
Giới quan sát đều có chung nhận xét, với hơn 30% ý định bỏ phiếu, đảng CDU của ông Fréderic Mers gần như bảo đảm có được thắng lợi bầu cử. Nhưng việc đảng AfD ghi được tỷ lệ ý định bỏ phiếu ở mức 20-21% cao gấp đôi so với năm 2021 không chỉ cho thấy đà tiến đều đặn mà đó còn là một bước đột phá ngoạn mục.
Theo quan sát của nhà báo Alain Guillemoles, trưởng ban Quốc tế nhật báo Công giáo La Croix, dù kết quả cuộc bỏ phiếu hôm nay vẫn ở tỷ lệ này, AfD có lẽ sẽ không tiếp cận được quyền lực do việc các bên thắng cuộc được dự báo là phe bảo thủ, tức đảng CDU, đã cam kết không mời AfD tham gia liên minh cầm quyền. Lãnh đạo đảng CDU có nhiều khả năng hoặc sẽ chuyển sang phe Xã hội – Dân chủ hoặc các đảng Xanh để thương thảo lập chính phủ.
Làm thế nào giải thích cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu AfD, trả lời RFI Tiếng Việt, Alain Guillemoles trước hết cho rằng, phải tự hỏi làm thế nào Đức đã không bị ảnh hưởng trước sự trỗi dậy của một đảng cực hữu, vào lúc tất cả các nước xung quanh Đức đã nếm trải hiện tượng này.
Nhà báo Alain Guillemoles : Người ta đã thấy cực hữu trỗi dậy tại Pháp, Bỉ, Áo. Chúng ta còn thấy cực hữu nổi lên ở Ba Lan, cũng như là tại các nước Bắc Âu, các nước vùng Scandinave v.v… chúng ta những đảng cực hữu này đã có chính phủ của họ trong khi Đức vẫn còn chưa bị ảnh hưởng.
Tôi nghĩ rằng Đức thoát được điều đó bởi vì có một kiểu mặc cảm tội lỗi của người dân Đức liên quan đến chính lịch sử của họ, quá khứ thời Đệ Nhị Thế Chiến và theo một cách nào đó, điều này đã ngăn cản người dân Đức chuyển hướng sang đảng này. Nhưng bất chấp tất cả, ký ức về các sự kiện của Đệ Nhị Thế Chiến có lẽ đang bắt đầu phai nhạt vì chúng ta thấy rằng đảng cực hữu này cũng đang trên đà phát triển.
Có nhiều lý do để giải thích cho đà đi lên của đảng cực hữu AfD. Nhưng tôi nghĩ rằng, đó là vì, trước hết ở phía đông nước Đức, rồi tại nhiều nơi khác của Đức, có một trạng thái ngờ vực ngày càng lớn đối với các đảng phái chính trị truyền thống như chúng ta thấy ở khắp nơi khác tại châu Âu. Người dân họ từ chối hệ thống, và đảng AfD đã chuyển hướng sự tức giận của người dân vào các vấn đề kinh tế, cũng như là di dân. Một phần lớn chương trình tranh cử của đảng AfD là nhằm vào chủ đề phản đối tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Đảng AfD có thể được coi như là một đảng phân biệt chủng tộc công khai, điều này là đáng lo ngại. Và đây cũng là một đảng có tư tưởng xét lại quá khứ bởi vì họ muốn xem xét lại quá khứ của Đức. Họ muốn người dân Đức giũ bỏ mặc cảm tội lỗi. Bà lãnh đạo đảng AfD còn đi xa hơn khi nói rằng Adolf Hitler không phải là người có tư tưởng cực hữu mà là một người cộng sản, và do vậy, đây là một cách để hợp pháp hóa các ý tưởng của phe cực hữ.
Cuối cùng, đây là một đảng rất bài châu Âu, và tôi cho rằng đây là khía cạnh đáng lo nhất bởi vì đảng này muốn đưa nước Đức ra khỏi khối đồng tiền chung euro cũng như là đưa Đức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Nếu kết quả bầu cử cũng cho tỷ lệ tương tự như thăm dò, đảng AfD sẽ trở thành một lực lượng chính trị thứ hai tại Đức. Vậy đâu là những thách thức mà AfD đặt ra cho chính phủ Đức tương lai ?
Nhà báo Alain Guillemoles : Trên thực tế AfD đã là lực lượng chính trị thứ hai tại Đức. Bởi vì đảng này đã có được một số ghế tại nhiều nghị viện địa phương. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy là tại tất cả những nghị viện các bang, AfD đã không thể nào lên cầm quyền được bởi các đảng phái chính trị khác, tuy họ đấu đá với nhau, nhưng họ cũng đồng tình rằng không chìa tay thân thiện với AfD và đưa đảng này tham gia chính quyền địa phương. Do vậy, AfD vẫn chỉ là một đảng đối lập và không có quyền lực.
Đổi lại, với việc có được một tỷ lệ ủng hộ cao hơn, AfD chắc chắn sẽ gây áp lực lên các đảng phái truyền thống cầm quyền, buộc những đảng này phải đề cập đến một số chủ đề do AfD đưa ra, và nhất là như chúng ta đã thấy, các phát biểu bài di dân đã được đảng CDU, đảng bảo thủ bắt đầu nhắc đến. Đảng này cũng muốn siết chặt các biện pháp chống di dân, đóng cửa biên giới và cho hồi hương những người đi vào Đức mà không có giấy tờ hợp lệ.
Frédéric Merz, lãnh đạo đảng CDU đã đề nghị một chương trình cải cách nhằm mục đích thiết lập các trung tâm tạm giữ di dân ở biên giới nước Đức. Nếu như luật này được thông qua, điều đó có nghĩa là nếu một ai đó đi vào Đức mà không có tờ hợp lệ, thì họ có nguy cơ sẽ bị giam giữ trong trại khép kín này trong khi chờ xem xét hồ sơ xin tị nạn.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Alain Guillemoles, trưởng ban Quốc tế nhật báo công giáo La Croix.