Tháng Sáu 30, 2017
Nguyên tác: Chu Mộng Long
(Dựa vào truyện cổ dân gian Tấm Cám)
Tấm có một người em tên là Thóc. Nhưng người xưa không biết Thóc thế nào nên không kể. Chỉ đến khi Thóc thành đạt người ta mới đua nhau xoi mói những gì Thóc có. Nào chức tước, nào biệt phủ, nào tiền tỉ. Người ta không cần biết Thóc đã lam lũ, hì hục cả đời mới có được…
Thói đời là thế!
Sự thật là sau khi cha mẹ chết, Tấm ở với dì ghẻ, còn Thóc thì bỏ nhà đi hoang. Thóc đi mua chổi đót, lá chít từ trên rừng xuống kinh thành để đổi lấy cái ăn qua bữa. Một hôm Thóc đi lạc vào rừng và ngủ luôn ở trong rừng. Khi thức dậy thấy rừng núi mênh mông, lại đói quá, Thóc ngồi khóc. Bụt hiện ra hỏi: – Vì sao con khóc? Thóc kể lể gia cảnh của mình và cầu mong Bụt cứu giúp. Bụt nói: – Số con sau này sẽ rất giàu. Chỗ rừng này sau này sẽ là của con. Nói đoạn, Bụt đưa Thóc ra khỏi rừng.
Thóc vác mấy cây chổi đót, mấy thúng lá chít đi mãi đi mãi rồi cũng tới kinh thành. Thóc đem ra chợ Đồng Xuân đổi được mấy bữa ăn. Nhưng rồi Thóc không còn đủ sức về lại rừng mua chổi đót, lá chít nữa. Đường sá xa xôi, bùn lầy trơn trợt, lại phải chui vào túi nilon mới qua được mấy con sông…
Một hôm Thóc ngồi bên cạnh Hồ Gươm khóc. Cụ Rùa hiện lên hỏi: – Vì sao con khóc? Thóc kêu đói và xin cái ăn. Cụ Rùa thương tình chia sẻ cho Thóc một nửa con mèo chết. Thóc mừng quá ăn lấy ăn để. Nhờ xác con mèo chết mà Thóc sống thêm được mấy ngày để tìm việc làm. Tìm mãi không xong, Thóc lại đến bên bờ hồ ngồi khóc. Cụ Rùa lại hiện ra hỏi: – Vì sao con khóc? Thóc lại xin mèo chết ăn và nói: – Nhờ Cụ cứu giúp cho con một việc làm, sau này giàu có con sẽ tạ ơn Cụ.
Cụ Rùa chỉ cho Thóc cách làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ, và làm chả thiếu nghề gì trên đời. Thóc kiếm được một món tiền kha khá nhưng không biết làm gì với số tiền đó. Thóc lại ra bờ hồ khóc. Cụ Rùa lại hiện ra hỏi: – Vì sao con khóc? Thóc nói: – Xác mèo xác chó ở đây ngày nào cũng có, con ăn cũng đã quen rồi. Nay con làm ra tiền để làm gì? Cụ Rùa cười: – Con hãy dành dụm và tìm cách kiếm một tấm bằng đại học.
Thóc vâng lời mang số tiền kiếm được nộp học phí để vào đại học. Năm thứ ba ở trường đại học, Thóc cùng với một người bạn mở xưởng đóng sửa giày. Nhờ hàng ngày ăn mèo chết ở Hồ Gươm mà Thóc bắt đầu dành dụm một vốn khá lớn, lên đến cả chục tỉ.
Sau khi học xong đại học, Thóc về quê tìm lại chị Tấm. Về đến nơi thì nghe tin chị Tấm đã thành bồ nhí của vua và đang thăng quan. Số là sau khi đòm xong mẹ con Cám, kinh thành bắt đầu dị nghị về tội ác của Tấm, nhà vua buộc phải đưa Tấm về lại vùng cao, thăng quan cho Tấm và biến Tấm thành bồ nhí để lâu lâu nhà vua vi hành lên đó hưởng lạc. Gặp lại em mình, Tấm mừng vui khôn xiết, lập tức xin vua bổ nhiệm cho em một chức vụ nào đó. Vua nói: – Ta dù là vua thì cũng phải làm đúng quy trình, nếu không sẽ sinh loạn. Bèn chỉ bổ nhiệm Thóc một chức quan nhỏ. Thóc buồn, Thóc ra vạt rừng ngày xưa ngồi khóc. Bụt lại hiện ra hỏi: – Vì sao con khóc? Thóc nói: – Con muốn chết cho xong. Chị em mà đối xử như kẹc! Bụt khuyên: – Thì vua cũng đối xử với chị ngươi như kẹc thôi. Ngươi tưởng chị ngươi làm quan không vì kẹc sao? Thóc hỏi: – Bây giờ con phải làm gì?
Bụt suy tính một hồi rồi nói: – Ta sẽ mách nhà vua cho ngươi làm Thổ Địa Vương trấn giữ cả vùng này. Ngươi xây cái biệt phủ thật to, có hồ bơi, có vườn ngự uyển, mỗi khi nhà vua lên với chị ngươi, ngươi vời đến đây cho họ hưởng lạc, thế là đời ngươi mỹ mãn.
Thóc y lời. Thóc nhờ chị Tấm cưỡng chế dân ở khu rừng này và xây ở đó biệt phủ to hơn cả cung đình, đến mức Trời trên cao nhìn xuống cũng thấy. Dư luận đồn ầm lên, chị em nhà Thóc làm gì mà giàu nhanh thế. Họ không cần biết Thóc đã lam lũ, hì hục đến ăn cả xác mèo xác chó mới có được, cho nên họ cứ quy chị em Tấm và Thóc tham ô. Tấm không kiềm chế được bèn tốc váy chửi: – Đéo mẹ quân phản động chuyên bôi nhọ! Bôi vào đít bà thì có! Chị em nhà bà cống hiến cả đời. Phải đánh đổi đến mấy mạng người mới có được đấy! Quân chúng mày đã đóng góp cái đéo gì mà xoi mói?
Nhưng Thóc thì sợ quá lại ra vạt rừng ngồi khóc. Khóc cả buổi vẫn không thấy Bụt hiện ra. Thóc bèn xuống tận kinh thành, đến bờ hồ ngồi khóc. Khóc tru tréo đến chín lần thì Cụ Rùa hiện ra. Cụ Rùa nói: – Ngươi làm giấy vay nợ ta 20 tỉ làm chứng từ để trả lời trước dư luận là xong. Nói xong, Cụ lặn mất tăm.
Thóc về hỏi chị, Cụ Rùa nói vậy là ý gì? Tấm vốn thông minh hiểu ra ngay. Hai chị em tức tốc xuống kinh thành gặp Cụ Rùa làm giấy vay nợ 20 tỉ. Lại giả vờ hỏi mượn người này người kia dăm bảy mươi triệu để thiên hạ biết chị em Tấm Thóc rất nghèo.
Sau khi làm xong mọi thứ, Tấm chủ động xin nhà vua cho khâm sai đại thần giúp đỡ thanh tra để trấn an dư luận. Khâm sai đại thần sợ bị đòm nên đá sang cho khâm sai tiểu thần, đá qua đá lại rồi cũng vào cuộc. Kết luận như ý chị em Tấm Thóc, rằng chị em Tấm Thóc làm giàu đúng quy trình, có Bụt, có Cụ Rùa chứng giám. Nhưng dư luận vẫn không yên, rằng vay nợ cỡ đó thì chỉ có buôn ma túy mới trả được. Có đứa tìm cách moi móc và tống tiền. Tấm lệnh cho cận vệ gài bẫy bắt như bắt một con chuột. Lại mang cái đầu lâu mẹ con Cám ra bêu ở chợ để thị uy, rằng đứa nào ngứa mồm ngứa miệng thóc mách nữa tao sẽ đòm. Như tao đã từng đòm mẹ con Cám vậy!
Từ đó không ai dám ho he chuyện nhà chị em Tấm Thóc nữa. Những người có lương tâm thì mỗi khi nghe chuyện lam lũ làm đủ thứ nghề, chuyện ăn mèo chết chó chết của Thóc mà thấu cảm đến tận xương tủy. Nhiều người dân ở đây nghe vậy cũng đã bỏ nghề đang sống, bắt chước chị em Tấm Thóc làm đủ thứ nghề, ăn mèo chết chó chết và ra rừng hoặc xuống hồ ngồi khóc để tìm vận may.
Chuyện đến đây là hết rồi. Các cháu có hiểu gì không?