NGƯỜI VIỆT
Ngày cùng người bạn đi xem cuốn phim tài liệu ‘Painted Nails’ được trình chiếu (pre-screening) ở San Francisco vào cuối Tháng Tư vừa qua, bà Trần Thị Minh Th., 52 tuổi, cư dân San Jose, từng làm trong ngành nail, bật khóc ngay trong rạp hát.
Bà Th. cho biết cho báo Người Việt hay là bà không thể dằn được cảm xúc, vì qua câu chuyện của nhân vật chính, bà thấy thấp thoáng cuộc đời mình trong những ngày còn làm chủ hai tiệm nail salon gần nơi cư ngụ.
“Tôi bán tiệm hết trơn rồi, không làm nail nữa. Nhưng bữa nào nhớ chuyện cũ là bữa đó trách mình ham kiếm tiền, nấn ná ở trỏng lâu quá nên mới… Phải chi nghỉ sớm hơn chút thì biết đâu?…” Bà Thu ngập ngừng tâm sự, rồi chấm câu bằng cái chép miệng.
Những nạn nhân thầm lặng
Painted Nails là cuốn phim nói về cuộc đời của Vân Nguyễn, một chủ tiệm nail người Việt, đến Mỹ định cư, làm việc miệt mài nhiều năm trong ngành nail để xây dựng giấc mơ Mỹ, rồi giấc mơ sụp đổ khi sức khỏe ngày càng sa sút, kể cả hai lần bị sẩy thai vì hậu quả của chất độc trong hóa phẩm dùng ở tiệm nail.
Từ một nạn nhân, bà Vân Nguyễn dần dà trở thành một người đi đấu tranh đòi phải có luật đòi hỏi ngành nail phải sản xuất những hóa chất an toàn cho người sử dụng.
Giống nhân vật Vân Nguyễn, bà Minh Th. cũng sẩy thai, nhưng không phải hai lần mà năm lần trong năm năm liên tiếp, khi hai vợ chồng bà lúc đó sự nghiệp đã ổn định, muốn có một mái ấm gia đình.
“Sau khi tôi bị (sẩy thai) lần thứ ba, mà bác sĩ chỉ nghi là tại làm nail chứ không biết rõ tại sao, ông xã tôi ổng nói chắc tại em hít mấy chất độc đó dzô người đó, thôi bỏ đi đừng làm móng tay nữa,” bà Thu ôn lại chuyện cũ.
“Tôi nói chắc không phải đâu, người ta cũng làm nail mà vẫn có con hà rầm đó. Mình làm chủ chắc không đến nỗi nào. Mà đâu phải nói bỏ là bỏ liền được đâu, hồi đó tôi mới mở cái tiệm thứ hai, định build cho tiệm khá lên rồi nhờ người coi tiệm, ở nhà nuôi con…”
Phải hai năm sau, sau khi sẩy thai thêm hai lần nữa, và sức khỏe ngày càng sa sút, hay bị nhức đầu chóng mặt, người dễ mệt, bà Th. mới nhất quyết ra khỏi cái nghề đã giúp hai vợ chồng bà tạo dựng được một tài sản tương đối.
Cho đến giờ, bà Th. cũng vẫn không thể quyết đoán 100% là có phải tại những chất độc bà hít phải trong tiệm nail mà bị sẩy thai không, nhưng với vợ chồng bà, giấc mơ có con cái cho vui cửa vui nhà là một giấc mơ họ không thực hiện được.
“Không ai nói chắc chắn là mấy thuốc trong tiệm làm bà bầu bị sẩy thai, đó mới là cái khổ!” Bà Th. phàn nàn.
Nạn nhân của những hóa chất độc hại trong ngành làm nail không ít, nhưng tiếc thay họ là đám đông thầm lặng.
Tương tự, bà Lê Thu Hà, 42 tuổi, ở trong ngành nail hơn 18 năm, hiện đang làm việc cho một nail salon ở Huntington Beach, cũng là một nạn nhân thầm lặng khác của những hóa chất được dùng ở tiệm nail.
Hay phải nói đứa con trai thứ ba của hai vợ chồng bà là nạn nhân mới đúng?
Những lúc không có người trông con, bà thỉnh thoảng mang Tuấn, cậu con sáu tuổi đến tiệm. Tuấn ít cười, hầu như không bao giờ nói, thường ngồi yên một chỗ, chân đi khập khễnh như người bị tật. Nói về sức khỏe của con, bà chép miệng, lắc đầu: “Nó bị tật lúc mới sinh ra, khó nuôi lắm. Tội nghiệp. Chắc tại hồi có bầu nó tôi đi làm nhiều, lo kiếm tiền để mang gia đình qua…”
“Giờ tôi làm ít tuần ba ngày thôi. Thôi ráng làm mai mốt có chút vốn nghỉ luôn cho khỏe,” bà Hà tự hứa hẹn.
Ðối mặt nhiều nguy hiểm nhưng ít ai để ý
Nguy cơ hít phải chất độc trong những sản phẩm phải dùng đến hàng ngày là quan tâm chung của người làm việc trong ngành nail, dù họ có nói về những lo lắng này hay không. Và cho đến rất gần đây, dù có muốn nói, thì tài liệu về những chất độc này không đầy đủ, khiến người trong ngành không hiểu rõ nguy cơ mình phải đối diện cũng như phải làm gì để giảm thiểu nguy hiểm cho sức khỏe.
Vào cuối năm 2012, Cơ Quan Bảo Vệ Sức Khỏa và An Toàn Lao Ðộng của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ phát hành và phổ biến một tài liệu dài 20 trang, có tên “Sống khỏe mạnh và an toàn khi làm nghề nail.” Tuy nhiên, tài liệu này không phải ai cũng có thì giờ để ý đến.
Tài liệu trên nói rằng, có ít nhất là 12 loại hóa chất độc hại trong các sản phẩm dùng ở mọi tiệm nail, gồm: Acetone, Acetonitrile, Butyl Acetate, Dibutyl phthalate (DBP), Ethyl acetate, Ethyl methacrylate (EMA),…
Tài liệu này giải thích rằng có ít nhất là 12 loại hóa chất độc hại trong các sản phẩm dùng ở mọi tiệm nail, gồm: Acetone, Acetonitrile, Butyl Acetate, Dibutyl phthalate (DBP), Ethyl acetate, Ethyl methacrylate (EMA), Formaldehyde, Isopropyl Acetate, Methecrylic acid, Methyl methacrylate (MMA), Toluene, v.v…
Theo tài liệu nói trên, ba kẻ thù nguy hiểm nhất của giới làm nail là: Dibutyl phthalate, gọi tắt là: DBP; Toluene; và Formaldehyde.
DBP có trong chất sơn móng tay, gây buồn nôn và khó chịu cho da, mắt, mũi, miệng và cổ họng. Tiếp xúc lâu ngày với DBP sẽ tạo ra nhiều tai hại nghiêm trọng khác cho sức khỏe. Toluene có trong cả sơn móng tay lẫn keo dán móng tay, làm cho da khô và nứt, nhức đầu, chóng mặt và cảm giác tê, gây cho chịu cho mắt, mũi, họng và phổi, làm hư gan và thận, gây nguy hại cho thai nhi trong thời kỳ thai nghén. Formaldehyde có trong sơn móng tay, chất làm cứng móng, gây khó thở, ho lên cơn giống như bị suyễn, thở khò khè, nhiều phản ứng dị ứng, gây khó chịu cho mắt, da và cổ họng. Tiếp xúc lâu với Formaldehyde có thể gây bịnh ung thư.
Với những luật lệ khó khăn hơn, hiện nay nhiều hãng sản xuất hóa chất dùng cho ngành nail cho biết đã và đang cố gắng tránh dùng DBP; Toluene; và Formaldehyde, hay ít ra nhãn hiệu của sản phẩm ghi như thế. Ðáng buồn thay, kết quả nhiều cuộc thanh tra cho thấy kể cả những sản phẩm mang nhãn “3-không” (tức không chứa ba chất cực hại này) vẫn chứa những chất đó.
Cơ Quan Bảo Vệ Sức Khỏa và An Toàn Lao Ðộng của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ khuyên các tiệm nail nên mở tung cửa để được thoáng khí, và khuyên thợ nail không nên chứa thức ăn hay ăn uống trong tiệm, một điều với giới trong nghề khó thực hiện được vì nhu cầu của công việc.
Những nghiên cứu cần biết
Tuy không được nhắc đến nhiều, những câu chuyện về “bệnh nghề nghiệp” của người tạo ra những bàn tay có bộ móng hoàn hảo nhan nhản khắp nơi. Ðủ loại bệnh: sẩy thai, con bị tật, ung thư, da ngứa, khó thở, chóng mặt, hen suyễn hay những cơn ho không dứt. Ða số nạn nhân ít than phiền, và thường chỉ im lặng chịu đựng hay tự nhủ lòng sẽ cẩn thận. Một số người khác bị bệnh nhưng hiểu hay không tin là bệnh tật của mình chính là vì phải tiếp xúc hàng ngày với những hóa chất độc hại.
May thay, nhiều nghiên cứu khoa học càng ngày càng cho thấy những hóa chất phục vụ hữu hiệu cho móng tay, chẳng hạn như chất làm móng khỏi bị tróc, bóng đẹp, chống lại vi khuẩn, khô nhanh, có mầu rực rỡ, chính là thủ phạm gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người thợ, và trong nhiều trường hợp, cả người khách đi làm móng tay.
Bà Kimberly Aguilera, 62 tuổi, một khách hàng quen của tiệm Ana Nails ở Long Beach nói bà rất mê làm French manicure, dù “ngửi mùi hóa chất hơi khó chịu.”
“Giờ lớn tuổi, tôi hình như bị dị ứng hơn với các chất hóa học, nên cố gắng hai tuần mới đến tiệm thay vì mỗi tuần như trước kia.” Bà Aguilera vừa nhìn người thợ đang cắm cúi chăm sóc bàn tay cho mình một cách ái ngại.
Kết quả một cuộc nghiên cứu của Cục Y Tế Dự Phòng và Sinh Trắc Học, thuộc Trung Tâm Khoa Học Y Tế Ðại Học Colorado, Denver, Colorado, cho thấy trong số 1,883 bệnh nhân bị suyễn được chẩn bệnh, gần 40% mắc bệnh này sau khi làm nail.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ người bị bệnh Hodgkin và đau tủy tăng cao trong giới thợ làm móng tay, cắt tóc, và những người làm nghề trang điểm.
Nhưng rất khó để đưa đến những kết luận chắc nịch, một phần vì các nghiên cứu còn rất hạn chế và không có đủ dữ kiện, chẳng hạn như cùng làm nail nhưng mực độ tiếp xúc với hóa chất độc hại của từng người có thể khác nhau, thời gian làm trong nghề khác nhau, thói quen làm việc khác nhau.
Bệnh rối loạn về da cũng là một bệnh thường thấy trong giới làm móng tay. Nhiều chất hóa học trong sản phẩm làm móng được Cơ Quan Bảo Vệ Sức Khỏa và An Toàn Lao Ðộng của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ phân loại là các chất nhạy cảm với da, có thể gây ra các phản ứng đau đớn.
Ký giả Sarah Nir viết về trường hợp của bà Ki Ok Chung, một thợ làm móng tay trong gần hai thập niên, đi lấy dấu tay vào công dân Mỹ, thì khám phá ra một thực tế tàn nhẫn: các dấu tay của mình hầu như đã biến mất. Chuyên viên lấy dấu tay phải loay hoay bẩy lần mới lấy xong dấu tay cho bà. Bà Ki Ok Chung cho rằng tiếp xúc liên tục với giũa móng tay và chất tẩy thuốc có lẽ đã từ từ làm mòn da tay mà bà không biết. Sự nguy hại không dừng ở đó. Giờ đây bà Chung hễ cứ sờ thay vào ly nước lạnh hay nóng đều cảm thấy đau đớn.
Nỗ lực của Cơ Quan Bảo Vệ Sức Khỏa và An Toàn Lao Ðộng của Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ đang tạo những kết quả tốt, tuy hết sức khiêm nhường. Nhưng giới phân tích cho rằng phong trào đấu tranh bảo vệ sức khỏe cho thợ nail còn cần được đẩy mạnh hơn nữa mới thực sự mang đến được an toàn cho người làm trong ngành này.
—————–
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
Họa sĩ Ann Phong và lớp hội họa cùng bằng hữu