Thử một vòng khám phá mới thấy hẻm Sài Gòn có nhiều cái hay, lạ, độc đáo hiếm nơi nào có được. Chúng tôi đã nhiều ngày rong ruổi khám phá “mê cung” hẻm Sài Gòn với nhiều điều thú vị.
Ít nhất cũng đã một lần, người đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn đã đặt chân đến một con hẻm nhỏ. Đúng hơn là cực nhỏ, chỉ vừa đủ để một người đi bộ hoặc một chiếc xe gắn máy đi qua. Nếu hai người đi bộ ngược chiều thì cả hai phải nghiêng mình thế “lá hẹ” mới có thể đi qua được. Trong hai người ấy, nếu có một người to béo thì chắc chắn một người phải trở ra, nhường đường cho người đi chiều ngược lại.
Đi thế “lá hẹ”
Mấy ai biết rằng bên trong dãy nhà mặt tiền mua bán sầm uất, nhà hàng sang trọng luôn nườm nượp khách trên đường Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1 là những xóm nhà siêu nhỏ. Nhà siêu nhỏ thì cũng chẳng mới mẻ gì với dân Sài Gòn, song ít ai có thể ngờ ở những căn nhà từ 2m2 đến 5-7m2 ấy lại có nhiều thế hệ sinh sống. Nhà nhỏ, hẻm cũng siêu nhỏ, rối chằng rối chịt như canh hẹ. Ông Nguyễn Văn Quang, người cố cựu ở hẻm 149 Trần Quang Khải, Q.1 nói thật như đùa: “Không ít người vào đây rồi mất nhiều giờ nhưng chưa ra được đường chính bởi hẻm ngang, dọc san sát”. Bán cà phê ở đầu hẻm, mỗi ngày ông Quang chứng kiến không dưới 5 trường hợp bị “lọt” vào “ma trận” hẻm. Thế nên mới có chuyện người đi lạc trong hẻm. Cũng tại con hẻm này có một quán bán lẩu dê nổi tiếng từ trước năm 1975. Không ít thực khách đến đây lần đầu, mất nhiều thời gian tìm ra quán đều buông câu: “Hơi bị ma trận”. Thế nên mỗi lần rủ rê bạn nhậu, chỉ cần nhắn tin: “Lẩu dê ma trận” là bạn nhậu hiểu ngay ở chỗ nào.
Ở con hẻm này, với người sống trong hẻm đều thuộc nằm lòng “luật” khi ra vào hẻm, như xe máy đến đầu hẻm là phải bấm còi, xe có còi âm lượng càng lớn càng tốt. Đến những hẻm ngang, nếu như không nhận ra tiếng còi xe của nhau để phải “đụng đầu” thì một trong hai người chấp nhận xuống xe đẩy lùi lại ngã ba, ngã tư nào đó nhường đường.
“Những ai cứng đầu ương ngạnh không chịu nhường nhịn, lớn tiếng cãi vã thì chắc chắn người đó không phải là cư dân của hẻm mà là từ nơi khác đến, chưa biết “luật”. Người sinh sống ở đây cũng đã quá quen với tiếng xe máy, tiếng còi xe inh ỏi dội ngược vào tận phòng ngủ. “Người ta có khó đến mấy cũng chẳng ai phàn nàn vì tiếng ồn bởi đó là “đặc trưng” của hẻm một người đi”, ông Quang nói.
Quan tài không vào hẻm
Hẻm nhỏ, nhà cửa san sát nên mọi sinh hoạt ở nhà này nhà kia đều biết tất. Đó là cái đặc trưng rất riêng của ngõ hẻm Sài Gòn. |
Lần đến thăm người bạn ở một con hẻm nhỏ gần Cầu Bông (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh), cố nhà văn Sơn Nam nói với bạn: “Thằng này ở trong hẻm nhỏ xíu, đến khi chết không khiêng quan tài ra được”. Ở Sài Gòn có biết bao con hẻm mà quan tài không thể ra, vào được. Nhà nào có người mất thì đều đem ra chùa khâm liệm. Ông bạn đồng nghiệp của tôi sống trong khu dân cư với “ma trận” hẻm một người đi ở đường Trần Văn Đang, P.11, Q.3 nói vui: “Hẻm tôi ở, bữa trưa, bữa chiều nhà nào ăn gì ai cũng đều biết bởi mùi thức ăn cứ quẩn quanh hàng giờ, không thoát ra khỏi con hẻm chật hẹp, tù túng”. Hẻm chật hẹp đã đành, nhà này “chiếu tướng” nhà kia mới thêm phiền. Để tránh những cái nhìn thẳng vào nhà mình từ hàng xóm, không ít nhà cho treo tấm màn lớn trước cửa càng thêm ngột ngạt, khó chịu. Không chỉ ở các khu nhà (trước là khu nhà ổ chuột) nằm dọc theo hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới có hẻm một người đi mà ngay giữa trung tâm thành phố cũng có, như ở Q.1, các con đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng, Hàm Nghi, Lê Thánh Tôn… Theo quy hoạch từ xa xưa, những con hẻm đã nhỏ, về sau do người dân tự ý cơi nới nhà cửa, mỗi người nhích ra một ít khiến hẻm càng nhỏ hơn. Hẻm một người đi không hẳn chỉ có ở khu lao động nghèo, những khu nhà tạm bợ được mọc lên ở khu đất quy hoạch treo thuộc ngoại thành mà ở những nơi được cho là sầm uất nhất Sài Gòn cũng không hiếm. Ở những nơi có hẻm rộng, xe hơi vào được nhưng từ sáng sớm đến khuya hàng quán, bàn ghế hay những chợ chồm hổm bày la liệt khiến một chiếc xe máy cũng khó mà đi qua. Những con hẻm này cũng được người dân đặt cho cái tên là hẻm một người đi.
Sài Gòn không thiếu những con hẻm chật hẹp với bề rộng chỉ tầm một cánh tay với. Như lúc sinh thời, nhà văn Sơn Nam thường nói vui về con hẻm lao động nghèo nơi ông ở: “Tôi bật quẹt đốt thuốc cũng đủ làm bà con lối xóm giật mình. Hôm nào không nghe tiếng xoành xoạch bật lửa là họ biết tôi đã lang thang ở đâu đó”. Hẻm nhỏ, nhà cửa san sát nên mọi sinh hoạt ở nhà này nhà kia đều biết tất. Đó là cái đặc trưng rất riêng của ngõ hẻm Sài Gòn.
Sau thời gian đến Sài Gòn, khám phá nhiều con hẻm lớn nhỏ, một nhà báo nước ngoài đã viết trong Tạp chí Saigon City Life rằng: “Hẻm phố thông ra thế giới”. Viết vậy cũng không quá, bởi ông cảm nhận rằng: “Các ngõ hẻm của Sài Gòn là những nguồn lạch chảy ra sông ra biển; ngõ hẻm chi chít chảy ra đường phố, ra các đại lộ, nơi các công trình kiến trúc tổng hợp những nét văn hóa của thế giới”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
LTS: Hẻm Sài Gòn mang nét đặc trưng văn hóa, kiến trúc và lối sống rất riêng. Hẻm gắn liền với tuổi thơ của thị dân, như máu thịt dẫu có đi xa bao năm người ta vẫn nhớ. |
Kỳ 2: “Nhiều chuyện” với hẻm
Muốn vứt bỏ cái ồn ào ngột ngạt của phố thị, có thể “trốn” vào một con hẻm nhỏ, nơi đó có quán cà phê cóc. Muốn “thoát” cảnh kẹt xe thì vào hẻm. Muốn hẹn ai đó chỉ cần nói tên hẻm…