có lẻ. Thêm một đứa con đặt chân đến giảng đường ĐH thì vết chai sần ở bàn chân, vết chân chim càng chi chít trên khuôn mặt họ…

Căn nhà cấp 4 ẩm thấp, vỏn vẹn 27m2 nằm lọt thỏm cuối con hẻm 102 đường Cống Quỳnh, Q.1 là nơi ngả lưng của 11 con người. Hẻm 102 Cống Quỳnh còn gọi là “hẻm vé số” bởi có nhiều người bán vé số thuê trọ ở đây. Họ đều là người cùng làng (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) và một số ít người Bình Định, Quảng Ngãi vào TP.HCM bán vé số. Người có thâm niên bán vé số ở Sài Gòn là anh Nguyễn Văn Chính, với 17 năm. Trong 17 năm ấy, đã mất hơn 15 năm anh sống trong con hẻm 102 này. Từ những ngày đầu mới vào, chưa quen với công việc nơi xứ người, mỗi ngày chỉ bán được dăm tờ vé số, không đủ tiền trả tiền thuê ngủ (trả tiền chỗ ngủ qua đêm), anh Chính bị chủ nhà đuổi giữa đêm hôm khuya khoắt. Chạnh lòng, ủ rũ, anh ôm chiếc túi xách đựng 2 bộ đồ ra đầu hẻm nơi có bậc tam cấp để ngả lưng. Lần đầu sống xa nhà, không người thân thích, bị đối xử tệ vậy thật ê chề, não ruột.

Cũng trong con hẻm này, chị Nguyễn Thị Thúy đã bị chính người đồng hương, là người đứng ra thuê nhà rồi cho các chị thuê lại đuổi đi vì trễ hạn đóng tiền nhà hơn 2 tuần. Nhắc lại chuyện cũ, mắt chị Thúy ngấn lệ: “Là con gái, việc ra hẻm ngủ đâu dễ như đàn ông con trai. Mà đâu phải mình cố tình quỵt nợ, vì thời điểm ấy khó khăn, mẹ già đau yếu, trong khi đã cầm tiền lúa non của người ta để lo tiền xe, tiền ăn trong những tháng đầu”. Đêm ấy, thấy chị nước mắt lưng tròng lầm lũi lò dò từng bước trong hẻm, người hàng xóm tốt bụng hỏi chuyện và cho chị ngủ nhờ vài đêm. Chị Thúy nói: “Chỉ là một chỗ ngủ qua đêm nhưng nó còn hơn cả bạc vàng vì ở đất này ai dám tin ai? Sài Gòn cũng lắm người tốt bụng”. Trầm ngâm hồi lâu, giọng chị Thúy chùng xuống: “Tôi từng tự hỏi mình nhiều lần, nếu đêm năm ấy, không có người cho mình ngủ nhờ thì một người con gái tuổi đôi mươi cô độc, lẻ loi giữa phố xá sẽ như thế nào?”.

Trong “hẻm vé số”, mỗi mảnh đời mang một số phận buồn. Người chịu di chứng chất độc da cam. Người mắc chứng sốt bại liệt tay chân teo tóp… Người lành lặn nhưng mùa vụ thất bát khiến họ phải bỏ lại ruộng vườn, mẹ già, con cái, vợ hoặc chồng… Cuộc mưu sinh nơi xứ người lắm buồn nhưng cũng nhiều vui vì họ được sống chung một mái nhà, ngồi chung mâm và được sẻ chia tất cả. Với con hẻm 102 này, chính là nơi mà những mảnh đời mưu sinh lớn lên lần nữa và vững tin trước cuộc mưu sinh đầy chông gai đang hiện hữu. Những lời hỏi thăm, nhắn nhủ và đồng cảm từ những người sống trong hẻm như động lực để giúp nhau sống tốt hơn, biết trân trọng cái tình, cái nghĩa. Anh Chính trải lòng: “Lúc mình đang có tâm trạng, đi ngang qua nơi mình ngả lưng ngoài hẻm năm nào tự dưng bật khóc. Dẫu phải chứng kiến biết bao chuyện vui buồn nhưng hẻm quen thuộc và thân thương như chính con đường làng dẫn vào nhà mình”.

…Và hôm nay

Hơn chục năm rồi, cư dân ấp 3 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh vẫn quen gọi con hẻm đất dẫn vào trung tâm ấp là “hẻm ve chai”. Hẻm có một vựa ve chai lớn và xưởng tái chế với gần 100 con người nương tựa vào nhau sống bằng nghề nhặt ve chai cũng như làm việc tại xưởng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết trong số họ là người đến từ các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Hưng Yên và Nam Định. Mỗi sáng, từ trong con hẻm nhỏ họ tản đi khắp nơi để hành nghề. Những câu chuyện vui buồn nơi quê nhà, chuyện học hành của con cái lại bắt đầu khi những chuyến xe đầy ắp bao nilon, giấy, chai, lon… Ông Nguyễn Văn Tự, người dân ở “hẻm ve chai” cho biết: “Hơn chục năm rồi, tại đây có nhiều đứa học hành tử tế, không ít đã ra trường, có việc làm ổn định. Tôi cảm phục sự hy sinh của những người cha người mẹ chịu thương chịu khó, vất vả lam lũ để lo cho con”.

Hì hục chuyển từng bao hàng từ chiếc xe đạp, chị Võ Thị Hạnh (quê Đông Hưng, tỉnh Thái Nguyên) hào hứng góp chuyện: “Thằng nhỏ nhà tôi vừa đậu vào Trường ĐH Tài chính Marketing. Thằng lớn tốt nghiệp ngành CNTT và đi làm được một năm”. Hỏi chuyện kinh tế gia đình, như để thuyết phục, chị Hạnh không trả lời mà bảo tôi hỏi các chị ngồi cạnh. Một chị trả lời thay: “Ở quê, chị ấy còn không có nhà đàng hoàng huống hồ chi đất trồng trọt. Chồng chết vì bệnh xơ gan. Hai con gửi cho bà ngoại chăm sóc. Với nghề nhặt ve chai mà nuôi hai con học ĐH”.

Anh Chính nhớ lại: “Lúc bị đuổi ra khỏi nhà, tôi có ý định ra bến xe về quê luôn nhưng ngẫm lại, mình làm thế chẳng khác nào mình là kẻ thua cuộc. Thời gian ấy, con gái lớn sắp vào ĐH, hai đứa nhỏ đang học lớp 10 và lớp 8. Tôi xác định vào Sài Gòn là để kiếm tiền cho con đi học”. Nay, anh Chính tự hào vì ba con đã tốt nghiệp CĐ-ĐH và có việc làm ổn định. “Tôi không phải lo nhiều nữa nhưng còn sức khỏe, làm tự lo bản thân khỏi phiền đến con”.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Dù bươn chải lam lũ sớm hôm nhưng cuộc sống của các mảnh đời trong con hẻm nhỏ vẫn đứng giữa đôi bờ thiếu – đủ. Song, gia tài lớn nhất mà họ tích lũy được sau nhiều năm vật lộn với vui, buồn nơi xứ người đó chính là tri thức cho con. Tình người nơi con hẻm họ trú ngụ, nơi họ ngả lưng vội đã bao bọc, chở che cho những thành quả ấy.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here