Translated from Trump’s plan for ‘pro-American’ education would make China’s Communists proud
Vào tuần trước, khi tổng thống Trump tuyên bố rằng di sản và lịch sử nước Mỹ đang bị công kích bởi âm mưu “truyền giáo” học sinh, nó đưa tôi về thời điểm quá khứ tại Bắc Kinh ngày 6 tháng Chín năm 1989. Năm ngày sau sự kiện Thiên An Môn, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đang tuyên dương những viên chức của quân giải phóng nhân dân Trung Hoa vì đã dập tan những cuộc biểu tình của sinh viên và sát hại vô số người không có khí giới ngay trên đường phố.
John Pomfret, ngày 22 tháng 9, 2020
Đặng Tiểu Bình phát biểu rằng “lỗi lầm lớn nhất” của Đảng Cộng sản Trung Quốc nằm ở việc “giáo dục tư tưởng và chính trị”. Trong những thông tư về sau, đảng Cộng sản Trung Quốc miêu tả sự việc Trung Quốc đang bị rình rập bởi nhiều kẻ thù âm mưu tẩy não thế hệ trẻ Trung Quốc bằng cách bỏ rơi những giá trị văn hoá, lý tưởng và đức tin truyền thống. Vì vậy, Trung Cộng đã phát động chiến dịch giáo dục ái quốc liên tục trong ba thập kỷ làm dấy lên một chủ nghĩa dân tộc hình thành từ sự phẫn uất trong người dân.
Xuyên suốt những thập niên 1950, Mao Trạch Đông luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc là phe thắng cuộc trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, chiến dịch giáo dục ái quốc lại khắc họa Trung Quốc là một nạn nhân. Vào tháng 8 năm 1994, ủy ban trung ương đảng phối hợp cùng ban chỉ đạo địa phương ra chỉ thị toàn quốc phải thấm nhuần về quá khứ đáng hổ thẹn của Trung Quốc trong cuộc chiến Nha Phiến để thấy rõ mưu đồ xấu xa của “thế lực thù địch phương Tây.” Như đại sứ James Lilley đã phát biểu sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, “Người dân Trung Hoa cần một kẻ tế thần để đổ tội”, và kẻ ấy chính là các lực lượng phương Tây.
Chúng ta không khó để đoán được ai sẽ là kẻ tế thần của Trump trong công cuộc xây dựng “chiến dịch giáo dục ái quốc” của mình: chủ nghĩa tự do và hệ tư tưởng phi tổ chức antifa. Có thể thấy rằng có khá nhiều điểm tương đồng một cách đáng sợ giữa lời thề của Trump về việc sẽ thay đổi cách người Mỹ học lịch sử và hình thức tẩy não người dân để tự tôn vinh chính phủ Cộng Sản Trung Quốc. Không chỉ dừng tại đây, vào thứ Bảy, Trump đã tuyên bố tại một cuộc họp chiến dịch ở Fayetteville, N.C., rằng ông sẽ tài trợ cho chiến dịch giáo dục ái quốc Hoa Kỳ 5 tỷ đô từ Walmart và Oracle, hai tập đoàn hiện trong quá trình đàm phán một thỏa thuận với ByteDance, công ty Trung Quốc sở hữu TikTok. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến cảnh tổng thống Mỹ thâu tóm các tập đoàn Hoa Kỳ nhằm tạo nên bộ máy tuyên truyền thông tin có chọn lọc đến người dân Hoa Kỳ. Một viễn cảnh không khác gì so với Trung Quốc ngày nay.
Ngoài ra, theo thỏa thuận kể trên, TikTok phải nhượng lại những thuật toán giá trị của họ cho một công ty Mỹ với mục đích xoa dịu vấn nạn “bảo mật quốc gia” của Hoa Kỳ. Chính quyền Trump cho rằng thế hệ trẻ Hoa Kỳ, bằng việc làm những video vớ vẩn trên TikTok, chúng đang vô tình trở thành mỏ vàng dữ liệu cho tình báo Trung Quốc xâm nhập. Nhưng đây chẳng phải điều các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc vốn đã than vãn từ hàng thập niên qua khi bị bắt buộc phải chuyển nhượng dữ liệu dưới lý do an ninh quốc gia? Đó là chưa bàn đến kế hoạch cấm WeChat, vốn là một ứng dụng nhắn tin đa dụng của Trung Quốc. Tôi hiểu rằng việc sử dụng WeChat có thể gây một vài mối lo ngại về bảo mật quốc gia cho người dùng, và rằng việc WeChat chặn các tin tức từ Mỹ nhằm dọn đường cho các tư tưởng Cộng Sản tiến vào Hoa Kỳ. Nhưng liệu cấm hẳn WeChat có phải phương án tối ưu không? Hành động này có vẻ chỉ mang tính trả đũa việc Trung Quốc đã cấm các ứng dụng tương tự của Mỹ như Whatsapp và Facebook Messenger chứ không vì bất cứ mục đích an ninh nào. Thay vì đề xuất những phương án khả thi hơn, Trump lại đi theo bài bản chiến lược của Trung Quốc: “Bạn chơi bẩn, tôi sẽ chơi bẩn hơn.” Theo cách nói của đứa con 11 tuổi của tôi thì, “Trump có phải muốn làm Hoa Kỳ trở nên giống Trung Quốc hơn không?”
Có lẽ Trump cần xem xét kỹ hơn trước khi áp dụng chính sách của Trung Quốc. Theo quan điểm của tôi, chiến dịch giáo dục ái quốc của Trung Quốc đã không thành công. Dù ít hay nhiều, học sinh và giáo viên vẫn cảm nhận được tình hình chính trị trong nước ngay từ trường học. Lòng ái quốc của họ được thúc đẩy bởi một nhân tố khác – Donald Trump. Nếu ông tiếp tục hành xử không khác một nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng cách đi theo đường lối chèn ép và tách biệt của đảng Cộng Sản, động thái đó chỉ củng cố thêm niềm tin vào chủ nghĩa Cộng Sản của nhân dân Trung Hoa.
Cách ứng phó trước tình hình dịch bệnh của Trump cũng góp phần gia tăng sự ủng hộ dành cho chính phủ Trung Quốc. Tin tức tại Trung Quốc dường như toàn đưa ra sự thật những ngày gần đây và chúng được công bố một cách rất gọn ghẽ: Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn ổn định ở mức thấp trong khi số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ vẫn trên đà tăng trưởng theo số hàng chục nghìn.
Tóm lại rằng Hoa Kỳ hiện tại không có chỗ cho giáo dục ái quốc.
Người dịch: Linh Pham
Biên tập: Tri Luong