Joe Biden chi hai ngàn tỷ đô la

0
130
Ông Joe Biden đã cổ động cho năng lượng sạch trong cuộc tranh cử năm 2020, một dự án bị các công ty dầu phản đối. Nhưng ông đã biết cách thỏa hiệp với họ.

Theo hiến pháp Mỹ, Lập pháp nắm quyền chi tiền, chứ không phải Hành pháp muốn xài bao nhiêu thì xài. Trong hai năm qua, Tổng thống Joe Biden đề nghị và Quốc hội Mỹ đã cho phép chính phủ chi khoảng $2 ngàn tỷ đô la trong 10 năm tới. Số tiền này sẽ thay đổi xã hội Mỹ.

Trong năm đầu cầm quyền, 2021, hai đạo luật ra đời, thứ nhất là xây dựng hạ tầng cơ sở. Từ mấy chục năm qua, ai cũng đồng ý nước Mỹ cần tu bổ đường xá, cầu cống, bến cảng, phi trường, mạng dây dẫn điện trên toàn quốc, và nối kết các đường dây cáp cho internet. Trước đó, các đời tổng thống từ W. Bush qua Obama đến Trump đều tính làm nhưng không thành. Ông Biden được các đại biểu cả hai đảng chấp nhận chi $1.2 ngàn tỷ. Khi đảng Dân Chủ còn chiếm đa số ở Hạ viện, đạo luật mang tên “Giảm Lạm Phát” (IRA) được thông qua, chi thêm $1.75 ngàn tỷ nữa, trong đó $400 tỷ thúc đẩy sản xuất “năng lượng xanh” dùng mặt trời hoặc gió thay vì dầu lửa và khí đốt. Số tiền khuyến khích các công nghệ sạch này có thể lên tới $800 tỷ, theo tuần báo Economist. Tiếp theo là đạo luật CHIP ACT chi $280 triệu giúp các công ty sản xuất chất bán dẫn. Cả hai đạo luật sau đều nêu lên một động cơ là ngăn chặn và qua mặt Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng Hòa không ủng hộ đạo luật IRA.

Từ thời 1980, đảng Cộng Hòa vẫn đề cao kinh tế tự do, với ba cột trụ: giảm thuế; giới hạn số luật lệ kinh doanh ở mức tối thiểu cần thiết; và tự do mậu dịch với cả thế giới. Đó là chìa khóa tiến bộ của kinh tế tư bản. Tổng thống Donald Trump cưa bớt cột trụ thứ ba; ông tăng thuế nhập cảng trên hàng hóa Trung Quốc cũng như thép, nhôm mua từ các nước Âu châu và Canada. Trung Cộng đã chuyển các nhà máy qua các nước như Việt Nam, Indonesia sản xuất, để tránh đóng thuế của ông Trump. Joe Biden ngưng chiến với các nước Đức, Pháp, Canada, nhưng tấn công Cộng sản Trung Quốc mạnh hơn, trên một lãnh vực quan trọng hơn, là chất bán dẫn.

Nhân bệnh dịch Covid khiến đường dây tiếp liệu gián đoạn, hàng hóa Trung Quốc không thể đưa qua Mỹ dễ dàng như trước, các công ty Mỹ phải chịu tốn tiền sản xuất nhiều thứ chip ở ngay trong nước Mỹ, thay vì mua từ bên Trung Quốc rẻ hơn. Lâu nay công ty Intel chuyên sáng chế các loại chip nhưng chỉ làm những thứ tối tân, không đụng tới những thứ chip rẻ tiền. Đạo luật CHIP ACT trợ cấp cho các công ty Mỹ để họ đổi chiều. Intel sẽ bỏ ra $20 tỷ mỹ kim để xây nhà máy sản xuất những thứ chíp mà trước đây vẫn chê không làm vì không có lời. Các công ty chế tạo chíp khác cũng đầu tư thêm $200 tỷ đô la, lập nhà máy trong 16 tiểu bang, vì chính phủ Mỹ hỗ trợ $280 tỷ. TSMC của Đài Loan dựng cơ xưởng ở Arizona, Micron ở New York, vân vân. Nhưng đòn nặng nhất Biden đánh trên công nghiệp điện tử của Trung Cộng là cấm không cho bán các loại chíp mới nhất và máy móc dụng cụ cần thiết để tạo ra các thứ chíp đó; các công ty Nhật Bản và Hòa Lan cũng phải theo vì không muốn bị Mỹ trừng phạt.

Đạo luật mang tên “Giảm Lạm Phát” (IRA) cũng nhắm đối đầu với Trung Quốc, trong cuộc chạy đua tìm các năng lượng mới thay thế dầu lửa, khí đốt. Hiện nay Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất năng lượng xanh, vì họ không đủ dầu, khí để dùng, nguồn nhập cảng thì ở quá xa bên Trung Đông, rất dễ bị ngăn cản nếu có chiến tranh.

Vì nhu cầu của chính họ, Trung Quốc đã phát triển ngành “năng lượng mặt trời. Họ đầu tư vào việc sản xuất các dụng cụ để biến ánh nắng thành điện với số tiền gấp mười lần các nước Mỹ và Âu châu cộng lại. Hiện nay họ cung cấp 80% thị trường các “bàn hứng nắng” (solar panels) trên cả thế giới trong khi nước Mỹ không bước chân vào, theo nhật báo The Wall Street Journal ngày 15 tháng 11 năm 2022. Trung Quốc cũng bán các dụng cụ để chế tạo các bàn hứng nắng nhiều nhất thế giới. Trước đây cũng có các nhà chế tạo “solar panels” ở Mỹ nhưng chi phí đắt quá không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, dù hiệu năng cao gấp bốn, năm lần.

Đạo luật IRA sẽ thay đổi. Chính phủ Mỹ sẽ giảm thuế cho các công ty sản xuất năng lượng bằng nắng mặt trời và gió. Công ty First Solar đang tăng số sản xuất ở nhà máy tại Ohio và mở thêm cơ xưởng ở Alabama. Công ty Hanwha Qcells sẽ đầu tư thêm $2.5 tỷ vào nhà máy ở Georgia để tăng số sản xuất lên gấp năm lần. Các công ty này sẽ phải vượt qua một trở ngại, là họ chỉ được giúp với điều kiện phải dùng các khí cụ Mỹ, “made in USA.” Hiện nay Trung Quốc độc chiếm thị trường bán các khí cụ này. Phải chờ tới lúc người Mỹ nhảy vô thị trường vì cũng được chính phủ giúp, sản xuất các loại khí cụ đó.

Ngân hàng Credit Suisse tính toán vào năm 2030 các công ty Mỹ sẽ cung cấp 90% số bàn hứng nắng dùng trong nước. Solar panels làm ở Mỹ có hiệu năng cao, tạo ra nhiều điện trên cùng một diện tích hứng nắng. Nước Mỹ sẽ xuất cảng thứ hàng mà hiện nay chưa bước vào thị trường. Bộ Năng lượng tiên đoán số năng lượng sạch sử dụng trong nước Mỹ từ 4% hiện nay sẽ tăng lên 37% vào năm 2035.

Ông Joe Biden đã cổ động cho năng lượng sạch trong cuộc tranh cử năm 2020, một dự án bị các công ty dầu phản đối. Nhưng ông đã biết cách thỏa hiệp với họ. Chính các đại công ty dầu lửa cũng đang nghiên cứu về năng lượng sạch, chuẩn bị cho tương lai khi các mỏ dầu cạn dần hoặc dân chúng không muốn đốt xăng xông khói. Bây giờ chính phủ Mỹ sẽ giúp các công ty dầu khí trong việc chuyển hóa tìm nguồn năng lượng mới ngoài dầu khí. Nếu không làm gì mới, đến năm 2030 Mỹ sẽ giảm bớt được 30% mức độ khói độc năm 2005; với đạo luật IRA số khói độc sẽ được giảm bớt 40%.

Đạo luật IRA cũng phát động nước Mỹ bước vào cuộc chạy đua trong lãnh vực sản xuất xe hơi chạy bằng điện (EV) mà hiện nay Trung Cộng cũng đang dẫn đầu, vì họ thiếu mỏ dầu trong nước. Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ, trực tiếp và gián tiếp cho các công ty xe hơi nếu làm xe điện, EV. Kết quả thấy ngay; các công ty xe hơi ở Mỹ đã bỏ ra $68 tỷ mỹ kim trong năm 2022, con số cao nhất trong nhiều chục năm, nâng tổng số đầu tư mới lên $290 tỷ trong công nghiệp chế tạo. Đầu năm nay công ty General Motors tuyên bố sẽ đầu tư $650 triệu mỹ kim khai thác mỏ lithium ở Nevada, một khoáng chất hiếm cần thiết trong các “pin điện.”

Các nhà làm xe hơi chạy điện còn được giúp gián tiếp vì chính phủ sẽ trợ cấp $7,500 đô la cho những người mua xe chạy điện. Vẫn cùng một điều kiện, xe phải chạy bằng pin điện “made in USA” với các bộ phận, nguyên liệu của Mỹ hoặc của một nước đã ký kết tự do mậu dịch với Mỹ! Khoáng chất như Lithium mua từ Argentina, kền mua của Malaysia, là những nước không ký kết gì với Mỹ; nhưng bộ Thương mại Mỹ có thể đặt ra những ngoại lệ.

Công nghệ làm xe điện sẽ phát triển còn nhờ các tiểu bang nâng đỡ. Georgia bỏ ra $3 tỷ đô la dụ dỗ hai hãng xe hơi mở nhà máy làm xe điện, chưa kể các ưu đãi khác về thuế khóa. Michigan cũng đang bắt chước, sẽ dụ dỗ các công ty xe hơi khác.

Những món chi tiêu hơn $2 ngàn tỷ sẽ thay đổi kinh tế và xã hội Mỹ và đạt thêm những mục tiêu khác. Nhiều ngành công nghiệp chế tạo sẽ biến mất, thay thế bằng những ngành mới. Các công nghiệp chế tác sẽ giảm, ngành dịch vụ sẽ tăng lên. Số công nhân cần thiết để thực hiện việc thiết lập ngành năng lượng sạch sẽ thu hút các người mất việc ở các cơ xưởng khác. Chính phủ sẽ lập các chương trình huấn luyện đào tạo những kỹ năng mới; còn cố bảo vệ thợ thuyền khi họ mất việc làm vì nhà máy xe hơi cũ đóng cửa, bằng cách buộc các nhà máy mới phải lập ra gần địa điểm các nhà máy cũ!

Đạo luật IRA còn thêm $150 tỷ giúp trông nom người già và tàn tật. Chính phủ sẽ giúp tiền trả các nhà giữ trẻ, cho các em chưa đi học, nhắm vào giới trung lưu. Các biện pháp này sẽ giúp tăng số phụ nữ đi làm việc, vì họ sẽ không phải ở nhà săn sóc cha mẹ hoặc cha mẹ già. Phụ nữ Mỹ không đi làm nhiều như tại các nước tiên tiến khác. Trong khối G-7 trung bình 80% phụ nữ làm việc ngoài gia đình, ở Mỹ chỉ có 75%. Khi thêm được lực lượng lao động này tham gia, kinh tế sẽ phát triển hơn.

Các biện pháp giúp đỡ người trung lưu và người nghèo khiến cho cánh tả trong đảng Dân Chủ được thỏa mãn, những dân biểu cực tả không còn gây ồn ào trong dư luận tìm cách gây ảnh hưởng trên chính sách của ông tổng thống nữa.

Trong hai năm, với những đạo luật mới, ông Joe Biden sẽ thay đổi nước Mỹ trong 10 năm tới. Những biện pháp mới phải chờ vài ba năm mới được áp dụng, nhiều năm sau đó mới thấy ảnh hưởng trên đời sống người dân Mỹ; cho nên người dân bình thường chưa cảm thấy gì. Vì vậy, số người ủng hộ ông Joe Biden vẫn rất thấp, kể cả trong đảng Dân Chủ.

Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn : https://www.voatiengviet.com/a/joe-biden-chi-hai-ngan-ty-do-la-/6970585.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here