Ký sự hẻm Sài Gòn: Kỳ 4: Nguồn gốc tên hẻm người Hoa

0
77
Hẻm Tân Gia Hòa lý nay là hẻm 904, bên phải tấm bảng còn ghi tên hẻm bằng tiếng Hoa
Hẻm của người Hoa tại TP.HCM phản ánh rõ nét đặc trưng văn hóa, tính cộng đồng của cư dân. Nhiều con hẻm có tên từ lúc những thế hệ người Hoa đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này.

Những ai đã một lần đến những con hẻm nơi cộng đồng người Hoa sinh sống ở Q.5, Q.6, Q.10 và Q.11 đều có thể bắt gặp những cái tên rất lạ, gợi tính tò mò như hẻm Triều Thương, hẻm Vĩnh Phát, Tuệ Hoa lý, Thịnh An lý, Tân Gia Hòa lý, Ngu Lạc hạng, Vinh Viễn hồ đồng…

 “Giải mã” tên hẻm

Theo bà Năm Muội, 81 tuổi, ngụ hẻm Thịnh An lý (số 12 đường  Trần Hòa, Q.5), từ lý trong tiếng Hoa nghĩa là hẻm nhỏ (lý lộng), còn hạng là ngõ. Có nơi hẻm được viết tiếng Hoa, bên trên có cả tiếng Việt. Cũng có hẻm chỉ có tên tiếng Hoa. Người Hoa sinh sống ở Chợ Lớn có thể thuộc nằm lòng tên của các con hẻm trong quận cũng như các quận lân cận. Tuy nhiên, khi hỏi hẻm số thì họ không thể giải đáp bởi những con hẻm tên như gắn liền với tuổi thơ của họ. Có không ít con hẻm được đặt tên từ hàng trăm năm, khi cộng đồng người Hoa bắt đầu đặt chân đến và chọn mảnh đất này lập nghiệp.

Hầu hết các hẻm có cộng đồng người Hoa sinh sống, đặc biệt là Chợ Lớn thì tên hẻm được đắp bằng chữ nổi ngay trên cổng hẻm hoặc chữ gắn trên một khung sắt cố định. Trong số những con hẻm tên còn sót lại ở Chợ Lớn có hẻm Hào Sĩ Phường (hẻm 206 Trần Hưng Đạo, Q.5) nhưng được làm bằng mica. A Bui, người dân sống tại hẻm này thông tin: “Đời cha tôi đã có hẻm Hào Sĩ Phường. Một dạo, bảng tên hẻm được tháo xuống và thay vào đó là bảng tên của một doanh nghiệp. Điều này khiến không ít người khó chịu, nhất là với những người sống hàng chục năm ở hẻm này. Gần đây, theo ước nguyện của người mẹ trước khi qua đời, đứa con trai đã làm lại bảng tên hẻm bằng chất liệu mica treo lên khi doanh nghiệp kia đã dời đi nơi khác”.

Tên hẻm có một gốc tích mà người lớn tuổi ở đây chỉ nghe truyền miệng. Mỗi người có một cách lý giải riêng, một cách hiểu riêng nhưng cách giải thích nào cũng thú vị và thuyết phục. Tên hẻm Hào Sĩ Phường được giải thích: Hào là hào hiệp, Sĩ là văn sĩ còn Phường là nơi buôn bán (buôn có bạn, bán có phường). Hay như hẻm Triều Thương (đường Cao Văn Lầu, Q.6) được bà con ở đây giải thích rằng: Triều là người Triều Châu (hay còn gọi là Tiều Châu) và Thương nghĩa là thương gia. Hẻm được các thương gia người Triều Châu đến sinh sống và lập nghiệp đặt tên. Hay như nguồn gốc cái tên hẻm Thịnh An lý (số 12 đường Trần Hòa) được bà Năm Muội lý giải: Thịnh là thịnh vượng, An là bình an, lý là lý lộng, tức hẻm nhỏ. Người Hoa đặt tên hẻm như để cầu mong cuộc sống thịnh vượng, an lành.

Nguy cơ “xóa sổ” hẻm tên

Chứng kiến sự thăng trầm của các con hẻm từ gần 80 năm qua, bà Năm Muội nói: “Những năm gần đây, nhiều con hẻm đã bị đập bỏ để phục vụ cải tạo, xây dựng khu dân cư, cao ốc thương mại. Sự đổi thay ấy lại khiến không ít người lấy làm buồn vì những con hẻm tên từ hàng trăm năm bị “khai tử”, thay vào đó là cánh cổng sắt không ăn nhập gì đến kiến trúc nhà của người Hoa bên trong con hẻm ấy…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều hẻm tên ở Chợ Lớn đã bị “xóa sổ”, thay vào đó là khu dân cư với hẻm số. Như hẻm số 57 đường Nguyễn Trãi trước đây có tên là Vinh Viễn hồ đồng; hay hẻm 508 cũng thuộc đường này trước là hẻm Quần Ngọc Phường…

Chúng tôi tìm đến hẻm Tân Gia Hòa lý (nay là hẻm 904) trên đường Nguyễn Trãi. Theo người dân sống ở hẻm này, trước đây ở đầu hẻm có cổng được xây với lối kiến trúc cổ kính, vững chãi như chở che những căn nhà trệt nhỏ bên trong hẻm nhưng vài năm trở lại đây đã thay thế bằng cổng sắt. Phía trước cổng đặt bảng ghi “Khu dân cư 4A”. Còn dòng chữ Tân Gia Hòa lý thì viết rất nhỏ ở một bên bảng. Hẻm 904 là một trong số ít hẻm ở Chợ Lớn còn giữ lại tên cũ, dù chỉ là một dòng chữ nhỏ.

Cộng đồng người Hoa sinh sống tập trung, tạo thành cộng đồng hẻm đoàn kết, hòa thuận. Hẻm thông từ đường này sang đường khác, ở mỗi đầu hẻm đều thiết kế cổng và bảng tên hẻm. Vào trong hẻm, cuộc sống gần như tách biệt với cái ồn ào, huyên náo ở bên ngoài. Hiện nay, đặt chân đến những con hẻm tên của cộng đồng người Hoa, điều dễ nhận thấy là người Hoa sống trong các con hẻm này không còn nhiều. “Nhìn kiểu nhà, cửa sắt và màu sơn trang trí phía trước là biết ngay chủ nhân của nó người Hoa hay người Việt”, bà Lưu Tần ngụ hẻm Triều Thương cho biết.

Kiến trúc và giá trị lối sống hẻm của người Hoa được các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư khắp nơi tìm đến khám phá, lưu giữ hình ảnh, trong đó có giới chuyên môn đến từ nhiều nước trên thế giới. Hẻm của người Hoa còn là địa chỉ cho du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Thật không dễ để tìm lại được những gì độc đáo ở hẻm người Hoa bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, mọi thứ đã dần thay đổi. Từ những cánh cửa lùa bằng gỗ đến những cái bảng tên, cổng hẻm… gần như chỉ còn trong ký ức. Bà Năm Muội lo lắng: “Không biết vài năm nữa, những cái bảng tên kia có còn”…

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Kỳ cuối: Đời tươi sáng

Dẫu cuộc mưu sinh đầy trắc trở song chính tình yêu thương, đồng cảm của cộng đồng cư dân hẻm là một trong những “cánh cửa” mở ra nhiều chân trời mới cho người tha phương mưu sinh. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here