CON CÁ PHẢI MINH OAN

0
135
Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo sẽ hoạt động trở lại bình thường từ 17/9 Ảnh : Vietnam Finance

Vụ báo Tuổi Trẻ và Ansanzo chưa xong, đáng thắc mắc là đến giờ chưa có quyết định nào của cơ quan chức năng khẳng định Ansanzo làm hàng giả.

Bài của Bao Trung Nguyen.
———

CON CÁ PHẢI MINH OAN

Một sự kiện giữa báo chí và doanh nghiệp lại thu hút sự chú ý của dư luận kéo dài suốt mấy tháng. Đó không chỉ là hành trình đi tìm kiếm sự thật đằng sau những trang viết, đó còn là sự thách thức quyền lực một chiều của các thế lực truyền thông. Đó là vụ việc giữa báo Tuổi Trẻ và Công ty Asanzo.

Hơn 23 năm trước, khi bắt đầu với những chiếc tivi “nghĩa địa” ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), Phạm Văn Tam có mơ cũng không mơ được một ngày ngồi chủ trì cuộc họp báo có tiêu đề: “Asanzo được minh oan”. Cùng lắm, ngày ấy Phạm Văn Tam chỉ có thể nghĩ mình có thể trở thành một chủ sạp lớn của chợ Nhật Tảo (Sài Gòn) sau khi bỏ tivi “nghĩa địa” để lăn lộn ở chợ trời này.

“Đó là bởi tôi tham. Trong mấy năm qua, công ty Asanzo lớn lên gấp mấy trăm phần trăm, tôi buông lỏng quản lý nhân sự để mở thật nhanh hệ thống phân phối và cung cấp. Từ đó, nhiều nhân viên của tôi tự tách ra lập các công ty riêng để cung cấp nguyên vật liệu lại cho chính tôi hoặc trở thành các nhà phân phối, khiến hình thành các công ty nhỏ mang tên Asanzo. Nếu anh hỏi tôi sai ở đâu thì tôi nhận như vậy”, Tam – Chủ tịch HĐQT Asanzo, trả lời câu hỏi của tôi.

“Cuộc chiến” giữa Asanzo và Tuổi Trẻ bắt đầu bằng loạt bài điều tra đăng trên báo này vào ngày 21/6. Các cáo buộc của loạt bài này nhắm vào 3 điểm: Giả xuất xứ hàng hoá với cái tem Made in Vietnam, sai phạm về xuất nhập khẩu, lừa dối người tiêu dùng với slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Loạt bài này được cung cấp tư liệu bởi một người phụ nữ tên Thuỷ đã tự tiến hành điều tra – ghi hình. Có nguồn tin cho biết là người rất thân thiết với phóng viên Vân Trường – một trong các tác giả loạt bài và là người gửi đi bảng kế hoạch truyền thông.

“Cơn lũ” thông tin trên một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ trở thành “cơn đại hồng thuỷ” trên mạng xã hội khi được tiếp sức bởi tư tưởng bài Trung đã ăn sâu vào nhận thức của đám đông. Thậm chí, lúc ấy các cố vấn truyền thông của Asanzo sau này cũng đều lên tiếng “chửi” khi mới tiếp cận thông tin một chiều từ Tuổi Trẻ. Lác đác đó đây là vài tiếng nói cảnh tỉnh của những người có đủ hiểu biết về việc nhập khẩu và lắp ráp sản phẩm điện tử. Tất cả bị nhấn chìm trong tiếng gào thét của đám đông khi chạm đến đáy sâu nhất của tâm thức bài Trung và ghét người giàu. Đi kèm đó là bản tin hung hiểm “Phóng viên Tuổi Trẻ bị giang hồ đe doạ” mà sau này bị chứng minh là tin giả, dù nơi đăng tải nó vẫn chưa chịu thừa nhận.

“Ngay khi cuộc khủng hoảng nổ ra, có nhiều công ty truyền thông tiếp cận tôi và đề nghị hỗ trợ giải quyết. Cách chung của họ đó là khuyên tôi xin lỗi người tiêu dùng và nhờ báo Tuổi Trẻ đăng lại cái xin lỗi ấy đồng thời đến báo Tuổi Trẻ nhận mình đã sai như loạt bài vừa nêu, đổ trách nhiệm cho công nhân tự ý dán tem”, Phạm Văn Tam trả lời tôi sau cuộc họp báo sáng 17/9, “Tôi chọn cách chiến đấu vì nếu tôi nhận những cáo buộc đó tôi sẽ mãi mãi không có cơ hội ngóc đầu lên nữa, ôm đống tiền đi vào bóng tối”.

Cho đến giờ này, nếu bạn đọc theo dõi Báo Sạch sẽ thấy các cơ quan nhà nước nhận trách nhiệm thanh tra – kiểm tra Asanzo không đưa ra kết luận nào khẳng định công ty này “dính” vào các cáo buộc báo chí nêu. Ngược lại, VCCI khẳng định việc dán nhãn mác Made in Vietnam là “phù hợp pháp luật hiện hành”.

Chưa có một doanh nghiệp nào tổ chức họp báo với tiêu đề khẳng định mình tự “ minh oan”. Cũng chưa có doanh nghiệp nào chọn cách đối đầu với một thế lực truyền thông hùng mạnh như Tuổi Trẻ, và chứng minh thế lực đó đã nhuốm màu đen tối với bản kế hoạch truyền thông gửi đến sau khi ra tay “đánh” doanh nghiệp.

Đó là gì nếu chẳng phải là một sự vận động rõ nét của xã hội dân sự? Khi cho rằng mình bị oan, người ta không ngồi chờ “đèn trời soi xét” mà chọn cách đối đầu để minh oan cho bản thân.

“Tôi sẽ bổ sung khoản tiền 200 tỷ vào đơn khởi kiện báo Tuổi Trẻ vì những thiệt hại trong suốt 89 ngày qua. Chúng tôi vẫn phải chi lương cho nhân viên và công nhân dù phải đóng cửa 4 nhà máy, toàn bộ hệ thống bán hàng tê liệt” Phạm Văn Tam nói. Một nguồn tin nói với chúng tôi số tiền lương mỗi tháng Asanzo chi ra là trên 30 tỷ đồng.

Có thể thấy, những bất trắc mà Asanzo gặp phải vừa qua không chỉ xuất phát từ một loạt bài trên báo. Nó còn xuất phát từ việc năng lực quản lý doanh nghiệp không đi kịp với tốc độ phát triển khi “bộ máy quản lý không đổi dù tăng trưởng đến hàng trăm %”. Nó còn xuất phát từ việc thiếu những điều luật cụ thể trong đời sống kinh tế để khi gặp việc doanh nghiệp chẳng biết bám vào đâu để tự bảo vệ mình. Nó còn xuất phát từ sự chậm trễ của các cơ quan nhà nước khi hạn chót phải công bố kết luận đã qua dù cho doanh nghiệp có thiệt hại khổng lồ.

Việt Nam, nơi hơn 70% doanh nghiệp trên thị trường là vừa và nhỏ thì một doanh nghiệp của người Việt có thể chiếm được 16% thị phần không phải là câu chuyện muốn làm là được. Nó mang đến cho thị trường một sự lựa chọn rẻ tiền phù hợp với khả năng chi trả của đám đông dân chúng.

Quan sát “con cá” Asanzo tưởng đã nằm trên “cái thớt” dư luận lại đi tự minh oan là một câu chuyện thật sự thú vị, dù Phạm Văn Tam chưa chắc nghĩ như vậy, hành trình đó khiến người ta nhận ra dù ở đâu thì sự thật cũng sẽ được phô bày.

Trung Bảo