Hậu giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Quốc hội và Viện trưởng VKSND Tối cao lên tiếng

0
753
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Uỷ ban thường vụ Quốc hội đang xem xét vụ án Hồ Duy Hải Courtesy of dantri -RFA edited
NGƯỜI LAO ĐỘNG
Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định kháng nghị của viện về vụ án Hồ Duy Hải không sai, còn Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý

Chiều 18-5, tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã dành thời gian nói về vụ án Hồ Duy Hải, sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đưa ra phán quyết phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải với nội dung giữ nguyên bản án tử hình.

Xem xét thật toàn diện và khách quan

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài qua nhiều năm. “Liên quan vụ án này, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập đoàn giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. Khi đó, bà Lê Thị Nga là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nay là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, làm phó trưởng đoàn” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đoàn giám sát thời điểm đó đã có báo cáo chi tiết với Quốc hội về vụ án này. Thời gian qua, gia đình bị cáo Hồ Duy Hải tiếp tục khiếu nại kêu oan, dư luận và nhiều tổ chức quốc tế cũng quan tâm tới vụ án. “Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Hậu giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Quốc hội và Viện trưởng VKSND Tối cao lên tiếng - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Trí (giữa) – Viện trưởng VKSND Tối cao – tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 4 Ảnh: PHẠM DŨNG

Liên quan đến vụ việc này, trước đó đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa cho rằng vụ án có tầm quan trọng vì liên quan đến sinh mạng con người của nạn nhân và bị cáo Hồ Duy Hải. Do đó, cần phải điều tra, xét xử nghiêm minh, phải đúng người, đúng tội. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, những vụ oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và một số án oan sai khác có đặc trưng là chủ yếu dựa vào lời nhận tội của bị can và những chứng cứ gián tiếp. Những kinh nghiệm đó cho thấy việc dựa chủ yếu vào bản cung của các bị can, vào chứng cứ gián tiếp thì có nguy cơ oan sai.

“Về pháp luật hình sự, luật tố tụng hình sự đòi hỏi nguyên tắc suy đoán vô tội. Việc buộc tội phải dựa trên các chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện và không thể tranh cãi được. Tuy nhiên, trong vụ này, những bản cung không khớp, mâu thuẫn và không được củng cố bởi những vật chứng, chứng cứ quan trọng của vụ án như dấu vân tay, hung khí…” – vị ĐBQH là luật sư phân tích.

“Kháng nghị giám đốc thẩm là đúng luật!”

Đó là khẳng định của ông Lê Minh Trí – Viện trưởng VKSND Tối cao – tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổ ĐBQH đơn vị số 4 vào sáng cùng ngày được tổ chức tại quận 11, TP HCM, sau khi các cử tri đề cập đến những tranh luận trái chiều về vụ án Hồ Duy Hải.

“Vụ án Hồ Duy Hải báo chí đã đăng rất nhiều về nội dung cũng như những vấn đề liên quan nên tôi không nói thêm nữa. Ở đây xin nói về thẩm quyền, đó là trong quá trình xem xét vụ việc thấy có nhiều tình tiết còn nhiều mâu thuẫn, chưa được làm rõ. Do đó, căn cứ vào quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, khi có những vấn đề như vậy thì kháng nghị để xem xét lại” – ông Lê Minh Trí phân tích.

Ông Lê Minh Trí khẳng định không nói Hồ Duy Hải có tội hay không có tội nhưng thấy vụ án có nhiều sai sót và những chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn giữa hiện trường, lời khai và thực hiện điều tra cho nên ông kháng nghị. “Tôi kháng nghị giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại xem có tội hay không có tội một cách thận trọng, khách quan, bảo đảm được tính mạng con người, khi mà chúng ta chưa có một chứng cứ trực tiếp khẳng định có giết người hay không” – Viện trưởng VKSND Tối cao phân tích thêm.

Đặc biệt, ông Lê Minh Trí cho rằng về mặt thẩm quyền thì ông kháng nghị đúng thẩm quyền, có căn cứ và không sai luật. “Còn ai thắc mắc nói rằng không đúng thẩm quyền, sai luật thì cứ chỉ ra. Còn vấn đề tòa đúng hay viện kiểm sát đúng thì cấp thẩm quyền sẽ xem xét” – ông Lê Minh Trí nói. Ngoài ra, Viện trưởng VKSND Tối cao thông tin ngày 16-5 vừa qua, VKSND Tối cao đã có báo cáo cấp thẩm quyền xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.

Diễn biến vụ án

Sáng 14-1-2008, người dân phát hiện 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) bị sát hại tại nơi làm việc.

Trong vòng 1 tuần sau khi xảy ra vụ án mạng, nhiều thanh niên trong khu vực hoặc có quan hệ tình cảm, quen biết với 2 nạn nhân đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thẩm tra xét hỏi. Trong số đó, có một nghi can tên là Nguyễn Văn Nghị, là bạn trai của 1 trong 2 nạn nhân. Hai tháng sau đó, Hồ Duy Hải bị bắt và bị kết luận là hung thủ. Sau đó, cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.

Ngày 24-10-2011, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành án. Ngày 4-12-2014, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ Hồ Duy Hải, yêu cầu tạm dừng thi hành án. Ngày 22-11-2019, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án để điều tra lại.

Ngày 8-5-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

NHÓM PHÓNG VIÊN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here