Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 3: Hồ Duy Hải có phải là nghi phạm duy nhất trong thảm án Bưu điện Cầu Voi?

0
203
Tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: Tiền Phong
SOHA
Là những người đầu tiên bị công an triệu tập sau thảm sát tại bưu điện Cầu Voi, song hồ sơ vụ án lại không tìm thấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol. Hai người này được cho là có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân và từng bị gia đình tử tù Hồ Duy Hải tố giác liên quan vụ án.

Quá trình kêu oan cho Hồ Duy Hải (34 tuổi) sau khi con mình bị tuyên án tử, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hải) cùng luật sư Trần Hồng Phong – bào chữa cho tử tù, nhiều lần có đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị (ngụ xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) có dấu hiệu liên quan đến cái chết của 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).

Thời điểm xảy ra vụ án, cơ quan điều tra nhận định có khả năng hung thủ chỉ là một và không loại trừ người quen hay người yêu của 2 nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi). Vì vậy, cả Nguyễn Văn Nghị cùng Nguyễn Mi Sol đã được triệu tập lấy lời khai.

Song về sau, lời khai của 2 người này đều “bốc hơi” khỏi hồ sơ vụ án.

Lời khai bị rút khỏi hồ sơ vụ án

Theo lời kể của một số nhân chứng, đêm xảy ra án mạng (13/1/2008), họ thấy Nghị có mặt tại bưu điện, nhưng sau đó rời đi lúc nào không ai rõ. Biên bản lấy lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh (bạn của Vân) cho biết thêm, Nghị và Sol là hai bạn trai của nạn nhân Hồng.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 3: Hồ Duy Hải có phải là nghi phạm duy nhất trong thảm án Bưu điện Cầu Voi? - Ảnh 2.

Hồ Duy Hải trước khi bị bắt. Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội

Nghị nằm trong những người đầu tiên bị cơ quan điều tra triệu tập để lấy lời khai. Hai ngày sau, cảnh sát tiếp tục gọi Sol và 2 thợ bạc của tiệm vàng gần Bưu điện Cầu Voi tới.

Tuy nhiên, Nghị đưa ra được tình tiết ngoại phạm. Cụ thể, nam thanh niên khai từ 20h10 ngày 13/1/2008 cùng bạn uống nước tại một quán cà phê (cáo trạng xác định án mạng xảy ra khoảng 20h30).

Chủ quán cũng xác nhận điều này vì tối đó có một sự việc rất đặc biệt, lúc uống cà phê giữa Nghị và một thanh niên khác xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu”, khiến chủ quán phải đến can ngăn.

Dựa vào lời khai này, nếu muốn gây án Nghị phải có mặt tại hiện trường trước đó. Do vậy, vài ngày sau, nghi can được cho về nhà.

Đối với Sol, trong hồ sơ vụ án, anh này đóng vai trò nhân chứng, được cơ quan điều tra cho nhận dạng qua ảnh một số tài sản đeo trên người của nạn nhân Hồng.

Thế nhưng, về sau toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến lời khai của Nghị và Sol đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án.

“Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị? Đây là những điều rất bất thường”, luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi trên báo Tuổi Trẻ.

Trên tờ Thanh Niên, ngày 13/2/2019, một cán bộ Công an xã Nhị Thành (đã nghỉ công tác) cho biết, Nghị và Sol đã trở về quê sinh sống khoảng 10 năm nay.

Cán bộ này cho biết thêm, thời điểm năm 2007, thợ học nghề và làm gia công cho tiệm vàng rất đông. Ngoài dân địa phương còn có bà con họ hàng của chủ tiệm quê ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), bao gồm Nghị và Sol đến tạm trú dài hạn để học nghề.

Tan tầm chiều, nhóm thanh niên thường sang Bưu điện Cầu Voi để nói chuyện với Hồng và Vân.

Có những ai ở hiện trường đêm xảy ra thảm án?

Nhiều lần chia sẻ trên báo chí, luật sư Trần Hồng Phòng (bào chữa cho Hồ Duy Hải), cho biết quá trình thu thập chứng cứ, luật sư đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Thu (làm xe ôm) và chị Lê Thị Thu Hiếu (nhân viên Bưu điện xã Nhị Thành).

Theo đó, chị Hiếu khẳng định chưa bao giờ nghe Hồng, Vân nhắc đến Hải hay thấy anh này tại bưu điện Cầu Voi. Song, chị nhiều lần gặp Sol và Nghị đến chơi với hai nạn nhân. Riêng Sol thường ghé thăm Hồng vào buổi tối và ngủ lại với cô gái trên lầu 1.

Chị Hiếu cũng cho biết hôm xảy ra vụ án, chị nghe thấy Hồng nói chuyện điện thoại với Sol hai lần, nạn nhân 23 tuổi khẳng định tối đó Sol sẽ đến.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 3: Hồ Duy Hải có phải là nghi phạm duy nhất trong thảm án Bưu điện Cầu Voi? - Ảnh 5.

Luật sư Trần Hồng Phong trở lại hiện trường vụ án – Bưu điện Cầu Voi. Ảnh: Tuổi Trẻ

Về phần ông Thu, ông cho biết gần 19h ngày 13/1/2008, ông chở Hải về tận nhà; sau khi anh này xuống bến xe bus từ TP.HCM về Long An, tại ngã ba Bình Ảnh. Hôm ấy, Hải mặc áo sơ mi, đội nón kết và tay cầm tờ báo.

Khoảng 21h30-22h cùng ngày, ông Thu chở 2 người khách đi ngang bưu cục Cầu Voi và thấy “trên lầu 1 bưu điện còn sáng đèn, cổng, cửa phía trước bưu điện đều đã đóng”.

“Nếu đúng thì rõ ràng trong đêm 13/1/2008 đã có người ở trên lầu 1 bưu điện”, luật sư Phong đặt vấn đề.

Một nhân chứng khác cho biết, khoảng hơn 20h đêm ấy, người này vào Bưu điện Cầu Voi để gọi điện thoại thì thấy tại phòng giao dịch chỉ có một nữ nhân viên. Nhưng ở ghế salon còn có một thanh niên mặc áo thun ngắn tay màu xám đen, hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ.

Trong khi đó, cáo trạng mô tả Hải mặc áo thun màu xanh, trên ngực có hàng chữ màu trắng.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 3: Hồ Duy Hải có phải là nghi phạm duy nhất trong thảm án Bưu điện Cầu Voi? - Ảnh 6.

Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi. Ảnh: NLĐ

Ngoài ra, cáo trạng ghi nhận, lúc 19h39 có nhân chứng phát hiện Hải ngồi trong bưu điện, nhưng một chi tiết khác trong cáo trạng lại nói “khoảng 20h Hải điều khiển xe tới Bưu điện Cầu Voi”.

Cũng theo cáo trạng, khoảng một tuần sau khi gây án, Hải lấy quần áo đã mặc trong lúc gây án cùng dây thắt lưng bằng da đem đi đốt để phi tang. Kết quả giám định lại ghi kết luận “không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng và quần áo…”.

Cáo buộc còn chỉ ra, nhân chứng Đinh Vũ Thường thấy Hải tại bưu điện Cầu Voi. Song, tại biên bản lời khai ngày 31/3/2008, Thường khẳng định chưa bao giờ nói đã nhìn thấy Hải mà chỉ thấy thấp thoáng “một thanh niên” bên trong bưu điện, vì tầm nhìn bị ngăn cách qua một lớp kính, khoảng cách xa (6-12m) và điều kiện ánh sáng ban đêm.

Tử tù Hồ Duy Hải không được triệu tập đến phiên giám đốc thẩm

Trao đổi với PV chiều 5/5, lãnh đạo Văn phòng Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, dự kiến vào sáng nay (6/5), sẽ diễn ra phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về hai tội Giết người và Cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An. Phiên tòa này do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa.

TAND Tối cao sẽ mời luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP HCM) tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải tại phiên giám đốc thẩm.

Phiên giám đốc thẩm dự kiến mở ở trụ sở TAND Tối cao, kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 6/5 đến 8/5. Trong phiên tòa này, Hồ Duy Hải sẽ không được triệu tập như phiên sơ thẩm và phúc thẩm.

Phiên toà giám đốc thẩm của Hội thẩm phán chủ yếu xử trên hồ sơ, không có bị cáo, không nhân thân đương sự, không có bị hại. Theo đó, Hội đồng thẩm phán chỉ triệu tập những người đã thực hiện các tố tụng ở các cấp đã xét xử như điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên, luật sư… theo đúng quy định.

Cũng theo thông tin từ Văn phòng Tòa án nhân dân Tối cao, do phòng xét xử của đơn vị nhỏ và thực hiện quy định về phòng chống dịch COVID-19 , nên phiên xét xử giám đốc thẩm này chỉ mời một số phóng viên báo chí tham dự đưa tin.

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Kỳ 3: Hồ Duy Hải có phải là nghi phạm duy nhất trong thảm án Bưu điện Cầu Voi? - Ảnh 9.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here