Kinh tế Mỹ đứng vững

0
61
Đi mua sắm ở Costco, Thornton, Colorado. Hình minh hoạ.

Ngô Nhân Dụng

Blog VOA

Lạm phát vẫn đe dọa, lãi suất vẫn cao, nhưng kinh tế Mỹ vọt lên 4.9% trong thời gian từ tháng Sáu đến tháng Chín sau khi tăng trưởng thêm 2 phần trăm trong sáu tháng đầu năm. Tốc độ phát triển sẽ giảm bớt trong thời gian tới; nhưng so với kinh tế Âu châu thì kinh tế Mỹ vững hơn nhiều.

Theo Quỹ Tiền Tệ Thế giới (IMF) kinh tế Âu châu sẽ chỉ tăng thêm khoảng 1.3% trong năm 2023, qua năm 2024 sẽ thêm 1.5%. Năm nay, các nước kinh tế lớn trên thế giới chỉ tăng được 0.7%, sang năm sẽ lên 1.2%.

Một yếu tố chính giúp kinh tế Mỹ lên nhanh là người tiêu thụ bỏ tiền ra “mua sắm trả thù” sau thời gian phải nhịn vì “đóng cửa.” Và họ có sẵn phương tiện để “trả thù.” Số tiền để dành của dân Mỹ đã tăng vọt sau khi tích lũy trong hai năm bịnh dịch. Cuối năm 2019, dân Mỹ có $980 tỷ đô la ký thác trong các trương mục ngân hàng, có thể rút ra dùng bất cứ lúc nào. Năm 2023, theo bản tin Reuters, số tiền đó đã lên tới $4 ngàn tỷ – gấp 10 lần Tổng Sản Lượng Nội Địa của Việt Nam (ước tính hơn $400 tỷ trong năm nay).

Người tiêu thụ Mỹ chi tiền hăng hái vì nhiều người bỗng thấy tài sản của họ “quá lớn,” tăng 37% trong ba năm qua. Họ cảm thấy giàu hơn, vì trị giá ngôi nhà của mình làm chủ cao hơn, và thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất kể từ 30 năm nay. Tiền tiết kiệm nhiều, nợ nần ít, lương bổng vững chắc, dân Mỹ đi mua đồ đạc, các máy điện dùng trong nhà, cả đồ hành lý và nữ trang. Trong ba tháng vừa qua, người Mỹ đã chi tiêu 0.7% nhiều hơn để mua hàng hóa, thức ăn, nước uống, xe tải nhẹ và thuốc men. Và họ chi 0.8% nhiều hơn cho các dịch vụ, du lịch, sức khỏe, đi máy bay và mua nhà.

Trong quý thứ ba năm nay, số tiêu thụ của dân Mỹ đã tăng thêm 4.0%, sau khi chỉ 0.8% trong ba tháng trước. Người ta đi mua xe, đi ăn tiệm, du lịch và đi nghe hát. Sarah Wolfe, một nhà kinh tế của Ngân hàng Morgan Stanley đã tính toán, một khán giả đi nghe ca sĩ Taylor Swift biểu diễn đã chi $1,500 đô la cho tiền máy bay, khách sạn, mua vé, ăn tiệm; và chi $1,800 đô la nếu muốn đi coi Beyonce trên sân khấu!

Những người giàu nhất để dành được nhiều nhất, cũng chi tiêu nhiều nhất. Một phần năm dân Mỹ giàu nhất thường chiếm hai phần năm tổng số tiêu thụ. Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2023, tài sản của 10% những người Mỹ giàu nhất đã tăng một phần ba, thêm $28 ngàn tỷ, theo Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed). Trong cùng thời gian đó, tài sản của một nửa dân Mỹ nghèo hơn cũng tăng dù ít hơn, từ $2 ngàn đến $3.6 ngàn tỷ, vẫn theo Reuters.

Nhưng cái gì lên rồi cũng phải xuống bớt, kinh tế Mỹ sẽ đi xuống trong thời gian tới. Tiền tiết kiệm trong thời gian bệnh dịch sẽ cạn dần, có thể sẽ được tiêu hết trong nửa đầu năm 2024. Giá nhà cửa sẽ không tăng vì lãi suất mua nhà lên đến 8%. Gần 30 triệu người được hoãn trong thời gian bệnh dịch, không phải trả lại những món nợ vay để học đại học, sẽ bắt đầu phải trả nợ. Trong quý thứ ba, các công ty sản xuất nhiều để nâng số tồn kho. Họ sẽ không còn tiếp tục nếu không cần đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ.

Trong ba tháng cuối cùng năm nay, Tổng Sản Lượng Nội Địa có thể chỉ tăng thêm 1.5%. Một dấu hiệu xấu là giới kinh doanh đã bớt đầu tư; số tiền mua máy móc và thiết bị chỉ tăng 0.8% trong quý thứ ba, sau khi tăng 5.2% trong quý trước, theo Markets Insider. Lý do chính là lãi suất cao quá, các công ty ngần ngại không vay để đầu tư nếu không tin tiền lời sẽ cao hơn lãi suất.

Từ tháng Ba năm 2022, Ngân Hàng Trung Ương đã tăng lãi suất để chống lạm phát, và sẽ chưa cắt bớt mặc dù đã thấy kết quả khích lệ. Tỷ số lạm phát giảm từ 9.1% xuống chỉ còn 3.7% một năm, thấp nhất trong ba năm qua. Nếu không kể thực phẩm và nhiên liệu, hai thứ giá cả lên xuống thất thường, giá sinh hoạt ở Mỹ chỉ tăng 2.4%, theo thống kê của Fed. Chủ tịch Jerome Powell cho biết sẽ còn giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian tới vì chưa đẩy tỷ số lạm phát xuống mục tiêu 2% một năm.

Thị trường nhân dụng đã tạo thêm công việc làm liên tiếp trong 33 tháng qua. Tin lạc quan nhất là 336,000 công việc làm mới được tạo ra trong tháng Chín, con số kỷ lục, so với 227,000 “jobs” mới trong tháng Tám.

Tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp, ở mức 3.8%, dưới 4% trong hai năm liền, một thành tích hiếm có kể từ thập niên 1960. Khi ít người thất nghiệp thì những người đi làm cũng được tăng lương, lương trung bình đã lên $17 đô la một giờ. Từ cuối năm ngoái, lương bổng công nhân tăng nhiều hơn tỷ lệ lạm phát; đặc biệt trong giới công nhân lương thấp. Những ngành dịch vụ như khách sạn, tiệm ăn, rất khó kiếm người làm, nhân viên các nhà kho cũng khan hiếm; tất cả bắt buộc phải tăng lương. Julia Pollak, kinh tế gia của ZipRecruiter, một công ty tuyển mộ, tính rằng kể từ đầu năm 2020 khi Covid bắt đầu, lương bổng các công nhân thuộc loại 10% lương thấp nhất đã tăng thêm 25%, trong khi giá cả chỉ tăng 18%, theo hãng tin AP. Tăng lương là động lực thúc đẩy nâng cao số tiêu thụ.

Khi số tiền để dành trong thời Covid cạn thì mức tiêu thụ nói chung sẽ giảm, sang năm kinh tế Mỹ sẽ không còn tăng lên mạnh như năm nay nữa. Một mối hy vọng là những chương trình chi tiêu của chính phủ sẽ nâng kinh tế lên, trong đó có đạo luật cải thiện hạ tầng cơ sở năm 2021 sẽ bắt đầu được thi hành, và các biện pháp nâng đỡ những cuộc đầu tư vào năng lượng sạch; cả hai sẽ tạo rất nhiều công việc.

Có thể nói nước Mỹ cũng may mắn hơn các nước Âu châu, như nhà kinh tế Paul Krugman nhận xét. Khi Nga xâm lăng Ukraine thì các nước châu Âu chống Nga phải chịu mua hơi đốt và dầu lửa với giá cao hơn, trong khi nước Mỹ tăng số lượng hơi đốt, còn dư để xuất cảng.

Ông Krugman, giải Nobel năm 2008, nhận thấy các biện pháp tài chánh trong thời Covid của chính phủ Mỹ khác bên châu Âu, tạo ảnh hưởng khác nhau. Chính phủ Mỹ đã quyết định chi tiêu rất nhiều để bù vào số đầu tư và tiêu thụ tụt xuống khi có bệnh dịch. Chính sách chi tiêu đó gây ra lạm phát nhưng cũng bảo vệ nền kinh tế không suy sụp. Các chính phủ Âu châu trợ cấp cho các xí nghiệp để có tiền tiếp tục trả lương cho nhân viên, dù họ không phải làm việc. Chính phủ Mỹ theo phương pháp khác, chấp nhận các công nhân mất việc làm, nhưng gia tăng thời gian cho họ được lãnh “bảo hiểm thất nghiệp” lâu hơn. Vì thế, giới lao động ở Âu châu tiếp tục gắn liền với các công ty chủ nhân cũ; còn các công nhân ở Mỹ được nhiều tự do lựa chọn, đi tìm công việc mới sau khi kinh tế mở cửa lại.

Sau cơn bệnh dịch, kinh tế cả Âu châu và Mỹ đã thay đổi, với nhiều nghề nghiệp mới, công ty mới và công việc mới. Giới lao động Mỹ tự do thích ứng với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Có lẽ đó là một nguyên do giúp kinh tế Mỹ phát triển lại dễ dàng. Nước Mỹ đã chọn một cơ cấu kinh tế linh động dễ thích ứng với hoàn cảnh luôn thay đổi.

https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-dung-vung-/7336980.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here