Khi giới lãnh đạo trở thành tầng lớp thống trị giàu có, cải cách thế nào?

0
50
Các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 hôm 31/1/2021 AFP

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ

2022.02.08

Giới lãnh đạo hiện nay trở nên “hữu sản” giàu có. Họ khác biệt với thế hệ cộng sản, “nguyên thuỷ vô sản”, có cơ hội chuyển hoá “đặc quyền” thành “đặc lợi” và tìm mọi cách để duy trì chế độ đã thay đổi về bản chất.

Nếu đặc điểm nêu trên được tính đến như một thực tế thì việc tiếp cận với cải cách sẽ phải thay đổi để có thể mang lại niềm tin cho người dân. Đó là xây dựng các thể chế cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hoá xã hội.

Thực tế sự giàu có của quan chức là không thể phủ nhận. Để biết đầy đủ mức độ đến đâu là không thể vì đây là chủ đề “nhạy cảm” với chế độ, nhưng quá trình “hữu sản hoá” nhanh chóng, đặc biệt trong thời buổi “tranh tối tranh sáng” của kinh tế thị trường, mang tính xu hướng và có hệ thống. Trước hết, từ những lời đồn, bàn tán của dư luận ở nhiều nơi và trong nhiều tình huống “bên lề” các sự kiện quan trọng hay mỗi khi có quan tham bị trừng phạt. Chẳng hạn trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, những khối tài sản khủng, những biệt phủ, những ngôi nhà mặt phố hay các trang trại của nhiều lãnh đạo cao cấp nhất được nêu đích danh và  bị “tung hô” trên các trang mạng như “Quan làm báo”, “Dân làm báo”….

Những tin tức kiểu như trên chỉ được xem là các thủ đoạn đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, từ khi Đảng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm”, dư luận dần biết rõ hơn về sự giàu có của quan chức qua các phương tiện truyền thông của Nhà nước. Lúc đầu có thể chỉ là những tin đơn lẻ ở một tỉnh miền núi kiểu như trường hợp một giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái có biệt phủ khang trang, cầu treo, hồ cá trên vùng đất rộng hàng ha… khiến dư luận xôn xao. Sau đó, từ các vụ đại án tham nhũng như “Út trọc”, “Vũ nhôm” hay nhận hối hộ hàng triệu đô la, tuy còn hạn chế, nhưng đã phần nào phản ánh quy mô và tính chất độ giàu có của quan chức.

Các nhà cải cách đã công khai thừa nhận thực trạng giàu có của quan chức trong bộ máy công quyền, đã ban hành những quy định về kê khai tài sản của công chức từ cấp phó phòng trở lên. Ở một số đơn vị sự nghiệp công lập bản kê khai này được niêm yết công khai cho các nhân viên, nhưng ở các cấp lãnh đạo cao của Đảng được phân cấp quản lý hồ sơ, thường là tài liệu mật đối với cấp cao nhất. Tuy nhiên, chính sách này gần như là thất bại, mang tính hình thức và không có ai bị “xử lý” về nguồn gốc bất minh. Thậm chí trái lại, những phản ứng “ngược” đã xuất hiện khi cho rằng liệu có vi phạm “quyền riêng tư” hay không. Không thể kiểm soát được nguồn gốc tài sản giải pháp chính sách chống tham nhũng dựa trên “bằng chứng” trở nên bế tắc. Gần đây, tại phiên họp 21 ngày 20/1/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Tổng Bí thư Đảng CS kiêm Trưởng Ban đã phát biểu về “tăng cường kiểm tra đảng khi có dấu hiệu” như một lời cảnh báo mang tính tình huống.

c23ee087-0eb2-4d34-bd85-e8e5d8fc68a9.jpeg

Một người lái xe ôm đang ngủ trên chiếc xe máy trước một tấm biển quảng cáo khu nhà ở cao cấp ở TPHCM. AFP

Mục đích chống tham nhũng được Đảng coi trọng để Đảng và Nhà nước “trong sạch, vững mạnh”, nhưng dường như chính sách này đang gặp thách thức từ chính nội bộ. Nhiều vụ việc và quan tham hơn bị trừng trị, nhưng tình hình nghiêm trọng của quốc nạn tham nhũng không thuyên giảm. Đảng đã biện minh cho thực trạng này là “sự suy thoái” của các quan chức hư hỏng, số “bị lộ” bị xử lý và “chưa bị lộ” được cảnh báo, nhưng những vụ việc gần đây như đại án “Việt Á” hay “Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao” cho thấy tham nhũng vẫn phát sinh mỗi khi có cơ hội trục lợi dù hành vi như trên bị lên án là “tội ác” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây chết chóc và tàn phá nền kinh tế. Gần đây, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra căn nguyên của tình hình tham nhũng là sự tha hoá quyền lực. Trong phiên họp 21 nêu trên, dự kiến xây dựng một “quy chế kiểm soát quyền lực” được giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì soạn thảo. Đây có thể là nỗ lực được tiếp tục thiết kế “lồng thể chế” đã được nêu từ trước Đại hội 13, nhưng có thể dự đoán sẽ gặp thách thức rất lớn từ nội bộ bởi “ta đánh ta” đang đến hồi căng thẳng.

Bộ máy công quyền khác thời “cách mạng” về bản chất, trong đó giới lãnh đạo “vô sản” đã trở thành tầng lớp “hữu sản” giàu có. Nhấn mạnh “chỉnh đốn” Đảng mong muốn quay trở lại mô hình Lenin về tổ chức nhân sự để có thể “lật ngược” tình thế khó khăn sau Cách mạng vô sản Tháng 10 Nga năm 1917. Đó là mô hình chuyên chế, trong đó bằng bạo lực những đảng viên cộng sản nhận “xứ mệnh lịch sử” (dù là thiên đình hay thần linh giao phó – cách giải thích bí hiểm đã từng được Thomas Hobbes là một Triết gia người Anh thế kỷ 17 mô tả là “quyền thiêng liêng của các vị vua!” – “divine right of kings”) là lãnh đạo quốc gia phá bỏ áp bức bóc lột và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong suốt hơn một thế kỷ tồn tại “bộ máy đảng trị” dù luôn điều chỉnh để thích nghi với tình hình, nhưng đã thay đổi về bản chất từ khi chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Giới lãnh đạo đảng CS đã hình thành tầng lớp thống trị mới “nomenklatura” (gốc tiếng Nga: номенклатура) có đặc quyền, đặc lợi ở hầu hết các vị trí hành chính quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động từ hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, các đoàn thể) đến kinh tế, văn hoá- xã hội. Sự vận hành của nó được biện minh nhằm mục đích với các giá trị lý tưởng cao đẹp, nhưng đã phụ thuộc vào bộ máy này, vào quyền lực của nó tập trung tinh vi và phức tạp theo hình tháp với đáy là các chi bộ – cấp cơ sở thực thi qua các cấp trung gian lên đến đỉnh, ban chấp hành trung ương, ban bí thư, bộ chính trị – cơ quan quyền lực tối cao của đảng và kết thúc bằng quyền lực tuyệt đối – tổng bí thư. Mô hình này được “du nhập” “sáng tạo” để thích nghi với chế độ phong kiến Á Đông vốn đã tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm với hai cội nguồn, đó là “bộ máy Nhà nước tập quyền cao độ và không có đối trọng, được vận hành bởi một tầng lớp quan lại được tuyển chọn thông qua học vấn”, mà Việt Nam là một biến thể.

Đặc điểm “đặc quyền đặc lợi” phản ánh rõ nhất sự tha hoá quyền lực đảng. Trong thời bao cấp kinh tế khó khăn, giới lãnh đạo đã sử dụng cơ chế phân phối vật chất theo đẳng cấp. Các lãnh đạo tuỳ theo phân loại, chẳng hạn hạng A đặc biệt dành cho các uỷ viên ban chấp hành trung ương, hạng B là cấp tương đương thứ trưởng và C là cao cấp…, ngoài các tiêu chuẩn nhà ở, phương tiện đi lại, nơi nghỉ dưỡng… còn có các cửa hàng riêng để được mua những loại hàng hoá riêng không có ngoài xã hội. Thời kỳ đầu Đổi mới kinh tế thị trường tạo ra động lực tăng trưởng thần kỳ với khối lượng của cải mới được tạo ra trong bối cảnh toàn cầu hoá. Cải cách chính trị đã không theo kịp kinh tế đã tạo cơ hội cho “bộ máy quan lại” “có quyền và gần tiền” trở nên tham lam, tìm mọi cách dưới các hình thức tinh vi để biến “đặc quyền” thành “đặc lợi”, trong đó chủ yếu liên kết công khai bởi chính sách hay mờ ám bởi các quan hệ “thân hữu” vì lợi ích nhóm, với giới kinh doanh trong “khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” hay trong nước, nhưng thực chất họ là các nhà tư bản, để hình thành “nhà nước tư bản thân hữu”.

Giới lãnh đạo đảng nay đang là tầng lớp “hữu sản” giàu có. Ý thức hệ “linh hoạt” đang cố giải thích thực tế này, dù bằng “truyền thống cách mạng vẻ vang” của thế hệ “cha anh”, rằng “thành tích” xoá đói giảm nghèo là to lớn hay tương lai đất nước sẽ hùng cường sẽ vẫn là chủ nghĩa xã hội, mà sự thực hành “chính sách thực dụng” hiện nay chỉ là “sách lược”, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được khoảng cách giàu nghèo chênh lệch lớn, mà đáy là đại bộ phận lao động nghèo trong khi giới lãnh đạo giàu có ở trên đỉnh thang đo phân tầng xã hội.

Bản chất quyền lực và lợi ích của bộ máy nhà nước đã thay đổi. Tầng lớp hữu sản giàu có đang củng cố vị trí trong hệ thống chính trị hiện hành, họ có “đặc quyền” để chuyển thành “đặc lợi” và, tất nhiên hơn thế, cái “đặc quyền thiêng liêng” ấy luôn được “níu kéo”, “viện dẫn” để sẵn sàng bảo vệ những “đặc lợi” đã tích luỹ qua các thế hệ. Vậy cải cách chính trị sẽ ra sao nếu không thay đổi cách tiếp cận?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here