Tác giả: Russ Buettner, Susanne Craig và Mike McIntire
Dịch giả: T.Vấn
7-10-2020
Cái giá phải trả giá cho “kinh doanh khôn ngoan”
Với thói quen hay dùng những cách nói Trump gọi là “sự cường điệu chân thật” (truthful hyperbole) để thuyết phục đối tác rằng mình sẽ đáp ứng yêu cầu của họ, ông ta đôi lúc đã bước đến mé bờ mong manh của gian lận, lừa đảo. Cũng chẳng bao lâu sau đó, Trump bị buộc tội là đã vượt qua lằn ranh mong manh ấy.
Trong sự nôn nóng muốn moi thêm đô la từ con ngỗng vàng của Burnett (tức show “The Apprentice” – ND), Trump đã lao vào một loạt những thương vụ liên quan đến những sản phẩm, những dịch vụ còn đang bị đặt nhiều dấu hỏi, bao gồm cả những thương vụ hứa hẹn sẽ tiết lộ những tuyệt chiêu trong khả năng làm ăn siêu phàm của mình.
Mùa đầu tiên của “The Apprentice” chưa xong, Trump đã bỏ túi $300,000 tiền thù lao cho bài nói chuyện tại một cuộc hội thảo ở Dayton, tiểu bang Ohio mà những người ghi tên tham dự phải trả $2,995 để học những bí quyết làm giàu nhanh chóng của một công ty sau này đã bị buộc tội trong vụ án lừa đảo người đầu tư (công ty này áp dụng cái gọi là Ponzi Scheme, lừa người góp vốn đầu tư bằng cách lấy tiền góp của người đến sau trả cho người đến trước – ND).
Trong bài nói chuyện của mình, Trump lấy vụ thất bại ở sòng bài Atlantic City làm ví dụ, tự mô tả mình như là nạn nhân của một vụ lừa đảo, phải nhờ đến khả năng thông minh và lòng kiên cường để vượt thoát. Người ngồi nghe tin như sấm.
Lillie Moss, người rút tiền trong quỹ hưu trí ra để mua bộ tài liệu đầu tư ở cuộc hội thảo Dayton, nói về Trump: “Sự hiện diện của ổng khiến tôi an tâm”.
Tài liệu thuế liệt kê một loạt thù lao những buổi nói chuyện khác của Trump, bảo trợ bởi công ty The Learning Annex. Ông ta nhận được 7.3 triệu đô la trả cho những buổi hội thảo có tên như “Triển lãm sự thịnh vượng của ngành địa ốc: Chỉ một cuối tuần có thể trở thành triệu phú”. Một quyển sách Trump cùng viết chung với người thành lập The Learning Annex: “Think Big and Kick Ass: In Business and Life”, đem lại khoản nhuận bút 1.4 triệu đô la.
Nhưng trong những câu chuyện thần thoại Trump kể về mình, trong các buổi hội thảo, trong các quyển sách dạy làm giàu, không bao giờ ông ta nhắc đến hàng triệu đô la giải cứu đến từ thân phụ hay những lỗ lã doanh nghiệp ông ta báo cáo đến sở thuế IRS. Cũng vắng bóng những khoản tiền kếch xù – chỉ có thể biết được qua xem xét các tài liệu thuế của Trump – mà ông ta nhận được nhờ sẵn sàng đứng ra quảng cáo, bảo trợ, phê chuẩn một loạt dịch vụ thương mại còn đang bị nghi ngờ, chỉ trích.
Với năm tháng, và với sự thành công của “The Apprentice”, đã đưa tên tuổi của Trump vượt quá biên giới New York, khoảng cách giữa sự thật và sự cường điệu ngoa ngôn của Trump ngày một mở rộng. Cũng chẳng sao nếu ông ta be be (nguyên văn “bray” – tiếng lừa kêu be be) về người mẹ quá cố của mình – một triệu phú, có người làm kẻ ở trong nhà và sở hữu chiếc xe Rolls-Royce – thường xài xà bông giặt quần áo hiệu ALL. Bây giờ, ông ta còn đi “mại” (bán, tiếng lóng – nguyên văn: flog, tiếng lóng nghĩa là bán một vật gì – ND) những thứ có thể làm người ta bị mất tiền oan uổng.
Một thương vụ, có thể được coi là thương vụ béo bở nhất của Trump, cấu kết với công ty tiếp thị đa cấp (multilevel marketing company) ACN. Khách hàng được bảo rằng họ có thể kiếm bộn tiền bằng cách ngồi nhà bán video phones, truyền hình vệ tinh và những dịch vụ khác. Bị điều tra ở nhiều nhiều quốc gia nơi ACN hoạt động, tài liệu cho thấy công ty đã nhận được rất nhiều lời than phiềnrằng, các nạn nhân cuối cùng đã bỏ tiền ra nhiều hơn là nhận lại được trong lúc cố gắng rao bán các sản phẩm của công ty.
Các giới chức điều tra ở Pháp đã kết luận rằng, “chỉ có 1 phần trăm những người làm công việc bán hàng của ACN có thể có được thu nhập thỏa mãn (từ việc bán hàng)”, số còn lại thì, hoặc là bị mất tiền, hoặc có đỡ hơn chút đỉnh thì cũng chỉ kiếm được chừng $35 đô la một tháng, theo như án tòa cho biết. Các điều tra viên ở tiểu bang Montana cũng đi đến một kết luận tương tự. Họ điều tra ra rằng, một nhân viên trung bình (của ACN) trong tiểu bang đã trả cho công ty $750 về nhiều loại lệ phí khác nhau nhưng chỉ lấy về được $53.
Về phần ACN, trong lúc tìm cách đạt được những thỏa thuận để dàn xếp các vụ kiện tụng trong các tiểu bang, nhưng chưa bao giờ nhận mình đã làm sai. Họ biện luận rằng, kiểu cách làm doanh nghiệp của họ đã bị hiểu lầm. Trên trang Web của ACN, có một trang định nghĩa cách làm việc của ACN: “The Difference in ACN and a Pyramid Scheme” (Pyramid Scheme là một mô hình kinh doanh dựa trên việc lôi kéo thêm đối tác vào doanh nghiệp chứ không chú trọng vào sản xuất hay mua bán dịch vụ – ND).
Một án kiện tập thể (hiện đang tạm ngưng) tố cáo Trump và gia đình đã cấu kết với ACN bằng cách khẳng định rằng, nhãn hiệu Trump là điểm trung tâm trong sách lược doanh nghiệp của ACN. Một trong những người đứng đơn kiện cho biết, bà ta ký tên làm việc với ACN sau khi “xem một video clip của ACN xuất hiện trong chương trình ‘The Apprentice’.”
ACN đã phát hành những DVD của Trump quảng cáo cho những sản phẩm của công ty. Trên website của mình, họ còn có hẳn một khu gọi là “Trump partnership” đăng tải các hình ảnh của ông ta xuất hiện trong các hoạt động của ACN và câu tuyên bố bảo trợ cho công ty: “ACN nổi tiếng với những thành công của mình. Những thành công thật sự đồng nghĩa với thành công của nhãn hiệu Trump và những nhãn hiệu thành công khác, và chính bạn cũng có thể trở thành một phần của sự thành công này”.
Vào lúc Trump giới thiệu sản phẩm Video Phones của công ty ACN trong “The Apprentice” vào năm 2011, món hàng này đang sắp sửa bị lỗi thời, vậy mà ông ta vẫn cứ đưa nó lên tới trời: “Tôi cho rằng video phones của công ty ACN là hết sẩy”.
Hồ sơ thuế của Trump cho thấy, số tiền thù lao mà công ty ACN trả ông ta cho lời khen ngợi: 8.8 triệu đô la trong 10 năm, bao gồm 1 triệu đô cho năm 2009, năm của cơn bĩ vận thời kỳ đại suy thoái (great recession), khi mà những công dân tuyệt vọng đặt hết niềm tin vào những lời hứa về một tờ ngân phiếu lương sẽ sớm xuất hiện. Thật vậy, Trump đã lợi dụng những bấp bênh của kinh tế để thu lợi cho riêng mình.
Trong một hợp đồng khác cùng năm, nhằm mục đích tiếp thị đa cấp các sản phẩm vitamins của một công ty đã được đổi tên thành Trump Network, qua các buổi gặp gỡ và các cuộc nói chuyện, Trump đã khuyến dụ được một số người sẵn sàng bỏ ra $500 để mua những hướng dẫn (starter kit), còn cố tìm cách lôi kéo thêm bạn bè, bà con thân hữu gia nhập. Trong một video, Trump nói rằng mọi người “cần một ước mơ mới”.
Ông ta thêm vào: “The Trump Network muốn đem lại cho hàng triệu người một niềm hy vọng đã được đổi mới và một kế hoạch hấp dẫn sẽ đưa chúng ta ra khỏi trận suy thoái này”.
Chỉ hai năm sau, Ideal Health, công ty đứng đằng sau Trump Network, bị bán đi và các chủ nhân của nó khai phá sản. Dù vậy, theo các dữ liệu thuế, hai năm cũng đủ để Trump kiếm được 2.6 triệu đô la bằng cách bán món hàng hấp dẫn hy vọng trong những hộp thuốc vitamins.
Năm 2016, Trump đồng ý trả 25 triệu đô la để giải quyết những tranh chấp kiện tụng trong vụ Trump University, nơi mở những khóa học không có giá trị tín chỉ (unaccredited seminar) nhưng khuyến dụ được các sinh viên trả mỗi người $35,000 để ghi danh học ngành nghề địa ốc. Nhưng phương cách thu xếp một vụ kiện tụng pháp lý như thế là một ngoại lệ trong suốt thập kỷ hoạt động kinh doanh của Trump và công ty, được mô tả trong một vụ kiện tập thể (class-action suit), nộp tại tòa án năm 2018 như sau:
“(Doanh nghiệp dựa) trên một quy mô rộng lớn và phức tạp, nhưng chỉ có một mục đích duy nhất: làm giàu cho chính mình bằng cách lừa dối một cách có hệ thống những người vốn bị bấp bênh về kinh tế đang tìm cách đầu tư vào giáo dục để có thể khởi sự một doanh nghiệp nhỏ do chính mình làm chủ và theo đuổi giấc mơ Mỹ”.