Góp ý về bài viết của TS Trần Công Trục

0
747
Nhân Tuấn Trương

Hồi sáng này ông Phuc Dinh Kim có nhắn tôi góp ý về bài viết của TS Trần Công Trục tên báo Giáo dục. Tôi không có ý định góp ý với ai nữa về vấn đề biển Đông. Góp bao nhiêu ý kiến cũng như “nước đổ lá môn”, thật là vô ích.

Chiều tới quởn đọc lại bài của TS Trần Công Trục. Quả nhiên bài này có nhiều điểm cần phải thảo luận.

Theo TS Trục, các nhà nghiên cứu về Biển Đông của VN nên thống nhứt lại về lý lẽ nhằm chứng minh chủ quyền của VN tại HS và TS. Tôi cũng đồng ý với ý kiến này. Nhứt là điểm cần dẹp bỏ ba cái bản đồ lịch sử linh tinh. Ba cái thứ này thường thấy đăng đi đăng lại trên báo VN. Thật là lợi bất cập hại. Ngay cả lợi ích tuyên truyền. (Hôm nào đăng lại bài viết về giá trị pháp lý các bản đồ để bà con nhận xét).

Có điều cái “công thức” của TS Trục đề ra, (để các học giả VN thuộc bài), tôi thấy “nhà nước VN” hôm nay có điều làm chưa ổn.

Dẫn nguyên văn:

“Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng.

Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực.”

Hết dẫn.

Điều chưa ổn đó là sự “liên tục quốc gia”. Có thật sự nhà nước VN hôm nay đã “thực thi chủ quyền thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng” hay không ?.

Theo tôi, trên quan điểm pháp lý, yếu tố “liên tục” (quốc gia) là điều quan trọng hơn cả (để chứng minh chủ quyền).

Ngay cả lúc một quốc gia đã chứng minh được “chủ quyền lịch sử – titre historique” (hay danh nghĩa chủ quyền ban đầu – titre original), tức là quốc gia đầu tiên khám phá, quản lý và khai thác vùng lãnh thổ này, thì nếu trong một khoảng thời gian, một nhà nước kế tục đã phủ nhận, hay từ bỏ chủ quyền ở vùng lãnh thổ này, thì quốc gia kế nhiệm sẽ mất chủ quyền trên vùng lãnh thổ đó.

Nhiều án lệ của Tòa công lý quốc tế cho thấy việc này đã thường xảy ra. Một quốc gia đơn thuần mất một lãnh thổ cho một quốc gia khác vì quốc gia này đã khiếm khuyết trong việc hành sử thẩm quyền.

Câu hỏi đặt ra cho TS Trục, là bằng cách nào nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hôm nay đã “thụ đắc” chủ quyền ở HS và TS ?

Bằng “kế thừa” hay là “lãnh thổ chinh phục được” ?

Nếu là “kế thừa”, thì kế thừa từ “ngụy” VNCH, hay từ thực dân Pháp, hay từ nhà nước “phong kiến” ?

Đảng CSVN luôn miệng nói rằng “bài phong đả thực”, “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”. Phong là “phong kiến”, thực là “thực dân”, tức những nhà nước (hay đại diện chính đáng) của VN đã chiếm hữu, khai thác và quản lý liên tục, cho tới thời kỳ VNCH.

Đánh đuổi người ta, kêu người ta là “ngụy”, (ngụy là cái không thật) thì kế thừa bằng cách nào ? (Làm sao kế thừa cái không có thật?)

Còn nếu HS và TS là lãnh thổ thụ đắc “bằng chinh phục”. Tức là lãnh thổ chiếm được từ một quốc gia khác. Thì không cần phải kể lể dài dòng làm chi (theo lối thuộc lòng) đã dẫn lại ở trên.

Tôi nóng lòng chờ đợi TS Trục làm ơn “vén màn” mù sương mà chế độ đã cố tình phủ mờ lịch sử từ 30-4-1975 tới nay.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here