Một bài nhận định rất hay và chính xác về tình trạng đấu tranh dân chủ hiện nay, mọi người hãy chia sẻ và thảo luận.
KHÁI NIỆM TỔ CHỨC
Hiếu thấu nó hay chạy trốn khỏi nó ?
Tác giả : Hoàng Ngọc Diêu
Vài nhận định về vị thế của người Việt trong nước và các tổ chức chính trị xã hội của người Việt ở trong nước (mà nhiều bạn đã hỏi riêng và mình đã trả lời riêng).
1. Trong hiến pháp của nước CHXHCNVN, người dân ĐƯỢC PHÉP tổ chức hội nhóm và hội họp. Tuy nhiên, dưới chế độ cộng sản, thực tế đất nước Việt Nam chưa bao giờ có một hội nhóm độc lập (không phụ thuộc và không liên quan đến csvn) nào được phép tồn tại. Các hội nhóm được hình thành và tồn tại hoàn toàn nằm trong chủ đạo và cho phép của đảng csvn như cánh tay nối dài để bảo vệ chế độ.
2. Đảng csvn chưa bao giờ tự tin để cho phép một tổ chức độc lập nào được phép tồn tại. Bởi vậy, khái niệm đích thực về hội nhóm độc lập, đoàn thể độc lập, tổ chức độc lập ở Việt Nam ngày nay hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, khái niệm “tổ chức” và “hội đoàn” gắn liền với ban ngành nào đó thuộc “nhà nước” mang tính quyền lực và hình thức.
3. Người Việt trong nước hoàn toàn không có quyền quyết định bất cứ chuyện gì trong chính sách, đường lối, kế hoạch, thậm chí không được quyền chọn lựa và càng không được quyền phản đối. Các phản ánh yếu ớt được xem là “tiêu cực” và các phản đối yếu ớt được kết tội là “chống chính quyền”. Chính vì vậy, ý thức về vị trí và trách nhiệm của người dân Việt trong nước đi đến chỗ hoàn toàn bị huỷ hoại.
4. Những năm trước đây, một số nhen nhúm rời rạc về việc hình thành “xã hội dân sự” một cách công khai ở Việt Nam cũng đi đến chỗ tàn lụi vì hai lý do: 1) bị cấm cản (công khai và bán công khai) và 2) bị thay thế (các tổ chức XHDS “quốc doanh” lấn chiếm). Điều này cho thấy, nhà cầm quyền csvn chưa bao giờ để hở một cơ hội, dù nhỏ, để người dân có cơ hội có trách nhiệm.
5. Nhu cầu hình thành hội nhóm, tổ chức độc lập được người Việt trong nước gần đây lờ mờ nhận ra từ việc tiếp cận mạng xã hội. Tuy nhiên, phần lớn không hiểu rõ chính xác nhu cầu hình thành hội nhóm, tổ chức độc lập là để làm gì, cho mục đích gì, làm sao để bảo vệ và duy trì, làm sao để phát triển nó…v.v.. Chính vì vậy, nhu cầu hình thành hội nhóm và tổ chức độc lập bị ngộ nhận thành một thứ điểm tựa tinh thần mơ hồ hoặc là nặng tính hình thức.
6. Chính vì sợ hãi “chính trị”, sợ hãi “tổ chức” (cũng là chính trị), không hiểu tường tận mục đích và vai trò của hội nhóm và tổ chức, không có kỷ năng để phát triển và bảo vệ tổ chức và hội nhóm cho nên việc hình thành sức mạnh kết nối của người Việt trong nước rất rời rạc và tản mạn. Thậm chí, nhu cầu này biến thành điểm yếu (mở cửa cho phe nhóm, đánh phá, tấn công, chia rẽ và những trò thâm nhập, khai thác và phá vỡ do nhà cầm quyền cộng sản thực hiện).
7. Để có thể hình thành lại ý niệm, giá trị và nhu cầu “tổ chức” một cách thiết thực và cụ thể. Người Việt trong nước cần lột bỏ hoàn toàn khái niệm “tổ chức là “chống phá”, “tổ chức là hình thức”, “tổ chức là điểm tựa” mà cần hiểu rằng, tổ chức là nhu cầu “ngồi lại với nhau”, “bảo vệ nhau”, “giúp đỡ nhau”. Tổ chức không cần phải có “tên”, có “huy hiệu” hay có “trụ sở” mà tổ chức rất cần mục đích thiết thực. Từ việc hình thành lại ý niệm, giá trị và nhu cầu một cách chính xác về “tổ chức”, người Việt trong nước sẽ có cơ hội phát triển phương pháp kết nối, phương pháp tổ chức, kế hoạch làm việc, kỹ năng bảo vệ, kỹ năng cá nhân và kỷ luật hành động.
Đây chính là nền tảng để có thể làm những gì mà Hong Kong đang làm. KHÔNG CÓ PHƯƠNG PHÁP ĐỐT GIAI ĐOẠN NÀO CÓ THỂ GIÚP ĐƯỢC NGƯỜI VIỆT.
#_nhậnđịnh
Hoàng Ngọc Diêu