Lang thang ăn vặt Sài Gòn chiều, lê từ công viên Lê Văn Tám ăn xuôi xuống Phan Đình Phùng gặp trời đổ cơn mưa mùa tầm tã. Ngồi dưới tấm ni lông nhỏ phần phật đong gió, tiếng mưa bạt tiếng người. Cô – giọng Bắc Kỳ nhè nhẹ, cô có nụ cười và khuôn miệng duyên duyên trò chuyện.
Ngày đó, sau bẩy lăm, cô từ miền Bắc di cư vô Sài Gòn, học nghề may định học xong về lại ngoài Bắc làm nghề. Dè đâu duyên đưa tới rồi ngụ luôn thị thành này và nghề mưu sanh lại là xe bò bía nuôi hai đứa con trưởng thành nay vẫn cứ xe nầy, hai vợ chồng bán cùng nhau bất kể ngày nắng hay mưa. Cô bảo, ngày nắng bán cũng bốn năm trăm cuốn mỗi ngày, giàu hổng giàu nhưng sống được. Ngày mưa ít lại chứ vẫn bán. Tương nhà nấu từ đậu chứ không mua tương đen của phở về bán vì xe nầy bán từ thời của má chồng tới nay sáu mấy năm rồi.
Ông chú ở đâu đi về, thấy vạt ni lông gồng mình dưới gió mưa giật, nước tạt tứ bề. Đẩy vợ vô hiên nhỏ chỗ tôi đứng núp rồi tính tới tính lui đòi tháo tấm ni lông che lại. Cô can, đợi tạnh hẳn làm. Giọng ổng nói hơi vất vả, khó khăn nhả chữ đặng tiếng không méo, ít cà lăm. Nghe ổng cãi mà thấy thương vô cùng cái tiếng “em”-“tui”. Cô co ro đút tay vô áo khoác, ngồi thu lu góc hiên mim mỉm cười lắc đầu “ổng cứng đầu lắm con”.
Ổng giựt pừng pực mấy đầu mối treo tấm ni lông rồi tháo vát máng, cột lại các đầu mối, men theo mái hẹp của chiếc xe di động nhỏ. Đầu còn lại ổng lấy cái ghế làm trụ. Vẫn thiếu một góc vì tấm ni lông hình chữ nhật, một cách tự nhiên ổng đưa cái đầu dây tụi tôi ổng bảo “giữ cho chú”. Ổng đi dắt chiếc xe máy vô, ổng cột xong đầu dây cuối cùng thì cũng vừa ướt chèm mẹp, tóc bết dẹp lép trên trán. Ổng hua tay nói cô:
-Em thấy chưa, cứ cãi. Tui nói rồi, thấy chưa. Rộng rãi nè, đứng không ướt mà còn kê được một bàn nữa, đúng không con.
Tụi tui “dạ” đồng thanh xong nhìn “giang sơn” ổng vừa mới căng xong thì phì cười. Mưa rả rích không có dấu hiệu giảm, gió vẫn tát từng cơn, mấy lần cái ghế nhỏ nhón hai chân tưởng lật theo gió mà lại không. Cái chỗ nhỏ xíu xiu mà ổng đang đứng dang hai tay như thể vua chúa đứng thị uy, tự hào dưới vương triều tự lập và thần dân của mình rồi đôi ba lần hỏi đi hỏi lại câu lập cập vì giọng nói nhả chữ không tròn “đúng hông? Đúng hông?”.
-Em đứng vầy hông ướt nè, em cứ cãi tui.
Cô mỉm cười kèm cái liếc duyên dáng kiểu con gái Bắc đưa ngang chú giấu chút thẹn thùng với tụi tôi khi ông chú đáp câu hỏi “cô là bà xã chú hả chú?” Ổng chu chu cái miệng kéo đầu cô “mi miếng cho coi nha”.
-Chú kể thiệt con nghe, hồi nớ chú tán sao mà cô chịu vậy chú?
-Có một tháng là cưới liền, con có nghe “cưới vợ là cưới liền tay, chớ để lâu ngày thiên hạ dèm pha” chưa?
-Dạ rồi, cô, hồi nẳm sao mà cô chịu chú vậy cô?
-Hồi đó đâu có tán nhau con, hồi đó cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó. Có người quen mai mối là lấy thôi con. Ngày xưa ổng chưa nhậu, chịu làm lắm.
-Con, chú bán bò bía từ năm mười ba tuổi nghe con.
Hoá ra xe bò bía này là nghề nhà chú. Sáng sớm, cô dậy sớm, làm tương đậu. Tương được nấu từ đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ rang lên rồi lại ngâm xay nấu…Củ sắn đậu thì bào rồi nấu chín nóng theo xe. Còn rau cũng mua mỗi ngày, không để qua đêm được. Lạp xưởng cũng tự làm. Món ăn đơn giản nầy của người Tàu chợ lớn. Đậu phải nóng, tương phải ấm ăn liền vầy mà lại hàn tính chứ không nhiệt cơ thể. Bao năm nay cứ tương đậu mà nấu là thành hương vị gia truyền chứ không cần thêm bớt thành phần gì rườm rà cho nó mất cái gốc bò bía. Cô bảo, thấy vậy chứ bánh tráng biết mua cuốn mới ngon. Nào hành tím phi, đậu phộng rang…tủn mủn, vụn vặt mà không thiếu được.
Sài Gòn này, món gì ở đâu về đây cũng thành tràn trề gia vị, thành phần, phóng khoáng như thị dân xứ này, vậy mà cái món ăn chơi dân dã cũng được mấy chục năm không bị biến tấu, nuôi sống và thành nghề của biết bao gia đình, vài thế hệ lớn lên với món này chứ bộ.
Mưa thưa dần nhưng vẫn. Tôi nghêu ngao ca đôi ba câu bolero nhạc mưa. Cao hứng lấy điện thoại ghi lại chơi tiếng mưa thì ông chú cũng ngẫu hứng kéo cái ghế nhựa gõ lóc cóc, tôi tiếc gì mà không ca hết bản “nửa đêm ngoài phố” dù chiều Sài Gòn mới chết trên đường cách đây có đôi giờ chứ đã ngã khuya đâu. Tôi khèo người bạn, khoe cứ như thể Bolero là đặc sản vườn nhà mình hông bằng.
-Có thứ nhạc gì như Bolero đâu thấy hông, cứ cắc cụp là hát hoài được hoài, khỏi cần cây đàn cũng ra điệu, ra tiết tấu nữa.
Giữa lòng chợ Phú Nhuận, mưa làm bốc lên cái mùi hăng hắc của cống, mùi chợ gồm thức ăn sống, chín quyện nhau rất đặc trưng của bất kỳ khu chợ nào. Tui hít hà khiêm tốn nghe hơi mưa, hơi đất rồi chào cô, chào chú chạy ù ra xe. Ổng với theo
-Mai tầm 6h ghé nha, chú cuốn đãi 2 cuốn đặc biệt.
Tôi cắm đầu chạy xuyên qua màn mưa lưa thưa, về cho kịp đêm nhạc hát với nhau nơi góc vàng vọt mỗi đêm của mình, thả lại tiếng “dạ” thiệt dài cho ổng vui chứ chắc gì mai đã lại thăm được nhau giữa nhịp đời hối hả này. Cô méc rồi, mấy chục năm hổng đổi vị, đặc biệt có chăng là từ đôi tay ổng. Ăn của cô cuốn thôi chứ ổng cuốn chắc gì dám ăn dù nghề của cô giờ là của ổng truyền.
Cái mùi chợ, mọi lần tôi cứ chau mày, sợ lắm, ấy vậy mà lần này, sao thấy dễ thương quá đỗi. Một góc chợ, góc một đôi cuộc đời, một góc tôi đi hoang bước vào.
Sài Gòn đêm mưa tháng tám.
– Ubee Hoang- 2016