Hoài nghi, cay độc, vô liêm sỉ – sao nhiều thế và làm sao chống?

0
135

July 15, 2020

Lời người dịch. Bài này là của một tác giả người Belarus, có thời gian dài sống và làm việc ở Thụy Điển, nói về thái độ của người Belarus. Thấy rất giống với Việt Nam nên tôi dịch toàn văn.
Khi dịch bài này, tôi mới để ý thấy từ cynicism (tiếng Nga là цинизм) không có một từ duy nhất tương đương trong tiếng Việt. Xuất phát điểm, cynicism là tên gọi của một trường phái triết học Hy lạp cổ (dịch ra tiếng Việt là khuyển nho, yếm thế), những người theo trường phái này thực hành một lối sống đơn giản nhất, gần với thiên nhiên nhất, do đó cũng bỏ qua những phép lịch sự tối thiểu về ăn, mặc hay ở, cho nên dần dần từ này đồng nghĩa với vô sỉ, không biết xấu hổ. Trường phái này có nhiều yếu tố liên quan đến chó (nên mới gọi là Khuyển nho), và một trong số đó là việc sống “hồn nhiên” như chó. Ngày nay, từ cynicism (cynical) dùng để chỉ một số thứ (từ điển Anh Việt và Nga Việt):

  • cynicism/ cynical: hoài nghi, yếm thế; hay chỉ trích cay độc; hay nhạo báng, hay giễu cợt; bất chấp đạo lý
  • цинизм (Thái độ, tính, thói) Vô liêm sỉ, vô sỉ, trắng trợn, trơ trẽn, trơ tráo.

Như vậy, tùy ngữ cảnh mà từ này có thể được dịch là hoài nghi (ví dụ thái độ hoài nghi), cay độc (ví dụ nhận xét cay độc) và vô liêm sỉ (hành động vô liêm sỉ). Vì thái độ hoài nghi mọi thứ, nên người ta có lời nói cay độc và hành động vô liêm sỉ, tất cả đều là cynicism.

Các đoạn gạch chân trong bài là do người dịch nhấn mạnh.

Năm 2011, sau 13 năm ở Thụy Điển, tôi chuyển đến làm việc ở Nga và năm 2013 thì về Belarus. Ấn tượng chính của tôi về mọi người: rất giống người Scandinavi – cả bên ngoài lẫn bên trong. Vâng, lầm lỳ, hơi thô lỗ, hào phóng, nhưng giống người Scandinavi hơn nhiều so với người Ý hay Hy Lạp. Tuy nhiên, quen với cách ứng xử của người Scandinavi, tôi nhận ra ngay một sự khác biệt sau khi nói chuyện với nhiều người Nga và Belarus. Dù là nói chuyện với ai, hễ động đến những chuyện tầm cao – đạo đức, luân lý, công lý – là những người đối thoại thể hiện sự hoài nghi (cynicism) khủng khiếp. Cảnh sát đánh đập một nhà hoạt động – nghĩa là “lỗi của chính anh ta, ai bảo tổ chức khiêu khích.” Tờ báo viết bài dối trá – “bài nào chẳng viết vì tiền.” Ai đó trốn thuế – “tốt, trốn là phải, vì đằng nào bọn quan chức cũng tham nhũng hết”. Quan chức bị bắt vì tham nhũng – “thất thế nên bị dựng tội ý mà.” Tôi có cảm giác rằng tất cả mọi thứ, từ nhỏ đến lớn, đều bị nhiễm mùi vị cay đắng này. Và mặc dù theo quy luật, sự hoài nghi là đặc điểm của những người không hài lòng với xã hội hay hệ thống mà họ sống, nhưng ở đây tôi thấy nó trong cả người chống đối lẫn người ủng hộ chính quyền.

Thật kỳ lạ, nhiều người ủng hộ chính phủ hiện tại mà tôi đã nói chuyện thậm chí không phủ nhận rằng chóp bu tham nhũng. Một người Nga đã trả lời một cách cay độc với tôi: “Thế anh tưởng người khác thì hơn à? Tất cả các chính trị gia đều ăn cắp. Ít ra, Putin là một lãnh đạo mạnh mẽ”. Là một công dân Thụy Điển, nơi mà gần đây báo chí đã khuấy động cả xã hội sau khi phát hiện rằng công đoàn nhân viên công ích đã cho Bộ trưởng Ngoại giao quyền thuê căn hộ đặc cách, cách nhìn hoài nghi về thế giới khiến tôi ngay lập tức bị bối rối. Làm sao bạn có thể chỉ bình thản nhún vai khi Viện trưởng viện kiểm sát bị buộc tội biển thủ hàng triệu và liên quan đến các cuộc cướp bóc doanh nghiệp, còn tổng thống chỉ đơn giản pha trò qua chuyện khi được hỏi về điều này? Nếu xảy ra ở Thụy Điển, tất cả các phương tiện truyền thông sẽ viết về nó, và trong các cuộc trò chuyện mọi người sẽ phẫn nộ và lên án. Để không mất niềm tin của công chúng và thua cuộc bầu cử tiếp theo, đảng cầm quyền sẽ phải khẩn trương khắc phục tình hình và trừng phạt thủ phạm, như trường hợp năm 2012, khi một số bộ trưởng bị cách chức vì 5 năm trước đã sử dụng dịch vụ dọn vệ sinh mà không ký hợp đồng lao động đúng luật.

Có cảm giác rằng những người quanh tôi đã hoàn toàn mất niềm tin vào sự thật và điều tốt. Trong mắt họ, tất cả những người khác dường như đều là những sinh vật hám lợi, tham lam và bất lương, và chỉ có thể sống sót trong thế giới đó bằng cách chơi theo luật của họ. Hơn nữa, người đối thoại của tôi thường quả quyết rằng trên thế giới ở đâu cũng vậy. Khi tôi cố gắng chứng minh không phải vậy, họ nhìn tôi như một đứa trẻ ngây thơ vẫn còn tin vào ông già Noel . Sau đó, cuộc trò chuyện thường được chuyển sang chủ đề “tại sao Mỹ đánh bom Nam Tư”, và rằng mọi thứ không đơn giản.

Dấu hiệu của một kẻ hoài nghi

Sự hoài nghi là một phản ứng tự vệ tự nhiên của một người từng bị lừa dối và xúc phạm, và đã vỡ mộng với lòng chân thành của con người và mất niềm tin vào công lý. Điều này được lý giải bởi con người ta không muốn trở thành thằng ngốc giữa những kẻ dối trá, người nghèo giữa bọn trộm cắp, tấm bia sống cho những kẻ hèn nhát, và liên tục thua những kẻ không chơi theo luật. Trong một xã hội có mức độ tham nhũng cao, con ông cháu cha và tiêu chuẩn kép, hoài nghi là một cơ chế bảo vệ tự nhiên. Tại sao lại là cơ chế bảo vệ? Bởi vì trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều muốn trở nên tốt và trung thực, và mỗi khi ta phải làm điều xấu, nó đánh vào lòng tự trọng của ta – ta bị hạ thấp trong mắt của chính mình, ngừng thích chính mình, do đó cảm thấy buồn và khó mà hạnh phúc. Hoài nghi là cơ chế bảo vệ tâm lý chống lại những cảm giác này. Khi làm một hành động xấu, người hoài nghi tự trấn an mình rằng nếu không phải anh ta làm, thì người khác sẽ làm, và kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn.

Người hoài nghi thuyết phục xung quanh (và qua đó thuyết phục chính mình) rằng sự thật không tồn tại, rằng tất cả đều dối trá, đều ăn cắp, chỉ nghĩ về bản thân, và ẩn sau mỗi hành động là lợi ích của ai đó. Nếu chúng ta chấp nhận điều này là sự thật, thì danh dự và sự chân thành sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Nếu mọi người không chơi theo luật, thì người tuân thủ luật sẽ luôn thua cuộc. Bằng cách đó, người hoài nghi biện minh cho quyền phá bỏ các quy tắc của mình, mà không cảm thấy ăn năn. Đây là điều làm cho hoài nghi trở thành một căn bệnh khủng khiếp của xã hội, bởi vì từ đây tất thảy mọi thứ đều lao dốc. Càng nhiều kẻ hoài nghi thì càng nhiều vi phạm, rồi vì thế lại càng nhiều kẻ hoài nghi hơn – vân vân, cho đến khi sự hoài nghi hoàn toàn chiếm lĩnh xã hội, dẫn đến sự suy đồi đạo đức tột cùng.

Thật khó để tranh luận với kẻ hoài nghi, bởi vì đứng về phía anh ta là khiếm khuyết cố hữu trong suy luận logic của con người. Ta đều biết rằng không ai là hoàn hảo. Ta hiểu sự khác biệt giữa một người (hoặc nhóm người) từng có hành động xấu với một người thường xuyên làm điều ác. Ta không đặt họ cạnh nhau, dán nhãn kẻ xấu cho họ. Ta cho mọi người quyền phạm sai lầm, nếu hành vi này không điển hình cho họ. Tuy nhiên, chúng ta rất hiếm khi có số thống kê về những việc ác mà một cá nhân đã làm. Do đó, ta đưa ra kết luận của mình về mọi người và các tổ chức dựa trên thông tin mà ta có. Hơn nữa, sức nặng của bất kỳ thông tin sẵn có nào đều không tương quan với tính đại diện của nó.

Các nhà tâm lý học nổi tiếng Daniel Kahneman và Amos Tversky từ lâu đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng bộ não con người rất thiên vị trong việc đánh giá xác suất của các yếu tố mà anh ta không biết, và có xu hướng phóng đại rất nhiều tầm quan trọng của thông tin mà anh ta biết trong bối cảnh chung. Ví dụ: nếu có người lái ô tô chuyển từ làn bên cạnh sang làn của bạn mà không xi nhan, thì nhiều khả năng bạn sẽ đánh giá anh ta là tay lái bất cẩn và con người thô lỗ chứ không phải là tay lái giỏi và con người lịch sự, chỉ quên nháy đèn. Đơn giản là bạn không có bất kỳ thông tin nào khác về anh ta ngoại trừ sự cố này, và theo trực giác thì có vẻ như sự cố này là điển hình cho anh ta, ngay cả khi nó mâu thuẫn với lý thuyết xác suất. Nếu bạn cố gắng thuyết phục kẻ hoài nghirằng một người hay tổ chức nào đó là cao quý, anh ta ngay lập tức sẽ đào bới trên Internet một ví dụ về người này, và hành vi sai trái này sẽ để lại một dấu ấn to tướng quá mức về danh tiếng của người đó, ngay cả khi hành vi đó là duy nhất. Do đó, kẻ hoài nghi có thể chê bai bất kỳ hiện tượng và con người nào, qua đó chứng minh giả thuyết cay độc của anh ta về sự đểu giả và tuyệt vọng của con người, rằng niềm tin vào những gì cao quý là không tưởng, và tự cởi trói hoàn toàn cho sự vô liêm sỉ của chính mình.

Tôi nhận thấy rằng, người Nga và Belarus có những từ cửa miệng như “địa chính trị” hay “tuyên truyền” (propoganda), là những từ ngữ khá xa lạ đối với dân châu Âu khác. Hơn nữa, nếu từ “tuyên truyền” có ý nghĩa rất tiêu cực đối với người Thụy Điển, bởi nó có nghĩa là thao túng thông tin có chủ ý nhằm thúc đẩy một mục tiêu chính trị nhất định, thì ở đây lần đầu tôi nghe thấy việc phân chia tuyên truyền thành loại tốt và loại xấu.

Những kẻ hoài nghi được thuyết phục rằng tất cả các phương tiện truyền thông, nhà báo, blogger, tổ chức công cộng, thậm chí các tổ chức thương mại, đều tham gia vào việc tuyên truyền một chương trình chính trị nào đó. Không biết bao nhiêu lần, tôi đã bị buộc tội có người tài trợ và viết theo đơn đặt hàng. Hơn nữa, một số bảo rằng tôi ăn tiền của Mỹ, số khác – rằng tôi nhận tiền của Kremlin, số còn lại thì không chắc chắn, nhưng dù sao cũng không tin vào sự chân thành của tôi. Với kẻ hoài nghi, không có thứ gọi là thông tin khách quan và không thiên vị, bởi vì bản thân kẻ hoài nghi không thấy nghĩa lý gì trong tính khách quan. Lĩnh vực thông tin đối với anh ta là một chiến trường giữa các nguồn tuyên truyền khác nhau. Nếu kẻ hoài nghi có một quan điểm, thì anh ta sẽ hỗ trợ nguồn tuyên truyền của quan điểm này. Ngay cả khi chúng sử dụng các phương pháp vô đạo đức nhất, bao gồm cả dối trá và vu khống, thì anh ta vẫn sẽ coi đó là tuyên truyền tốt, bởi nó được thực hiện nhân danh những ý tưởng tốt. Và lương tâm sẽ không hành hạ anh ta, bởi kẻ hoài nghi tin rằng tất cả các đối thủ cũng hành động như vậy.

Ở Thụy Điển, tôi làm việc trong lĩnh vực xã hội học, trên truyền hình, trên phương tiện truyền thông Internet, tôi làm chính trị và cá nhân chưa bao giờ gặp phải tình huống ai đó thao túng dữ liệu hoặc nói xấu ai đó vì lợi ích của người khác, vì tiền lại càng không. Khi các chính khách Thụy Điển bị vạch trần vì hành vi phi đạo đức (xảy ra không thường xuyên), họ luôn xin lỗi, hứa sẽ tốt hơn hoặc từ chức. Tôi chưa bao giờ nghe thấy một trong số họ hét lên rằng anh ta bị các đối thủ chính trị cài bẫy, hoặc do ai đó đặt hàng. Tôi chưa bao giờ nghe đảng thua cuộc trong bầu cử nói về gian lận (mặc dù thực tế là chính quyền ở Thụy Điển thay đổi thường xuyên), nghi ngờ về kết quả thăm dò xã hội, buộc tội các nhà báo vu khống, hoặc gào thét về lợi ích địa chính trị nào đó. Nhưng những kẻ hoài nghi quả quyết rằng chỉ là tôi không biết tất cả mọi thứ, và là nạn nhân của tuyên truyền Thụy Điển. Lập luận của tôi rằng có tồn tại thứ báo chí trung thực được đón nhận với sự nhạo báng. Và những kẻ hoài nghi luôn tìm thấy một số ví dụ để cố gắng chứng minh rằng “lũ phóng viên đó cũng cặn bã cả thôi”. Rốt cuộc, nếu bạn định tìm kiếm, bạn sẽ luôn tìm thấy.

Sự hoài nghi đối với xã hội giống như ung thư đối với cơ thể. Không thể xây dựng một xã hội tự do và công bằng từ những kẻ hoài nghi. Trong một xã hội hoài nghi, không thể thắng tội ác và tham nhũng, bởi vì những kẻ hoài nghi chỉ chơi theo luật khi anh ta bị theo dõi thường xuyên. Và, nếu mọi người bị theo dõi thường xuyên, thì không còn là một xã hội tự do nữa, mà là một trại tập trung.

Suốt một thời gian, tôi cảm thấy rằng dường như chỉ có mình tôi thấy sự hoài nghi này. Tôi thậm chí đã bắt đầu nghĩ rằng, có lẽ đó không phải là sự hoài nghi, mà là hiện thực, và chỉ có mỗi tôi cảm thấy bất thường. Nhưng, một cuộc trò chuyện thú vị đã định hướng tôi trở lại.

Sự xuất hiện của hoài nghi: Cộng hòa Séc, Belarus và Rumani

Mùa xuân 2015, tôi có dịp ăn tối trong một nhà hàng thuyền nổi trên kênh đào ấm cúng của Amsterdam với hai đồng nghiệp. Ngoài việc là đồng nghiệp, cả ba chúng tôi, hóa ra, giống nhau ở chỗ tất cả đều sinh ra ở các quốc gia cộng sản Đông Âu (Cộng hòa Séc, Belarus và Rumani) và sống phần lớn cuộc đời ở Thụy Điển. Đồng nghiệp Rumani của tôi đã cùng gia đình trốn khỏi nước Rumani cộng sản vào những năm 1980 và được tị nạn ở Thụy Điển, nơi sau đó anh trở thành một doanh nhân triệu phú thành công. Gia đình anh đã trốn được chế độ Ceausescu đến Thụy Điển là nhờ một người chú đã chạy trốn một năm trước đó, bằng cách bám vào đáy của một chiếc xe buýt du lịch đi Budapest, và treo mình lơ lửng suốt 8 giờ đồng hồ chỉ cách mặt đường bên dưới có 20cm.

Cha mẹ của đồng nghiệp người Séc thì đã làm việc nhiều năm vì lợi ích của Đảng Cộng sản và do đó đã đạt được một mức độ tin cậy hiếm thấy đối với các công dân phe xã hội chủ nghĩa, khiến họ có thể ra nước ngoài. Để không bị bộ máy an ninh nghi ngờ, họ chỉ mang theo hai chiếc vali nhỏ và một ít tiền mặt. Khi đến nơi, họ lập tức chuyển tiếp sang chuyến bay đầu tiên vớ được. Đến Stockholm. Ở đó, gia đình trí thức người Séc không có mối liên hệ nào, và vì không biết ngôn ngữ, bố mẹ của bạn tôi đã phải làm tạp vụ để nuôi sống bản thân. Nhưng con trai của họ đã được đi học miễn phí, nhận được một nền giáo dục đại học miễn phí, và bây giờ anh là giám đốc của một trong những công ty Internet lớn nhất Thụy Điển.

Chuyện của tôi ít kịch tính hơn, nhưng giống như các đồng nghiệp, tôi nợ xã hội Thụy Điển vì đã chấp nhận tôi (mặc dù không có cơ sở chính thức nào cho việc này sau khi mẹ tôi ly dị chồng Thụy Điển) và cho phép tôi phát triển bản thân trong những điều kiện tương tự như người bản địa. Không ai trong chúng tôi từng trải qua sự phân biệt đối xử, thiên vị hoặc bất bình đẳng liên quan đến bất kỳ người Thụy Điển “con cái trong nhà” nào. Không ai chen hàng chúng tôi, cũng không ai cắt ngang đường chúng tôi. Đối với mỗi chỗ đứng, vị trí và thăng tiến, chúng tôi đã chiến đấu trên cơ sở bình đẳng với mọi người, bằng chất lượng CV và bằng cấp. Trong nhiều năm sống ở Thụy Điển, không ai trong chúng tôi có cảm giác gì về sự tồn tại của một thế lực hay giới thượng lưu nhất định, có thể đưa bất cứ ai vào những vị trí thơm, và có thể bắt truyền thông viết và nói cho lợi ích của mình. Vì thế, dần dần chúng tôi đã có một độ tin cậy tương đối cao đối với xã hội, chính phủ (của bất cứ đảng phái nào) và truyền thông.

Tuy nhiên, khi trở về quê hương sau nhiều năm, đồng nghiệp của tôi và tôi nhận thấy những người đồng hương có một cách nhìn khác về hiện thực, điều này được thể hiện rõ nhất trong câu nói đầy hoài nghi sau: ”Nếu chuyện gì đó xảy ra, thì tức là có lợi cho ai đó”. Đồng nghiệp Rumani thì văn vẻ: “Chúng ta, những người Đông Âu, không giống người Tây Âu, sau nhiều thập kỷ tuyên truyền cộng sản đã phát triển khả năng miễn dịch đối với gian dối”.

Anh giải thích thêm rằng, ví dụ, người Tây Âu quen với việc tiếp nhận thông tin theo nghĩa đen, trong khi người Rumani thường cố gắng nhìn thấy lợi ích hoặc âm mưu đằng sau mỗi tin tức. Thị trưởng bị bắt vì tham nhũng – rõ là bị phe đối lập chơi. Phe đối lập bị tố cáo – rõ là chính quyền đã cài bẫy. Bài viết trên báo – nghĩa là biên tập viên được trả tiền, hoặc bị đe dọa. Diễn viên được giải thưởng – chắc anh ta đã thuê PR giỏi. Giá dầu giảm – rõ là người Mỹ gây áp lực lên Ả Rập. Giá dầu tăng – cũng rõ là do người Mỹ (họ có lợi mà).

“Chúng ta hay suy luận như vậy”, anh ấy nói, “vì chúng ta lớn lên trong môi trường gần như không có thông tin độc lập và khách quan, và mọi người thường xuyên phản bội lương tâm của họ. Báo chí viết những gì có lợi cho chính quyền. Khắp nơi là những khẩu hiệu đẹp đẽ và những lời kêu gọi cao quý, nhưng đằng sau đó là những nhà tuyên truyền của đảng và các quan chức tham nhũng, bản thân sống theo những nguyên tắc hoàn toàn khác. Ở chỗ đông người, ai cũng nói những gì người khác muốn nghe, và chỉ nói sự thật trong bếp, mà cũng không phải tất cả. Ngày nay, chính quyền không còn tham gia tuyên truyền, vì các phương tiện truyền thông nhà nước không còn phụ thuộc vào chính quyền (nghe đến đây, tôi nuốt nước bọt ghen tị – lưu ý của tác giả (vì ở Belarus thì vẫn như thời Liên xô, chưa được như Séc hay Rumani – ND)), nhưng tham nhũng vẫn còn và có nguồn tiền nuôi sống nó. Do đó, mọi người vẫn không tin vào bất kỳ thông tin nào, và đằng sau bất kỳ động cơ cao quý nào người ta đều muốn thấy sự trục lợi của ai đó. Điều này rất buồn.”

Có thể chiến thắng sự hoài nghi?

Có thể, và cần thiết nữa, nếu bạn muốn con mình lớn lên trong một xã hội trung thực và công bằng. Hơn nữa, mỗi chúng ta có thể đóng góp rất lớn cho cuộc đấu tranh này bằng cách thay đổi cách tiếp cận của bản thân đối với mọi thứ. Một ví dụ tích cực cá nhân là vô cùng dễ lây lan, bởi vì những kẻ hoài nghi, giống như tất cả mọi người, cũng muốn trở nên tốt. Họ cho phép mình xấu chỉ vì họ nghĩ mọi người đều xấu. Do đó, cần phải phá hủy thế giới quan đã phát triển trong đầu kẻ hoài nghi. Đó là một thế giới mà trong đó không có công lý, sự khách quan và danh dự, nơi mọi thứ đều được thực hiện vì lợi ích ích kỷ. Nhưng bằng cách nào?

Hãy khuyến khích bản thân làm những việc cao quý một cách thường xuyên nhất có thể. Nếu hành động của bạn mâu thuẫn với lợi ích của bạn, nhưng lại hợp lý về mặt đạo đức, thì nó chắc chắn sẽ trở thành một phương thuốc mạnh mẽ chống lại sự hoài nghi. Nếu bạn vô tình nhận được mức lương gấp đôi, hãy liên hệ với bộ phận nhân sự và trả lại tiền. Nếu người quen của bạn đề nghị chen hàng – hãy từ chối, vì điều này là không công bằng với những người khác đang chờ đợi. Nếu một nhân viên yêu cầu bạn nói dối sếp rằng anh ta đi làm đúng giờ, đừng đồng ý. Nếu bạn nhặt được tiền trên phố – hãy đưa đến đồn cảnh sát, hoặc thông báo trả lại miễn phí. Nếu ai đó đề nghị bạn xem phim trên một trang phim lậu, hãy giải thích rằng bạn không muốn làm điều này vì sự tôn trọng đối với những người tạo ra bộ phim, và đề xuất Netflix hoặc Megogo thay vào đó. Đừng im lặng khi ai đó vi phạm pháp luật, ngay cả khi đó là bạn bè hay người thân của bạn.

Phải thừa nhận rằng không ai hoàn hảo, và ai cũng từng làm gì đó tồi tệ, nhưng điều này không có nghĩa là làm điều tốt là vô nghĩa (nhiều kẻ hoài nghi nghĩ vậy). Tự nhận tội và ăn năn là một hành động cao cả, sẽ khiến thế giới quan của kẻ hoài nghi phải tan tành. Thật vậy, trong thế giới của kẻ hoài nghi, nơi không có đạo đức, không ai tự thú bất cứ điều gì, bởi vì trong thế giới đó, đây chỉ là một biểu hiện vô nghĩa của sự yếu đuối, chỉ tổ có lợi cho kẻ thù.

Kể cho những kẻ hoài nghi về những việc làm cao quý của người khác. Hãy nhớ rằng ngay cả khi ai đó kể với bạn về một hành vi phạm tội nhất định của người khác, cũng không nên đưa ra kết luận có tính khái quát trên cơ sở này. Bạn biết rằng đây không phải là tất cả thông tin, mà chỉ là thông tin đến được với bạn. Ai cũng có tì vết, kể cả chính bạn. Nhưng điều này không có nghĩa bạn là người xấu. Thà bị lừa dối nhiều lần còn hơn một lần mất niềm tin vào con người. Và, cách tốt nhất để đánh bại sự hoài nghi là không để nó chui vào bạn.

Dịch từ bài tiếng Nga: ОТКУДА В НАШИХ ЛЮДЯХ СТОЛЬКО ЦИНИЗМА?

Bình luận thêm của người dịch

Có lẽ vì căn bệnh hoài nghi, cay độc và vô liêm sỉ này, mà ta có thể quan sát thấy hiện tượng phổ biến ở Việt Nam:

  • các quan chức khi bị ra tòa đều tỏ ra hèn, tìm cách đổ lỗi và kêu bị bệnh (vì biết rằng ai cũng tham nhũng, chỉ là mình không may)
  • người tốt không dám ra tay giúp nạn nhân khi tình cờ chứng kiến tai nạn, vì nhiều khả năng người nhà nạn nhân sẽ nghi họ là thủ phạm (làm gì có chuyện có người tốt ra giúp!) và hành hung mà chẳng cần tìm hiểu gì.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here